Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Mới đây, tại khách sạn Sunrise (TP.Tây Ninh), được sự hỗ trợ của dự án USAID SHIFT, Cục Phòng chống HIV/AIDS phối hợp Sở Y tế Tây Ninh tổ chức Hội thảo triển khai Chỉ thị số 10 của Bộ Y tế về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế.
BS.Nguyễn Văn Cường- PGĐ Sở Y tế phát biểu khai mạc hội thảo.
Dự hội thảo có đại diện dự án USAID SHIFT, đại diện mạng lưới những người sống chung với HIV/AIDS tại Việt Nam (VNP+) và cán bộ y tế trực tiếp làm công tác phòng chống HIV/AIDS ở địa phương.
Kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế đang là rào cản lớn cản trở người nhiễm HIV và nhóm có hành vi nguy cơ cao tiếp cận với các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS.
Kỳ thị và phân biệt đối xử có thể khiến những người trong nhóm nguy cao cơ lây nhiễm HIV sợ không đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm HIV. Với những người đã biết tình trạng nhiễm HIV, họ có thể che dấu, dẫn tới tỷ lệ tiếp cận với điều trị HIV thấp, tỷ lệ bỏ điều trị cao.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đến hết năm 2017 có khoảng 200 ngàn người nhiễm HIV được quản lý và còn sống. Tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng 170 ngàn người đang điều trị ARV, nghĩa là còn khoảng 30 ngàn người nhiễm đang sống trong cộng đồng chưa được điều trị vì nhiều lý do, trong đó phải kể đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế.
Trước thực tế đó, tháng 12.2017 Bộ Y tế ban hành Chỉ thị số 10 về việc tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế.
Thăm khám cho người có HIV- Ảnh minh hoạ
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS trình bày về thực trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế Việt Nam; nội dung Chỉ thị 10/CT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường giảm kỳ thị và phân biệt đối xử trong cơ sở y tế và Hướng dẫn triển khai các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại cơ sở y tế.
Đại diện mạng lưới VNP+ phía Nam chia sẻ về sự cần thiết của giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, vai trò của người nhiễm trong các can thiệp giảm kỳ thị và phân biệt đối xử.
Các đại biểu cũng tham gia thảo luận về những khó khăn khi triển khai chỉ thị; đề xuất, kiến nghị đối với các giải pháp, hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế.
Kỳ thị và phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người nhiễm HIV hoặc những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, mà còn làm cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng.
Những người nhiễm HIV e sợ thái độ kỳ thị hoặc bị phân biệt đối xử sẽ tránh xét nghiệm và không áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV.
Sợ hãi không dám xét nghiệm HIV đồng nghĩa với việc họ có thể vô tình làm lây lan HIV sang người thân hoặc những người khác trong cộng đồng. Do vậy, các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử tại cơ sở y tế là đặc biệt quan trọng, cần phải được khẩn trương triển khai.
Yên Khuê