Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giáo viên khổ vì được học xét thăng hạng
Thứ ba: 23:48 ngày 18/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có hai vấn đề được quan tâm là việc thi, xét thăng hạng giáo viên có cần thiết hay không; và việc thu tiền của giáo viên khi đi học để thi hoặc xét thăng hạng có đúng quy định hay không?

Giáo viên tiểu học trong giờ dạy.

Những năm qua, cụ thể là từ năm 2017, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng một số cơ quan quản lý nhà nước liên quan ban hành hàng loạt thông tư quy định về xét thăng hạng, giữ hạng đối với giáo viên các bậc, cấp học, đã có nhiều ý kiến của người trong cuộc xung quanh câu chuyện này.

Cho đến nay, mặc dù quy định xét, thi thăng hạng, giữ hạng đối với giáo viên đã được triển khai nhưng càng ngày, không chỉ giáo viên, cả cán bộ quản lý ngành Giáo dục cũng phàn nàn về các quy định của Bộ GD&ĐT cũng như các bộ, ngành khác liên quan, cụ thể là Bộ Nội vụ. Có hai vấn đề được quan tâm là việc thi, xét thăng hạng giáo viên có cần thiết hay không; và việc thu tiền của giáo viên khi đi học để thi hoặc xét thăng hạng có đúng quy định hay không?

Thiếu tính thực chất

Trao đổi về vấn đề thăng hạng cũng học để lấy các loại chứng chỉ liên quan đến chức danh nghề nghiệp của giáo viên, một vị phó trưởng phòng Giáo dục bày tỏ quan điểm rằng, việc quy định chức danh nghề nghiệp cũng như các loại chứng chỉ khác là cần thiết.

“Theo quy định, trước khi được thăng hạng, giáo viên phải tham gia các lớp học ngắn hạn để lấy chứng chỉ. Tại Tây Ninh, sau khi xét thăng hạng cho giáo viên, nhiều người chưa có các loại chứng chỉ cần thiết, vì khi đó chưa mở được lớp. Do đó, hiện nay, nhiều giáo viên phải đi học để lấy chứng chỉ, hoàn thiện hồ sơ, vì thời gian bảo lưu kết quả chỉ một năm.

Giáo viên phải hoàn thiện hồ sơ trong thời gian đó, nếu không sẽ rớt hạng”- vị cán bộ cho biết. Trước câu hỏi, giáo viên đi học để thăng hạng chức danh nghề nghiệp hoặc lấy các loại chứng chỉ để hoàn thiện hồ sơ… nặng tính hình thức, thiếu thực chất, vị lãnh đạo cho biết: “Vấn đề này giờ không bàn nữa”. Lý do, trước khi ban hành thông tư chính thức, Bộ GD&ĐT đã ban hành bản dự thảo để lấy ý kiến.

“Hồ sơ thăng hạng chức danh nghề nghiệp đặt ra những yêu cầu thì giáo viên phải thực hiện”. Liên quan đến việc thu tiền của giáo viên, theo ý kiến của vị phó trưởng phòng, đi học thì phải đóng tiền, không thể miễn phí.

Trong khi đó, một vị phó trưởng phòng khác lại cho rằng, việc quy định nâng chuẩn, bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên trước yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa, xét tổng thể là đúng. Tuy nhiên, vị phó trưởng phòng nhìn nhận, cách làm như hiện nay thiếu tính thực chất. “Tôi được biết, những nội dung được dạy tại các lớp học thăng hạng cho giáo viên không có gì mới, vì họ đã học trong chương trình đào tạo của trường sư phạm rồi.

Thời gian học, theo lịch là một tháng nhưng mỗi tuần chỉ học 2 ngày, tính ra học có 8 ngày nhưng đóng gần 3 triệu đồng. Ngoài lớp học đó, giáo viên còn phải có hai chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Nếu học tại các trung tâm, giáo viên phải đóng bình quân 1,2 triệu đồng đến 2 triệu đồng cho mỗi chứng chỉ. Tính chi li, để có được bộ hồ sơ thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên tốn hết khoảng 7 triệu đồng”- vị lãnh đạo nói.

Người này thông tin thêm, theo quy định của Bộ GD&ĐT, giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam có tham chiếu chuẩn châu Âu (gồm 6 bậc). Hiện tại, Tây Ninh đang tạm cho giáo viên sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ cũ (A, B…) để hoàn thiện hồ sơ thăng hạng, nhưng sau đó, giáo viên phải trả nợ, tức bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mới.

“Anh làm giáo viên thì anh phải đạt cái chuẩn nào đó. Nhưng với cách làm như hiện nay, việc mở các lớp học để cho giáo viên đủ điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp cũng không hơn gì chương trình bồi dưỡng thường xuyên trước đây. Tôi muốn nhấn mạnh, nó thiếu tính thực chất”- vị lãnh đạo “kết luận” về phương diện tổ chức, chuyên môn. Còn đối với chính sách thu tiền giáo viên, theo vị này: “Đúng ra, không thể thu tiền vì trong Luật Giáo dục hiện hành cũng như một số thông tư quy định, Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên”.

Ngoài ý kiến trên, một số giáo viên cũng thông tin, những lớp học để làm điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp “vắng bóng” tính thực tế. Theo giải thích của người trong cuộc, đối với vấn đề chuyên môn, nội dung học toàn kiến thức cũ. Đối với nội dung về chính sách, pháp luật, đường lối… họ đã “thấm nhuần” qua các lớp học chính trị trong mùa hè. Nhiều người cho biết,  chương trình học không có gì hấp dẫn nên nhiều người đóng tiền rồi học qua loa vài bữa cho xong.

Cần rà soát các quy định

Trên mạng xã hội, nơi có nhiều diễn đàn dành cho giáo viên, đa số giáo viên bày tỏ sự không đồng tình về các quy định học thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Trong đó, họ “cực lực phản đối” chuyện thu tiền, mỗi nơi một mức giá khác nhau. Trong khi đó, theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành (ban hành năm 2005, sửa đổi năm 2009), gần hơn là Thông tư 26 năm 2012 của Bộ GD&ĐT quy định về bồi dưỡng thường xuyên đối với giáo viên không có điều khoản nào cho phép thu tiền của giáo viên.

Theo các ý kiến, việc học để thăng hạng, xét theo bản chất, chính là bồi dưỡng thường xuyên, đã bồi dưỡng thường xuyên thì ngân sách bảo đảm, sao lại thu tiền? “Bồi dưỡng thường xuyên được dự toán trong kinh phí chi thường xuyên hằng năm và kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí hỗ trợ của các dự án và các nguồn kinh phí hợp pháp khác”- Điều 7 Thông tư 26 ghi.

Còn Điều 80 của Luật Giáo dục quy định: “Nhà nước có chính sách bồi dưỡng nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ và chuẩn hoá nhà giáo. Nhà giáo được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ”. Theo tinh thần đó, việc thu tiền của giáo viên khi tham gia các lớp học liên quan đến thăng hạng giáo viên cần được nghiêm túc xem xét lại là đúng quy định của pháp luật hay không.

Những tranh cãi, thắc mắc của giáo viên về các lớp học để thăng hạng, chuyện tài chính (thu tiền) là chính đáng và không phải vô căn cứ. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn hơn lại thấy ít được đề cập, đó là chuyện “giấy phép con” trong ngành Giáo dục. Việc quy định giáo viên phải có các loại chứng chỉ thực chất gần như là một loại giấy phép con- loại giấy phép được dùng để cấp cho những doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Trong giáo dục, một trường ngoài công lập muốn đi vào hoạt động phải có nhiều loại giấy phép, kể cả giấy phép con. Đối với hệ thống trường công, việc bắt buộc giáo viên phải có các loại chứng chỉ, nhìn vào rất tốt, nhưng các loại chứng chỉ ấy gần như không có giá trị ứng dụng. Hết chứng chỉ A, B ngoại ngữ, tin học nay lại chuyển sang dạng chứng chỉ mới có tham chiếu của châu Âu, rồi lại còn chứng chỉ chứng danh nghề nghiệp…

Cần nhắc lại, sau khi nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, khi đề cập đến cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính trong ngành đã tuyên bố, đại ý, tất cả những loại hồ sơ, sổ sách không liên quan, không cần thiết, phải bị huỷ bỏ. Chưa biết “quyết tâm” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được cấp dưới thực hiện tới đâu, sau tuyên bố của ông.

Nhưng kể từ năm 2017 đến nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành hàng loạt thông tư liên quan đến thăng hạng chức danh nghề nghiệp, trong đó có nhiều quy định thiếu tính thực tế, làm khổ giáo viên. Nếu thật tâm muốn cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính, có lẽ Bộ GD&ĐT nên rà soát lại tất cả các văn bản pháp lý liên quan đến thực thi chính sách về giáo dục, trong đó đặc biệt là chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, qua đó, chỉ vận dụng những quy định nào góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn và đạo đức nhà giáo.

VIỆT ĐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh