Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gieo mầm nghệ thuật cho trẻ
Thứ sáu: 00:30 ngày 30/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cô Phạm Thị Diễm An, giáo viên Trường mầm non Hoa Mai, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên là một trong những giáo viên gương mẫu, luôn tiên phong trong các cuộc vận động, phong trào, hội thi, hội diễn do nhà trường cũng như các cấp, các ngành phát động.

Cô Phạm Thị Diễm An trong tiết học với các bé lớp Chồi 1, trường Mầm non Hoa Mai, huyện Tân Biên.

Bên cạnh việc giảng dạy ở trường mầm non, cô Diễm An còn tích cực hoạt động nghệ thuật và tham gia các chương trình thiện nguyện với tinh thần đầy nhiệt huyết.

Cô giáo mầm non đa tài

Điều ấn tượng ở cô giáo mầm non này là rất đa tài: cô hát hay, múa giỏi, dàn dựng chương trình, biên đạo, biên kịch, làm MC, sáng tạo trang phục biểu diễn cho học sinh, cắt dán thủ công, nấu ăn… 

Từ lúc 5 tuổi cô đã tham gia các chương trình văn nghệ, hội diễn ở trường. Hiện tại, cô Diễm An có gần 30 năm quen ánh đèn sân khấu, niềm đam mê nghệ thuật đã ăn sâu vào tiềm thức, niềm đam mê ấy chưa bao giờ tắt mà lớn lên từng ngày, từng giờ, thôi thúc cô truyền nguồn năng lượng ấy đến các thế hệ học trò.

Khi là giáo viên với bộn bề công việc, cô vẫn không quên ánh đèn sân khấu. Ngoài giờ lên lớp, cô tham gia hoạt động nghệ thuật với vai trò là ca sĩ khách mời trong các chương trình của Tỉnh đoàn, Sư đoàn Bộ binh 5, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh… 

Với nhiều biệt tài, cô được mời làm MC các chương trình truyền hình thực tế. Ngoài ra, cô còn làm biên đạo múa cho hội thi, hội diễn các cấp. Ở mỗi tiết mục do cô dàn dựng và biên đạo luôn có sự tươi mới, trẻ trung và tính chuyên môn cao.

Cô Trương Ngọc Tuyền- Giáo viên trường Mầm non Hoa Mai, huyện Tân Biên cho biết: “Chị Diễm An là người năng nổ, nhiệt tình, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chị có niềm đam mê nghệ thuật, chị dồn hết tâm huyết của mình vào từng điệu múa và đào tạo các bé ở lứa tuổi mầm non. Ngoài ra chị còn biên đạo các tiết mục múa cho giáo viên của trường tham gia các hội diễn, gần đây nhất là biểu diễn ở hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 do Phòng GD&ĐT Tân Biên tổ chức, chị biên đạo 2 tiết mục múa rất ý nghĩa, nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả”.

Cô Diễm An và các bé nhóm múa “Mầm non Hoa Mai” biểu diễn tiết mục múa Chăm.

Truyền ngọn lửa đam mê 

Cô Diễm An luôn ứng dụng những nội dung mới về phương pháp dạy học tiên tiến, thiết kế bài giảng sinh động, tạo góc mở cho trẻ hoạt động, sáng tạo làm đồ dùng dạy học, hướng dẫn trẻ làm đồ chơi.

Ở mỗi tiết học, cô Diễm An đã truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật cho các bé, giúp các bé phát triển tư duy, đồng thời sớm cảm thụ nghệ thuật. 

Cô An đã thành lập nhóm múa gồm 10 bé, với tên gọi “Nhóm múa mầm non Hoa Mai” và chính cô tập luyện cho các bé những điệu múa truyền thống của người Chăm để tham gia biểu diễn ở các chương trình, sự kiện lớn, nhỏ. 

Bé Trương Thiên Ý- Lớp Chồi 1, Trường mầm non Hoa Mai chia sẻ: “Con học múa cô Diễm An, cô dạy múa rất hay, con rất thích học. Cô thường đưa con đi nhiều nơi để biểu diễn. Sau này lớn lên con thích làm diễn viên múa để được đứng trên sân khấu giống cô Diễm An”.

Mỗi tiết mục múa được cô chuẩn bị rất công phu và kỳ công, cô sáng tạo nên những trang phục, dụng cụ múa riêng biệt, độc đáo, ấn tượng. Điển hình như chiếc mũ đội đầu của các bé trong tiết mục múa Chăm được cô sáng tạo từ đĩa nhựa và thân chai nước tương.

Ngoài ra, cô còn mua vải và cắt may từng bộ đồ, tỉ mỉ ngồi khâu vá, đính đá, kết cườm lên trang phục diễn cho các bé. Có hôm cô thức đến 2 giờ sáng để kịp kết khâu từng chi tiết nhỏ cho kịp ngày diễn.

Cô Phạm Thị Diễm An cho biết: “Bản thân tôi là người đam mê nghệ thuật, nên tôi muốn truyền nguồn năng lượng tích cực đến các em thiếu nhi thông qua những bài thơ, điệu múa, câu hò. Sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về văn hoá, lịch sử của các dân tộc, tôi biết ở Tân Biên có di tích lịch sử văn hoá- Tháp Chót Mạt. Đây là một trong số các kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo còn sót lại tại Nam Bộ. Từ đó tôi nghiên cứu các động tác múa của người Chăm, để dạy cho các em thiếu nhi biết và gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc”. 

Với kinh nghiệm biểu diễn, cô đã biến tấu một số chi tiết, động tác tay, động tác chân, biểu cảm gương mặt sao cho phù hợp với lứa tuổi mầm non để các bé có thể cảm thụ nghệ thuật một cách trọn vẹn.

Tiết mục múa Chăm của cô Diễm An nhận được những lời khen ngợi và lời mời đi biểu diễn ở các chương trình, sự kiện. Qua quá trình đi diễn, các bé sẽ hiểu hơn về điệu múa Chăm cũng như các điệu múa dân gian của các dân tộc anh em, góp phần giúp các bé thêm yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam. 

Những hạt mầm nghệ thuật được cô Diễm An gieo trồng với tất cả niềm đam mê, lòng nhiệt huyết cùng tinh thần trách nhiệm sẽ nhận được những quả ngọt trong tương lai.

Hoàng Yến

Tin cùng chuyên mục