Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giảm tải để học trực tuyến
Thứ tư: 00:36 ngày 22/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðối với các môn học theo chương trình nâng cao ở cấp trung học phổ thông và các lớp học theo mô hình trường học mới, cơ sở giáo dục tham khảo phụ lục kèm theo quyết định trên để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với điều kiện thực tế.

Lớp học trực tuyến.

Sau khi ban hành văn bản hướng dẫn giảm tải chương trình giáo dục cấp tiểu học, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tiếp tục có công văn (số 4040) hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông ứng phó với dịch bệnh Covid - 19, năm học 2021-2022.

Tinh giản nội dung

Bộ GD&ÐT nêu, đối với lớp 6, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDÐT ngày 26.12.2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ÐT. Cụ thể, nhà trường, cơ sở giáo dục dạy học theo chương trình, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và hướng dẫn thực hiện trong điều kiện phòng, chống Covid-19.

Trong đó, đối với những nội dung phù hợp, thuận lợi cho học sinh khai thác, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa, học liệu dạy học trực tuyến, nhà trường tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.

Những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm, nhà trường tổ chức lựa chọn, sử dụng học liệu dạy học trực tuyến để dạy học hoặc hướng dẫn học sinh tự thực hiện ở nhà phù hợp với điều kiện thực tế.

 Ðối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QÐ-BGDÐT ngày 5.5.2006 của Bộ trưởng Bộ GD&ÐT.

Theo đó, nhà trường dạy học theo mức độ cần đạt của chương trình và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học (có hướng dẫn cụ thể đối với từng môn học). Ðối với các môn học theo chương trình nâng cao ở cấp trung học phổ thông và các lớp học theo mô hình trường học mới, cơ sở giáo dục tham khảo phụ lục kèm theo quyết định trên để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với điều kiện thực tế.

Công văn mới của Bộ GD&ÐT  thay thế Công văn số 3280/BGDÐT-GDTrH ngày 27.8.2020 của Bộ GD&ÐT về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Bộ GD&ÐT yêu cầu cơ sở giáo dục trung học xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn thực hiện chương trình cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Cơ sở giáo dục bảo đảm chủ động, linh hoạt ứng phó với các tình huống của dịch Covid-19 tại địa phương, kịp thời tổ chức dạy học những nội dung kiến thức cơ bản theo yêu cầu cần đạt của chương trình, làm cơ sở để tiếp tục dạy học các nội dung còn lại, kết hợp với việc tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản đã học cho các nhóm đối tượng học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.

Không kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.

Giáo viên không thể giao bài như giao hàng

Liên quan  học trực tuyến, sau một tuần dạy và học, đang có một số ý kiến từ phía giáo viên, phụ huynh, đặc biệt ở cấp tiểu học. Phụ huynh ở một số địa phương thắc mắc, vì sao con em họ phải học tất cả các môn học trong chương trình, kể cả một số môn không thể học trực tuyến, hoăc nếu có cũng chỉ mang tính hình thức như môn Thể dục cùng một số môn năng khiếu.

Trong khi đó, có nơi chỉ dạy cho học sinh tiểu học hai hoặc ba môn cơ bản, gồm Tiếng Việt, Toán và Tiếng Anh. Việc dạy trực tuyến cả ngày (chương trình quy định dạy ngày hai buổi) khiến học sinh không thể đủ tỉnh táo trước màn hình máy tính, điện thoại.

Ðối với giáo viên, nhiều người cho biết, trong khi đồng nghiệp của họ chỉ dạy hai hoặc ba môn (như nêu ở trên), họ lại được yêu cầu dạy tất cả các môn học giống như dạy trực tiếp, trong khi họ thừa biết, nhiều môn học không thể dạy qua mạng được.

Một vấn đề khác, giáo viên ở một số trường tiểu học cho biết, nhà trường yêu cầu đem bài học đến tận nhà những học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến. Theo ý kiến của giáo viên, các cấp quản lý cần xem xét lại yêu cầu này, vì giáo viên đem bài đến tận nhà nhưng không có thời gian giảng bài cho học sinh.

“Trong một lớp học, chỉ cần khoảng mười học sinh không có thiết bị điện tử để học trực tuyến, giáo viên không thể đến từng nhà để lần lượt dạy cho mười em này, vì thời gian không cho phép.

Còn nói rằng giao bài cho phụ huynh để cha mẹ bày cho con cái của họ học cũng không được, vì không phải ai cũng đủ kiến thức để dạy theo chương trình. Mặt khác, tình hình dịch bệnh đang phức tạp, nguy cơ lây nhiễm vẫn hiện hữu, do đó, giáo viên đến nhà giao bài cho học sinh nhưng phụ huynh, giáo viên, học sinh đều ngại gặp nhau”- một giáo viên dạy lớp 1 nói.

Nhiều giáo viên cũng phản ánh rằng, trong những ngày tới, số học sinh không có thiết bị học trực tuyến sẽ tăng lên vì một số xí nghiệp, nhà máy chuẩn bị hoạt động trở lại, cha mẹ học sinh đi làm đem theo điện thoại, khi đó, con em của họ không có thiết bị để học như những ngày cha mẹ ở nhà.

Vẫn ý kiến của giáo viên, các cấp quản lý nên xem xét, bố trí lại việc tổ chức lớp học trực tuyến để bảo đảm tính khoa học, đồng thời phát huy tính tối ưu của công nghệ. Theo đó, hiện nay nhiều trường phân công thời khoá biểu cho giáo viên dạy trực tuyến không khác gì dạy trực tiếp, điều này được cho là không hợp lý.

Bởi vì, trong một gia đình, có hai hoặc ba người con đang học, việc dạy đồng loạt cùng một thời điểm, kéo dài nguyên một buổi khiến cho có em có máy tính hoặc điện thoại để học, có em không, vì cả nhà chỉ có một thiết bị.

Do vậy, nên chăng không bố trí lớp học, giờ học trực tuyến giống như học trực tiếp. Cụ thể hơn, tổ chức lớp học theo khối lớp như một số nơi đang làm, ví dụ, khối 9 có 200 học sinh, chỉ cần chia thành hai lớp, mỗi lớp 100 học sinh và mỗi lớp một khung giờ. Cách chia lớp như thế vừa tiết kiệm thời gian cho cả thầy lẫn trò vừa tạo điều kiện cho người học có thiết bị để học, nếu như nhà có nhiều người trong độ tuổi đi học.

Dịch bệnh diễn biến như thế nào trong thời gian tới, đây là điều khó dự báo. Vì thế, câu hỏi khi nào có thể dạy học trực tiếp, cũng chưa thể biết. Vì vậy, việc dạy học trực tuyến đến bao giờ cũng khó nói trước.

Trước mắt chỉ biết rằng, hình thức dạy học trực tuyến vẫn phải diễn ra để duy trì hoạt động giáo dục, dù chỉ diễn ra trên không gian mạng, để bảo đảm kiến thức tối thiểu, cốt lõi nhất cho người học.

Trong những ngày đầu năm học, hình thức dạy học trực tuyến đang được nhìn nhận, đánh giá ở từng mức độ khác nhau, căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương, mỗi trường.

Có những lớp học, học sinh tham gia học tương đối đầy đủ nhưng cũng có những lớp học, giáo viên cho biết số em vào mạng để học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như chính lời của một giáo viên nhắn tin cho người viết, có học sinh ở vùng sâu vùng xa đến lúc này vẫn chưa có dụng cụ học tập tối thiểu như bút, vở, sách giáo khoa, nói gì đến máy tính, điện thoại.

Chưa thấy số liệu thống kê về tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến và tỷ lệ học sinh có đủ điều kiện để học trực tuyến. Nay mai, nếu có, con số thống kê cũng chỉ mang tính tương đối. Như từng đề cập, học trực tuyến, dù Bộ GD&ÐT khẳng định không còn là giải pháp tình thế, tức phải thích ứng để trường hợp dịch bệnh nghiêm trọng, có thể duy trì hình thức học này một cách lâu dài.

Khung pháp lý, các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ÐT cũng đã hướng dẫn nhiều vấn đề liên quan học trực tuyến, kể cả thu học phí. Dù đã làm quen hai năm học trở lại đây, song thực tế chứng minh rằng, học trực tuyến, vẫn chỉ là giải pháp tình thế, có tính chất tạm thời.

Ngay cả khi điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, thiết bị điện tử có đầy đủ thì việc học trực tuyến đối với học sinh phổ thông, đặc biệt cấp tiểu học, gần như không thể. Mới đây, tỉnh Cà Mau ra văn bản hoả tốc dừng hoàn toàn dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, vì độ tuổi này không thể học trực tuyến.

Có thể thấy, hình thức dạy học trực tuyến không chỉ dừng lại ở câu hỏi có hiệu quả hay không, hiệu quả tới đâu. Thiệt thòi lớn nhất đối với học sinh là không được tới trường. Chỉ có mái trường mới là nơi diễn ra hoạt động giáo dục đúng nghĩa.

Có người đặt câu hỏi, đại dịch Covid- 19 gây tổn hại cho nhóm người nào nhất và câu trả lời: không phải doanh nghiệp, không phải nông dân, cũng không phải những người thất nghiệp.

Nhóm đối tượng tổn hại, tổn thương lớn nhất trong cơn đại dịch này chính là trẻ em. Hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu học sinh từ mầm non đến phổ thông chưa được tới trường.

Không được đến trường, không được làm quen, không được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô là thiệt thòi, tổn thương lớn, sâu sắc. Cũng vì thế, học sinh thiếu hẳn kỹ năng cần có cũng như  những nhu cầu, yếu tố tâm lý tự nhiên của lứa tuổi.

Việt Ðông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh