Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giải pháp ngăn chặn gian lận hoá đơn điện tử
Thứ sáu: 21:01 ngày 07/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng việc phát hành, sử dụng HÐÐT để xuất khống, mua bán hoá đơn nhằm trục lợi, vi phạm pháp luật.

Nhân viên Cục Thuế Tây Ninh hỗ trợ thủ tục cho người nộp thuế.

Hoá đơn điện tử (HÐÐT) đem lại nhiều lợi ích cho cả người nộp thuế (NNT) và các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, một số cá nhân, tổ chức cố tình lợi dụng việc phát hành, sử dụng HÐÐT để xuất khống, mua bán hoá đơn nhằm trục lợi, vi phạm pháp luật. Ngành Thuế Tây Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Theo Cục Thuế Tây Ninh, tính đến ngày 29.6.2023, có 6.241 đơn vị trên địa bàn tỉnh đăng ký thành công hoá đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020 NĐ-CP. Những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp quy định việc đăng ký thành lập doanh nghiệp đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện; Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế (NNT) tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, một số đối tượng lợi dụng các ưu điểm của HÐÐT để trục lợi, vi phạm pháp luật, có hiện tượng một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng việc phát hành, sử dụng HĐĐT để xuất khống, mua bán hoá đơn để trục lợi, vi phạm pháp luật.

Cụ thể như: các đối tượng lập hoá đơn sai quy định về kê khai không đúng, không đủ; không xuất hoá đơn cho hàng hoá xuất khẩu; hoá đơn chiết khấu thương mại lại lập thành hoá đơn điều chỉnh; hoá đơn lập sai liên quan đến loại tiền, không đúng đơn vị tiền tệ theo quy định, có cả tỷ giá cho tiền VND; hoá đơn thay thế và hoá đơn bị thay thế có giá trị khác nhau.

Còn có trường hợp, các đối tượng huỷ HĐĐT đã lập không đúng quy định như: huỷ HĐĐT đã được cấp mã của cơ quan Thuế đã gửi cho người mua hàng không rõ lý do, sau đó có văn bản đề nghị cơ quan Thuế chấp thuận; lập hoá đơn không đúng thời điểm như: hàng hoá, dịch vụ đã chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng cho người mua; công trình xây dựng đã hoàn thành, đã nghiệm thu theo giai đoạn nhưng không xuất hoá đơn trả khách hàng kịp thời mà để đến tháng sau, quý sau thực hiện lập hoá đơn; chuyển dữ liệu HĐĐT đến cơ quan thuế quá thời hạn quy định.

Trước thực trạng trên, ngành Thuế đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp phòng, chống mua bán HÐÐT bất hợp pháp, tổ chức giao nhiệm vụ tới từng công chức, từng đội, từng phòng chức năng, định kỳ hằng ngày tiến hành rà soát trên hệ thống HĐĐT để kịp thời phát hiện người nộp thuế có rủi ro cao trong sử dụng hoá đơn.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Thuế trong việc xác minh hoá đơn, phân công, xử lý, phê duyệt, trả lời yêu cầu xác minh hoá đơn, cảnh báo rủi ro, kịp thời xem xét, xử lý vi phạm trong hoạt động mua bán hoá đơn trái phép.

Đẩy mạnh áp dụng quy định về phân loại mức độ rủi ro theo quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17.5.2021 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế để có các biện pháp xử lý phù hợp đối với những doanh nghiệp có rủi ro. Thực hiện lập danh sách người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế để thực hiện quản lý thuế theo quy định

Trong quá trình rà soát, ngành Thuế xác định doanh nghiệp có rủi ro cao, cơ quan Thuế chủ động và kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng như: Công an, Sở Kế hoạch và Đầu tư... để xử lý ngay những vi phạm trong hoạt động mua bán hoá đơn trái phép.

Theo Cục Thuế Tây Ninh, tại Công văn 2392/TCT-QLRR, Tổng cục Thuế đã xây dựng chức năng trên ứng dụng HĐĐT đáp ứng yêu cầu kiểm soát HĐĐT, ngăn chặn tình trạng xuất hoá đơn khống.

Trong đó, hệ thống tự động sẽ kiểm soát tổng giá trị hàng hoá bán ra trên các hoá đơn đã xuất so với ngưỡng giá trị hàng hoá đầu vào được tính toán bằng K lần tổng giá trị hàng tồn kho và tổng giá trị trị hàng hoá mua vào. Hệ thống cảnh báo thực hiện theo tham số K.

Các trường hợp NNT vượt ngưỡng sẽ cảnh báo và đưa vào danh sách quản lý. Sử dụng chức năng tra cứu danh sách NNT cảnh báo để xem xét, xác định các trường hợp thuộc diện ngừng sử dụng hoá đơn theo quy định.

Trên cơ sở văn bản của Tổng cục Thuế, Cục Thuế Tây Ninh đã kịp thời ban hành kế hoạch các để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống gian lận trong sử dụng HÐÐT đến các đơn vị thuộc và trực thuộc.

Theo đó, Cục Thuế Tây Ninh tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành chức năng trên địa bàn trong quản lý thuế nói chung và quản lý HĐĐT nói riêng. Trong đó, đơn vị đặc biệt chú trọng công tác phối hợp với cơ quan điều tra để kịp thời xử lý các vụ việc có dấu hiệu rủi ro cao, vi phạm pháp luật về hoá đơn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NNT hiểu rõ những hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm về mua bán, sử dụng HĐĐT để thu lợi bất chính, chiếm đoạt tiền thuế, tiền của ngân sách Nhà nước. Đồng thời, cơ quan Thuế công khai các trường hợp vi phạm đã bị xử lý để răn đe, làm gương, qua đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành tốt chế độ hoá đơn, chứng từ theo quy định.

Tháng 4.2023, Tổng cục Thuế công bố hoạt động của Trung tâm cơ sở dữ liệu HÐÐT phục vụ công tác phân tích, quản lý rủi ro sử dụng HÐÐT. Ðến nay, Cục Thuế Tây Ninh đang triển khai sử dụng hệ thống hỗ trợ kiểm soát tình hình sử dụng hoá đơn của doanh nghiệp.

Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu HÐÐT giúp phát hiện các giao dịch mua bán bất thường và tiến tới phòng ngừa từ sớm, từ xa việc mua bán khống HÐÐT, đồng thời sẽ có cảnh báo tới NNT về sự bất thường trong việc sử dụng hoá đơn ngay khi xuất hoá đơn.

Trên cơ sở bộ chỉ số tiêu chí đánh giá, xác định NNT có dấu hiệu rủi ro trong quản lý và sử dụng hoá đơn ban hành tại Quyết định số 78/QĐ-TCT, Cục Thuế Tây Ninh chỉ đạo các phòng và Chi cục Thuế trực thuộc thực hiện lập danh sách NNT có dấu hiệu rủi ro; rà soát, đối chiếu với thực tế quản lý thuế tại địa phương, tập trung vào những trường hợp nộp thuế thấp hơn nhiều lần so với mức trung bình ngành nghề kinh doanh, tăng đột biến về doanh thu, không có tài sản, sử dụng số lượng lớn hoá đơn... để đưa vào danh sách giám sát trọng điểm.

Ngoài ra, ngày 5.7.2023, Cục Thuế Tây Ninh có quyết định thành lập Tổ phân tích rủi ro trong quản lý và sử dụng hoá đơn tại Cục Thuế. Theo đó, thành viên tổ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và có nhiệm vụ lập kế hoạch phân tích, đánh giá rủi ro; tiếp nhận thông báo, cảnh báo rủi ro, xử lý thông tin cảnh báo về dấu hiệu rủi ro của người nộp thuế trong quản lý và sử dụng hoá đơn; chuyển kết quả phân tích, đánh giá dấu hiệu rủi ro của NNT đến các đơn vị có liên quan thuộc và trực thuộc Cục Thuế để xử lý.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục