Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giáo dục phát triển, đất nước mới có tương lai
Thứ tư: 00:30 ngày 04/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Như tin đã đưa, vừa qua, Bộ GD&ÐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019-2020. Chất lượng sách giáo khoa lớp 1, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ sung biên chế cho ngành Giáo dục, những phát sinh khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực... là những vấn đề được nêu lên và thảo luận tại hội nghị.

Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Phước Ninh B, huyện Dương Minh Châu. Ảnh: Phương Thuý

Hàng triệu học sinh, giáo viên an toàn trước ðại dịch

Năm học 2019-2020, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch, Bộ GD&ÐT phối hợp với Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ năm học và phòng, chống dịch với phương châm “Sức khoẻ, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên là trên hết” và “Tạm dừng đến trường, không dừng học”.

Bộ đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020 trên tinh thần bảo đảm những nội dung cốt lõi, nền tảng của chương trình. Bộ đã hướng dẫn các địa phương dạy học qua internet và trên truyền hình.

Theo thống kê, trong hơn 4 tháng triển khai dạy học từ xa, có gần 50% trường đại học tổ chức dạy học trực tuyến, tỷ lệ học sinh phổ thông được học qua internet đạt 79,7%. Ở những vùng khó khăn, nhiều thầy cô tổ chức xây dựng video clip các bài giảng gửi lên YouTube, Zalo, Facebook và các ứng dụng khác nhằm tạo cơ hội học tập cho học sinh. Ở trường vùng sâu, vùng xa, các thầy cô đã khắc phục khó khăn bằng cách soạn bài, phô tô và đến từng nhà gửi bài tập cho học sinh.

Ngày 29.9.2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo PISA. Theo đó, việc học trực tuyến phòng, chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến, tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%) và chỉ thấp hơn 16 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Giáo viên kiểm tra vở học sinh tại Trường tiểu học Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

Ðến thời điểm này, sau các đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh; các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ.

Trái lại, “trong nguy có cơ”, các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường sáng tạo, linh hoạt- nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục. Ðiều này không chỉ thể hiện sự nỗ lực mà còn cho thấy sức chịu đựng của ngành Giáo dục trước những biến động lớn, mang tính toàn cầu.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, Bộ báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thay cho kỳ thi THPT quốc gia. Và kỳ thi đã được tổ chức rất thành công, đáp ứng được mục tiêu kép: vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, khách quan, công bằng.

Triển khai chương trình, sách giáo khoa mới

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Về biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, Bộ đã ban hành hệ thống văn bản để tổ chức biên soạn sách giáo khoa như quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa, tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, thúc đẩy xã hội hoá biên soạn SGK.

Bộ đã thẩm định, phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy. Lần đầu tiên, Việt Nam có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau theo cùng một khung chương trình giáo dục phổ thông thống nhất.

Tất cả các đầu sách giáo khoa được phê duyệt đều được các trường lựa chọn. Ðiều này đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa, phá tan sự độc quyền trong công tác xuất bản, phát hành sách giáo khoanhư trước đây. Hiện nay, Bộ đang thẩm định sách giáo khoalớp 2, lớp 6 để phê duyệt đưa vào sử dụng từ năm học 2021-2022.

Việc bồi dưỡng giáo viên được thực hiện theo hướng chuẩn hoá, từ nội dung chương trình đến cách thức triển khai, để chuẩn hoá đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Lần đầu tiên, giáo viên được bồi dưỡng theo các mô-đun phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó có 4 nhóm đối tượng chính, gồm có giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên cốt cán và đại trà, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và lãnh đạo sở, phòng GD&ÐT.

Hình thức bồi dưỡng, tập huấn được đổi mới căn bản, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, trong đó tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, liên tục cho giáo viên theo hình thức trực tuyến, ngay tại trường với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.

Ðến nay, ngành đã hoàn thành bồi dưỡng cho gần 45.000 cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên cốt cán. Các địa phương tổ chức tập huấn đại trà cho 100% giáo viên dạy lớp 1, cán bộ quản lý và tổ trưởng chuyên môn các trường tiểu học.

Học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha.

Bộ cũng đã đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng ưu tiên sử dụng biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có, trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức thì cần có các giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng trường, từng vùng miền để bảo đảm “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.

Năm học vừa qua cũng là lần đầu tiên Bộ xây dựng được cơ sở dữ liệu về đội ngũ toàn ngành, qua đó xác định đúng thực trạng thừa, thiếu giáo viên theo môn học, cấp học của từng địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu giáo viên theo từng môn học, cấp học theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên cho địa phương để khắc phục triệt để tình trạng thừa, thiếu giả tạo như trước đây.

Bộ GD&ÐT tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, các văn bản quy định chi tiết Luật Giáo dục năm 2019; có kế hoạch rà soát chính sách và công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời tiếp tục rà soát chuẩn nghề nghiệp giáo viên của từng bậc học theo Luật Giáo dục năm 2019.

Kiến nghị cho phép tuyển giáo viên có bằng trung cấp sư phạm

Rất nhiều ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm được đại biểu các địa phương nêu ra tại hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 - một năm học vô cùng đặc biệt.

Ông Ngô Văn Quý- Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ÐT sớm ban hành danh mục tài liệu, thiết bị dạy học tối thiểu ở tất cả các cấp học; sửa đổi Nghị định 138 quy định xử phạt trong lĩnh vực giáo dục; xem xét lại chỉ tiêu biên chế, tỷ lệ giáo viên ở bậc học mầm non.

Ông Ðỗ Ðức Duy- Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái nhìn nhận, việc triển khai sách giáo khoa lớp 1 còn những bất cập, nhưng không vì thế mà phủ nhận những mặt tích cực, ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa mới. Ðồng thời, ông cho rằng định mức biên chế giáo viên trong bậc học phổ thông không phù hợp, cần thay đổi vì đặc điểm vùng miền khác nhau, giữa thành thị với nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi “trường nào đã được đầu tư tốt về công nghệ thông tin thì có thể bố trí tỷ lệ giáo viên thấp hơn, ngược lại trường nào hạ tầng công nghệ thông tin yếu thì nên tăng tỷ lệ giáo viên”.

Ông Nguyễn Ðức Trung- Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị bổ sung cho tỉnh này 7.800 biên chế giáo viên; đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm, đầu tư cho mô hình trường bán trú, trường dân tộc nội trú.

Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đánh giá, năm học 2019-2020 là một năm học đầy khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục, nhưng ngành đã thực hiện tốt, trong đó có kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong điều kiện “không bình thường” do dịch bệnh Covid- 19.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, Bộ GD&ÐT đã thể hiện sự cầu thị trong việc tiếp thu ý kiến của xã hội về triển khai chương trình và sách giáo khoa lớp 1; kiến nghị Bộ tiếp tục cho phép tuyển dụng giáo viên mầm non có bằng trung cấp sư phạm, sau đó tạo điều kiện cho giáo viên đi học nâng cao bằng cấp, trình độ.

Về sách giáo khoa, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đề nghị Bộ quan tâm, tiếp thu ý kiến của giáo viên trực tiếp đứng lớp chứ không chỉ lấy ý kiến của những giáo sư, tiến sĩ nhưng không dạy học. Bà Quyên Thanh cho rằng, đối với sách giáo khoa lớp 1, bài học trong sách nên đơn giản, trong sáng, tường minh để tránh hiểu sai tinh thần của mỗi bài học.

“Trẻ em bây giờ thông minh, nếu nội dung bài học không rõ ràng, thiếu tính tường minh thì các cháu sẽ suy diễn, hiểu tinh thần bài học theo nhiều cách khác nhau”- lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long nêu ý kiến.

Ông Trần Văn Tân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GD&ÐT, Bộ Nội vụ xem xét cho phép các địa phương được tuyển giáo viên mầm non có bằng trung cấp sư phạm, giáo viên tiểu học có bằng cao đẳng sư phạm để bảo đảm nguồn tuyển, hiện nay, nguồn tuyển thiếu nghiêm trọng, trong khi khu vực miền núi đang cần giáo viên.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số, trong đó có ngành Giáo dục.

Ðợt dịch bệnh Covid- 19 đầu năm 2020, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 17 thế giới về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tuyến. Lớp trẻ chính là đối tượng chính của chuyển đổi số, cả người thực hiện và người ứng dụng.

Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục chủ yếu là thông qua thực hành, do đó, cơ sở giáo dục cần được đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin. Trước đây giáo viên dạy là chính, nay giáo viên đóng vai trò hướng dẫn nhiều hơn, dạy thì từ xa nhưng hướng dẫn phải trực tiếp. Bộ GD&ÐT nên bắt buộc dạy tiếng Anh và ngôn ngữ lập trình của máy tính” .

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, nhìn nhận thành quả cũng như hạn chế của giáo dục cần bình tĩnh, thấu đáo; thành quả của giáo dục không thể nhìn thấy ngay được, đòi hỏi phải cả thập kỷ mới có thể đo lường, vì sản phẩm ở đây là con người.

Giờ học Tiếng Việt của học sinh lớp 1, Trường tiểu học Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam cho biết, hội nghị không chỉ tổng kết năm học 2019-2020 mà để đánh giá kết quả thực hiện của cả nhiệm kỳ. “Sáu năm qua, cơ sở vật chất của ngành Giáo dục đã được đầu tư rất lớn, đi đến địa phương nào, tổ hợp xây dựng khang trang nhất, đó chính là trường học. Năm năm trước, không một trường đại học nào được xếp hạng, nay nước ta đã có những trường được các tổ chức uy tín xếp hạng cao về uy tín đào tạo”- Phó Thủ tướng nói.

“Không nên nhìn nhận với con mắt, thái độ cực đoan, dù sự việc đó tốt hay chưa tốt”- Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nêu quan điểm. “Tôi đã từng đếm hồ sơ sổ sách của giáo viên, một người có đến hai mươi mấy cuốn sổ ghi chép.

Nay, đổi mới công nghệ thông tin đã hạn chế được tình trạng sổ sách”- Phó Thủ tướng nói về cải cách thủ tục hành chính trong ngành Giáo dục. Về thi cử, Phó Thủ tướng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã ổn nhưng vẫn phải tiếp tục điều chỉnh và hiện tại chưa thể giao kỳ thi này về cho địa phương, vì như thế khó phòng ngừa tiêu cực.

Vấn đề tinh giản biên chế, Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam cho biết, không để tình trạng giáo viên diện hợp đồng bị cho nghỉ việc dù nhà trường vẫn thiếu giáo viên. Bình luận những bức xúc của dư luận đối với ngành Giáo dục cũng như nhiều lĩnh vực khác, Phó Thủ tướng cho rằng, đằng sau những ý kiến lắm khi cực đoan ấy là tấm lòng của người dân với mong mỏi mọi việc phải tốt hơn.

Liên quan mô hình giáo dục, Phó Thủ tướng nêu quan điểm, bình đẳng là nguyên lý hàng đầu trong giáo dục phổ thông, không nên quá chú trọng trường chuyên lớp chọn. Ðối với sách giáo khoa, Phó Thủ tướng lưu ý đây là mặt hàng đặc biệt: “Sách giáo khoa lớp 1 có những trục trặc nhưng cần bình tĩnh, đổi mới rất khó, cái gì mới cũng khó nhưng phải kiên định. Giáo dục phát triển, đất nước mới có tương lai”.

Việt Ðông

Tin cùng chuyên mục