Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giao thừa ở chiến trường nghe Bác chúc tết
Thứ hai: 23:23 ngày 30/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đúng thời khắc giao thừa, sau tiếng nổ của tràng pháo tết, Bác Hồ chúc tết đồng bào, chiến sĩ cả nước; 4 người chúng tôi trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn đứng nghiêm, lặng nghe Bác chúc tết. Giọng Người trầm ấm, hiền từ mà thật là cương nghị, truyền cảm đến từng con tim thổn thức của chúng tôi.

Hoạ sĩ Tam Bạch vẽ tranh Bác Hồ trong kháng chiến (ảnh tư liệu QV).

Nửa thế kỷ trước, năm 1967, tôi cùng đơn vị là Tiểu đoàn 8, Đoàn 429 Đặc công hành quân bằng cách đi bộ từ miền Bắc dọc theo đường Trường Sơn (đường mòn Hồ Chí Minh) vào tham gia chiến đấu ở chiến trường B2, miền Đông Nam bộ. Suốt lộ trình dài dằng dặc, những khi đi qua vùng bị máy bay địch đánh phá ác liệt, đơn vị phải hành quân ban đêm, ngày nghỉ trú quân để tránh bị lộ.

Những ngày cuối năm 1967, chuẩn bị bước sang năm 1968, đơn vị đóng quân trong một khu rừng ở Phước Long, nay là tỉnh Bình Phước, không khí chuẩn bị đón Tết Mậu Thân rất sôi nổi, hào hứng. Ngoài việc chuẩn bị xuất quân theo kế hoạch tác chiến, đơn vị khẩn trương tổ chức đón xuân vui tết cho cán bộ, chiến sĩ. Ban chỉ huy Tiểu đoàn phân công từng đồng chí đi thăm, chúc tết và kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu ở các đại đội, khi trở về hầm sở chỉ huy thì cũng vừa đến giờ giao thừa.

Từ chiếc radio để trên bàn thờ Tổ quốc được làm bằng nhánh cây rừng và những thân cây le ghép lại, làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam được bắt liên tục. Đúng thời khắc giao thừa, sau tiếng nổ của tràng pháo tết, Bác Hồ chúc tết đồng bào, chiến sĩ cả nước; 4 người chúng tôi trong Ban chỉ huy Tiểu đoàn đứng nghiêm, lặng nghe Bác chúc tết. Giọng Người trầm ấm, hiền từ mà thật là cương nghị, truyền cảm đến từng con tim thổn thức của chúng tôi. Cuối cùng, Bác đọc bài thơ Xuân do Người sáng tác:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp mọi nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Tiểu đoàn trưởng quay sang tôi, anh nói như reo: “Bác ra lệnh cho chúng ta tiến lên giành toàn thắng đấy, chính trị viên thấy đúng không?”.

Thời gian trôi đi với bao thăng trầm, hào hùng, bi tráng trong năm 1968, Tết Nguyên đán Kỷ Dậu- 1969 lại đến gần. Thời gian này, Tiểu đoàn chúng tôi được điều động đến đóng quân tại khu rừng Kà Tum, vùng giáp biên giới Bắc Tây Ninh, nay thuộc huyện Tân Châu, chuẩn bị tấn công căn cứ Mỹ tại đây.

Ngày 23 tháng Chạp, đồng chí Chỉ huy phó Đoàn 429 Nguyễn Văn Tịch (Mười Tịch) tới thăm đơn vị. Anh trao đổi về tình hình chung và đưa quyết định điều động tôi, Nguyễn Văn Vỵ - Chính trị viên Tiểu đoàn 8 về làm Chính trị viên Tiểu đoàn 4, rồi anh tặng đơn vị mấy gói trà Ba Đình.

Chỉ huy phó nói: “Quà này đem từ Hà Nội vào đấy, anh em nhớ chờ đến giao thừa mới được pha uống để nghe Bác Hồ chúc tết, năm qua mình thực hiện lời chúc của Bác chưa thật tốt, không phải địch quá mạnh mà kế hoạch của ta chưa hoàn thiện, năm nay phải quyết tâm lập công để dâng lên Bác kính yêu”.

Hồ Ngọc Kính- Chính trị viên phó Tiểu đoàn nói: “Anh em mình có ai đoán được năm nay Bác chúc tết trong thơ có từ nào trùng với bài thơ năm Mậu Thân không?”. Nguyễn Thanh Liêm - trợ lý quân lực lên tiếng: “Sẽ có từ trùng đó là từ “tiến lên”, tôi đoán thế, các anh cứ lắng nghe cho kỹ mà coi”.

Đến giờ giao thừa, tiếng pháo tết nổ giòn trong máy thu thanh, tiếng cô phát thanh viên vang lên: “Đây là Đài tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, mời đồng bào và chiến sĩ cả nước nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc xuân”. Không khí thật trang nghiêm, tĩnh lặng, mọi người lắng nghe như nuốt lấy từng lời của Bác. Cuối cùng Bác đọc bài thơ Xuân:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào

Tiến lên Chiến sĩ đồng bào

Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Lời Bác vừa dứt, không khí ở đơn vị như nổ tung, tiếng hoan hô vang cả khu rừng bên kia suối Nước Trong, cách căn cứ của quân địch ở Kà Tum không xa lắm. Chỉ huy đơn vị phải ra lệnh cho mọi người “hạ nhiệt” vui vẻ xuống, vì chỉ cách đồn giặc khoảng 3km đường chim bay.

Anh chiến sĩ trinh sát người dân tộc Mán, quê ở Ngân Sơn, Bắc Kạn nói như giảng giải cho tốp chiến sĩ trẻ: “Bác nói năm qua thắng lợi vẻ vang là Bác tổng kết một năm. Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to, từ chắc trong thơ Bác rất nhiều ý nghĩa - nào là tinh thần chiến đấu, ý chí chiến đấu, kế hoạch chiến đấu phải thật chắc chắn, từ chắc là một chân lý xuyên suốt của người cách mạng”.

Quyền Tiểu đoàn trưởng Lâm Tự Đức vui vẻ nhận xét: “Anh em mình suy nghĩ được như vậy là hay lắm, năm nay đơn vị ta phát huy tinh thần chiến đấu dũng cảm hơn nữa, chắc chắn hơn nữa, để thực hiện thật chắc chắn lời chúc tết và cũng là lời dạy của Bác”. 

Không ngờ, đó lại là lần cuối cùng Bác Hồ chúc tết. Không chỉ những chiến sĩ ở chiến trường như chúng tôi, mà cả nước, cả dân tộc, những cái tết từ năm 1970 trở đi không còn được nghe Người chúc tết nữa.

Sau ngày đại thắng 30.4.1975, đất nước hoà bình, thống nhất, tôi được giải ngũ, chuyển về công tác ở huyện Phú Khương, nay là huyện Hoà Thành, nhận trách nhiệm Trưởng phòng Kế hoạch huyện, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về tôi lại lâng lâng nhớ đến hai cái tết ở chiến trường nghe Bác Hồ chúc tết và đọc thơ qua máy thu thanh.

Nhớ lời chúc của Bác, tôi lại tự nhủ mình, chiến đấu trên mặt trận mới, mặt trận xây dựng kinh tế trong thời bình, càng phải có kế hoạch, giải pháp thật chắc chắn mới mong gặt hái được thắng lợi.

KHẮC LUÂN

(Ghi theo lời kể của CCB Nguyễn Văn Vỵ)

Tin cùng chuyên mục