Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 15.9, đoàn công tác của HĐND tỉnh đến giám sát, khảo sát về “Hiệu quả quản lý và sử dụng các trang thiết bị truyền thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2023” tại huyện Tân Châu. Đoàn do ông Nguyễn Việt Cường- Phó Trưởng Ban Văn hoá Xã hội làm trưởng đoàn.
Bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại buổi giám sát.
Ông Nguyễn Việt Cường- Phó Trưởng Ban Văn hoá Xã hội HĐND tỉnh (bìa trái) tìm hiểu hoạt động của hệ thống truyền thông thông minh tại xã Tân Hưng
Theo ghi nhận của đoàn, qua khảo sát thực tế công tác phát thanh tại xã Tân Hưng, thị trấn Tân Châu và Đài Truyền thanh huyện Tân Châu đều được các cán bộ, lãnh đạo địa phương quan tâm, tạo điều kiện để đưa thông tin đến với người dân.
Hiện nay, Tân Châu có 12 Đài Truyền thanh xã, thị trấn; trong đó, Đài Truyền thanh xã Tân Hà và Suối Ngô được tỉnh trang bị hệ thống máy phát sóng FM tần số thấp. Huyện có 220 trạm truyền thanh ấp; trong đó, có 52 trạm hữu tuyến, 72 trạm vô tuyến (không dây) và tính đến cuối năm 2022, huyện được trang bị 96 cụm truyền thanh thông minh.
Hàng năm, kinh phí hoạt động, bảo trì, bảo dưỡng của Đài, Trạm truyền thanh cơ sở được thông qua HĐND huyện và được phân bổ trực tiếp cho các xã, thị trấn; trung bình 1 xã được cấp 40-50 triệu đồng/năm.
Đài Truyền thanh huyện thời gian qua được địa phương đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ. Ngoài ra, theo Đề án “Xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - Viễn thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025”, Đài Truyền thanh huyện được trang bị một bộ thiết bị tích hợp số hóa - hệ thống truyền thanh thông minh; trang bị cài đặt 1 phần mềm điều khiển hệ thống truyền thanh thông minh. Việc thực hiện các kênh phát sóng, Đài truyền thanh huyện thực hiện phát sóng hàng ngày qua Tần số FM 93,6 MHz, tiếp sóng phát thanh Đài PT-TH tỉnh trên hạ tầng Internet và phát sóng FM.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với lãnh đạo huyện Tân Châu.
100% cán bộ Đài Truyền thanh huyện, xã, thị trấn được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ; đa số cán bộ truyền thanh các xã, thị trấn có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, cán bộ trẻ, năng động sáng tạo, trong cộng tác tin bài và nhiệt huyết trong trao dồi, kỹ năng vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả trang thiết bị truyền thanh thông minh được trang bị hiện nay.
Tuy nhiên, hiện nay 52 trạm truyền thanh hữu tuyến được lắp đặt từ năm 2016 trở về trước đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền ở địa phương. Ngoài ra, 14 cụm truyền thanh thông minh trên địa bàn xã Suối Ngô được lắp đặt năm 2020 (dự án do Sở Thông tin và Truyền thông trang bị) hoạt động không ổn định do sử dụng mạng Mobifone nên sóng yếu, chập chờn.
Bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian qua công tác nhân sự tại Đài Truyền thanh huyện bị thiếu, năm nay hiện đã có hồ sơ đăng ký thi tuyển công chức, hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu công việc hiện tại.
Lãnh đạo địa phương đề nghị UBND tỉnh sớm tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng Công nghệ thông tin - Viễn thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025”, kịp thời thay thế những trang thiết bị theo công nghệ FM cũ, lỗi thời nhằm bảo đảm công tác tuyên truyền.
Giám sát việc quản lý, sử dụng trang thiết bị truyền thanh tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu.
Ông Nguyễn Việt Cường- Phó Trưởng Ban Văn hoá Xã hội ghi nhận những ý kiến của địa phương; đồng thời đề nghị lãnh đạo các cơ quan tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy chế làm việc cho phù hợp; vận hành có hiệu quả các trang thiết bị được trang cấp.
Ông Nguyễn Việt Cường cho rằng, hiện nay, thông tin đến với người dân có nhiều nguồn khác nhau, do đó, công tác phát thanh, truyền thanh cần lưu ý tính kịp thời để tuyên truyền các chính sách cũng như tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như phát huy tốt công tác bảo mật thông tin.
Ngọc Diêu