Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ từ 55 lên 60 tuổi và nam từ 60 lên 62 tuổi đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kẻ tán thành, người nói không. Vậy với riêng ngành giáo dục, chủ trương này được đón nhận như thế nào? Dưới đây là một số ý kiến của cán bộ, giáo viên ở Tây Ninh.
Cô trò ở một lớp mầm non.
Một vị phó trưởng phòng giáo dục giàu kinh nghiệm trong nghề bày tỏ quan điểm: “Hơn 30 năm làm trong ngành giáo dục và hiện nay giữ cương vị cán bộ quản lý, tôi cho rằng tuyệt đối không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. Ở bậc học này, 55 tuổi nhất định giáo viên phải nghỉ hưu”. Theo ý kiến này, quy định tuổi nghỉ hưu cần được giao cho từng bộ ngành trên cơ sở luật khung của Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Cụ thể, nếu luật quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 đối với nữ và 62 đối với nam thì nên xây dựng theo hướng mở. Nghĩa là, luật cần quy định giao cho từng bộ, ngành xây dựng độ tuổi nghỉ hưu cho người lao động của ngành mình nhưng không được vượt quá quy định của Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo lập luận của vị cán bộ nêu trên, phải quy định theo hướng mở vì mỗi ngành nghề có đặc thù, tính chất công việc khác nhau. Thậm chí, ngay trong từng ngành, mỗi vị trí việc làm cũng khác nhau, không thể áp dụng chung. Ví dụ, trong giáo dục, hoàn toàn không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. Bậc học này 100% giáo viên là nữ (ngoại trừ một hai trường hợp giáo viên nam). Tính chất, đặc điểm lao động của giáo viên mầm non hoàn toàn khác với đồng nghiệp của họ ở bậc học phổ thông. “Học sinh mầm non đều học, sinh hoạt, thậm chí kể cả ăn uống cũng dưới nền nhà hoặc bàn ghế rất thấp.
Do đó, mọi hoạt động, chuyển động của giáo viên mầm non cũng phải tuân theo sinh hoạt của trẻ. Xoay trở liên tục khiến giáo viên mầm non nhanh mất sức và có thể coi đây là loại lao động nặng nhọc. Ðó còn chưa kể, giáo viên mầm non, ngoài 50 tuổi không còn khả năng múa hát cũng như một số hoạt động có tính chất năng khiếu. Do đó, hoàn toàn không nên tăng tuổi đối với giáo viên ở bậc học này” - vị cán bộ chỉ rõ.
Thế còn đối với giáo dục phổ thông? Vị cán bộ phân tích, giáo dục phổ thông có ba cấp học, gồm tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Chương trình của ba cấp học này có một số môn nghệ thuật có tính chất năng khiếu hoặc liên quan đến thể chất như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Những môn học này, giáo viên càng trẻ càng tốt. Người lớn tuổi hoàn toàn không nên dạy các môn này, nhất là khi họ ngoài 55 - 60 tuổi.
Ở tuổi đó, giáo viên có khả năng múa, hát hoặc vận động các động tác thể dục cho học sinh làm theo không còn chuẩn nữa. Một ví dụ đơn giản, khi đã 60 hoặc 62 tuổi, giáo viên dạy thể dục không thể thực hiện các nội dung nhảy cao, nhảy xa, ném bóng, nhảy dây…cho học sinh làm theo. Tuy vậy, vị cán bộ cũng cho rằng, với các môn văn hoá cơ bản, ở bậc học phổ thông, việc tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng nhiều. Theo ý kiến này, học sinh thường tôn trọng, kính trọng giáo viên lớn tuổi hơn là những thầy cô trẻ tuổi.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT tỏ ý “lấy làm tiếc” trước chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu. Theo quan điểm riêng, ngoài việc tán thành với ý kiến không tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, người này cho rằng, ngay cả giáo dục phổ thông cũng không nên tăng. Vị hiệu trưởng bày tỏ: “Tuỳ vào thể trạng của từng người, song ở độ tuổi 60, sự minh mẫn và sức khoẻ đã giảm đi rõ rệt. Ðiều đó dẫn đến trạng thái ù lì, mệt mỏi, không còn hứng thú với một công việc mà họ đã làm trong khoảng thời gian trên dưới 40 năm. Cá nhân tôi cho rằng, giữ tuổi nghỉ hưu như hiện nay là khoa học”.
Ðối với giáo viên, khi được hỏi, gần như 100% ý kiến đều “nhất trí cao” rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu. Một giáo viên phát biểu, nếu sau 55 tuổi, ai sức khoẻ tốt thì về làm việc khác, có thể mở các lớp dạy thêm, như vậy coi như vẫn đóng góp cho ngành, cho xã hội. “Mới ngoài 40 thôi, leo cầu thang không nổi. Lên đến lớp ngực đập chân run, ngồi thở, loay hoay mất 10 phút mới vào bài mới, trong khi một tiết học có 45 phút” - một giáo viên thẳng thắn nói. Ðó còn chưa kể, những giáo viên lớn tuổi tuy có chút kinh nghiệm nhưng lại ngại đổi mới vì trình độ công nghệ thông tin kém, nên chỉ dạy theo một lối mòn, cũ kỹ đã học từ 30 - 40 năm trước.
Khi một chính sách mới được ban hành, xã hội có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau là bình thường. Công bố chính sách cũng coi như một công cụ điều tra dư luận xã hội đối với chính sách đó. Trên cơ sở đó, các nhà làm chính sách có thêm kênh thông tin để tiếp thu, chỉnh sửa cho phù hợp. Ðối với chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu, cho đến thời điểm này, dù luật mới (sửa đổi) chưa thông qua nhưng coi như đã “an bài”. Và thực tế cho thấy, tỷ lệ người lao động không tán thành đang chiếm thế áp đảo.
Trước đây, trong một lần giám sát của HÐND tỉnh Tây Ninh, một nữ trưởng phòng giáo dục đã kiến nghị nên quy định tuổi về hưu đối với giáo viên mầm non là 50. Ðề xuất này được đưa ra từ gần 10 năm trước nhưng giờ nhìn lại thấy vị nữ trưởng phòng kia hoàn toàn có cơ sở thực tế khi đưa ra đề xuất đó. Cách nay chỉ ít ngày, báo chí có dẫn lời một quan chức có trách nhiệm, vị này phát biểu rằng, nhiều người sau khi về hưu vẫn đi làm việc bình thường. Ở đây cần phân định, việc tăng tuổi nghỉ hưu và sau khi về hưu vẫn đi làm là hai câu chuyện khác nhau.
Trước các ý kiến khác nhau về tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động, có đề xuất nên sửa đổi Bộ luật Lao động theo tinh thần của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, đó là quy định tuổi về hưu dành cho từng nhóm đối tượng trong nội bộ một ngành.
Ð.V.T