Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Gian nan trong ngăn chặn, kiểm soát, xử lý thực phẩm "bẩn"
Thứ hai: 11:07 ngày 05/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày mai, 5-6, Quốc hội dự kiến thảo luận tại hội trường về nội dung giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Về vấn đề này, phóng viên NDĐT đã phỏng vấn bên lề các đại biểu về một số khó khăn khi kiểm soát an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện, Phó trưởng Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về an toàn thực phẩm.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện, Phó trưởng Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về an toàn thực phẩm:

Ai chịu trách nhiệm chính khi xảy ra sai phạm an toàn thực phẩm?

An toàn thực phẩm là một vấn đề nóng nên được Quốc hội lựa chọn là chủ đề giám sát tối cao. Đối với vấn đề này, Đoàn giám sát đã đưa ra rất nhiều nội dung mà ngày mai đại biểu sẽ tiến hành trao đổi, thảo luận quanh kết quả báo cáo của Đoàn giám sát. Bản thân tôi cũng là Phó trưởng đoàn giám sát đã trực tiếp giám sát ở một số tỉnh, thành phố thì thấy các quy định về pháp luật về an toàn thực phẩm tương đối đầy đủ nhưng việc triển khai thực hiện và ý thức của người sử dụng và người sản xuất, lưu thông, đạo đức kinh doanh còn hạn chế. Quy định về hình phạt trong Bộ luật Hình sự cho các hành vi này cũng có những vấn đề cần cân nhắc. Chẳng hạn, luật quy định người sản xuất, tiêu thụ sử dụng thực phẩm bẩn và các chất phụ gia không có nguồn gốc nhưng phải biết mà vẫn sử dụng thì mới bị xử lý hình sự. Tuy nhiên trên thực tế, làm sao chứng minh được họ biết khi việc biết rất cảm tính. Tôi nghĩ rằng nên căn cứ tác hại của hành vi để xử lý và việc xử lý phải mang tính răn đe cao.

Thứ hai, hiện nay hoạt động qua ba khâu: sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ. Sản xuất thì do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, kinh doanh do Bộ Công thương, lên mâm do Bộ Y tế và ăn vào có tác hại gì thì do các bệnh viện. Trong báo cáo giám sát đánh giá sự phối hợp giữa ba Bộ đã chặt chẽ. TP Hồ Chí Minh đã thành lập Ban quản lý về an toàn thực phẩm trực thuộc UBND TP, tập hợp cán bộ thuộc cả ba ngành. Ban này thí điểm thành lập ba năm sẽ tổng kết đánh giá. Tuy nhiên, một vấn đề tôi băn khoăn đó là mô hình quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Sự phối kết hợp giữa ba bộ này cần chặt chẽ hơn. Cử tri băn khoăn vì quản lý ba khâu nên khi xảy ra sự việc thì họ rất khó có kiến nghị cụ thể với bộ ngành nào và ai là người chịu trách nhiệm.

Thứ ba, sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu truyền thống là một trong những tập quán văn hóa của Việt Nam. Một làng có một vài cơ sở giết mổ nhưng việc kiểm định chất lượng của các động vật bò, lợn khi đưa vào lò mổ, hay truy tìm xuất xứ của các sản phẩm thịt động vật đang là vấn đề gây khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm.

Đại biểu Dương Trung Quốc:

Khuyến khích sản xuất sạch hơn là chỉ ngăn chặn

An toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng vì không chỉ liên quan đến sức khỏe con người mà còn động chạm đến những vấn đề lớn hơn. Hiện tượng đó có thể bắt nguồn từ những lợi ích ngắn hạn của những người kinh doanh trong lĩnh vực này. Nhưng mặt khác cũng có thể thấy là chúng ta chưa quan tâm đến việc giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức sản xuất xã hội để có thể hướng nó tới việc tìm thấy lợi ích không phải từ những việc làm phi pháp.

Đây không phải là vấn đề ngăn chặn mà là tổ chức thực hiện. Gần đây, Nhà nước có khuyến khích một số tổ chức kinh tế thay đổi phương thức làm ăn sản xuất thực phẩm sạch, khuyến khích để người ta làm theo, tôi cho rằng đó là điều quan trọng hơn chuyện chỉ ngăn chặn.

Về phía ngăn chặn, có một điểm từ trước đến nay chúng ta nói rất nhiều, đó là chế tài chưa đủ mạnh, chế tài là ai, chế tài chính là chúng ta. Cần phải tạo ra được những môi trường khuyến khích sản xuất, song song với việc nghiêm trị việc sản xuất những thực phẩm bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chúng ta có cả một hệ thống tổ chức chính trị xã hội bao trùm đến từng gia đình, tại sao chúng ta vẫn để tình trạng chỉ vì lợi ích trước mắt, không chỉ gây hại mà còn đổ cái hại cho người khác. Chúng ta phải quan niệm rằng, đổi mới không phải là chỉ Nhà nước đổi mới, mà phải cả người dân.

Việc chúng ta phải giải cứu những ngành sản xuất có cả hai mặt: một mặt là giúp đỡ người sản xuất trong lúc gặp rủi ro, nhưng thứ hai chúng ta cũng không thể cứ làm thế mãi được. Chúng ta sản xuất lợn không sạch thì bán được cho ai. Chúng ta cứ chạy theo xuất khẩu tiểu ngạch và bị thương lái điều chỉnh. Trong khi đó Nhà nước phải nói rằng cũng có trách nhiệm khi chưa tạo ra những hành lang để đưa sản xuất vào chính ngạch, quy củ bài bản và chứng minh với người dân rằng khi làm ăn sạch thì chúng ta không chỉ trong sạch lương tâm mà còn có lợi nhuận.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục