Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gieo nghĩa tình vào cuộc sống
Thứ bảy: 00:31 ngày 09/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đó là lời chia sẻ của ông Lê Quang Trung- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh khi nói về nghĩa cử cao đẹp- hiến máu cứu người tại buổi họp mặt hưởng ứng Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7.4.

Các đoàn viên thanh niên trong tỉnh hiến máu tình nguyện.

“Hiến máu để cứu sống người bệnh và gieo hạt giống nhân ái, gieo nghĩa tình vào cuộc sống, tô thêm nét đẹp truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc”- ông Lê Quang Trung chia sẻ.

Phong trào hiến máu tình nguyện ổ tỉnh ta bắt đầu từ ngày 15.10.1996 khi Tỉnh đoàn phát động đợt hiến máu tình nguyện tại Hội trại kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Đây được xem là ngày chính thức phát động phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh, trước cả thời điểm Chính phủ chọn ngày 7.4 hằng năm là Ngày

Toàn dân hiến máu tình nguyện (năm 2000). Từ đó đến nay, phong trào hiến máu tình nguyện được phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, số lượng máu tiếp nhận ngày càng nhiều, năm sau luôn cao hơn năm trước.

Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, từ năm 1996 đến năm 2006, cả tỉnh tiếp nhận 3.435 đơn vị máu (tăng 23,3 lần so với năm khởi đầu); từ năm 2006 đến năm 2016 tiếp nhận 18.503 đơn vị máu, tức là 10 năm tiếp theo đã tăng gấp 5,38 lần.

Từ năm 2016 đến năm 2021 tiếp nhận được 108.746 đơn vị máu. Chỉ duy nhất năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cả tỉnh phải triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nên chỉ tiếp nhận được 17.001 đơn vị máu, đạt 85,1% chỉ tiêu.

Năm 2020, cả tỉnh hiến được 26.163 đơn vị máu, đạt 2,24% dân số, cao nhất từ trước đến nay. Từ năm 2011 đến năm 2021, các bệnh viện trong tỉnh sử dụng từ 21% đến 27% tổng số đơn vị máu do các tình nguyện viên của tỉnh hiến, còn lại hơn 30% ủng hộ cho tuyến trên.

Anh Dương Quan Lớn (55 tuổi), tình nguyện viên hiến máu ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu với 96 lần hiến máu chia sẻ: “Mình hiến một phần máu của mình có thể cứu sống được người bệnh là việc làm thiết thực. Máu được đưa vào ngân hàng dự trữ có thể cứu sống người, đó có thể là người thân, bạn bè của mình”.

Không những vậy, anh còn thành lập ngân hàng máu sống để đi hiến máu cứu người, nhất là bệnh nhân nghèo. Người đi hiến trực tiếp đến viện tim cho máu nóng để phục vụ ca mổ. Ngân hàng máu sống do anh Dương Quan Lớn thành lập đã cứu sống được 5 người mổ tim.

Thành tích hiến máu gần trăm lần, nhận được nhiều bằng khen các cấp, nhưng theo anh, “niềm vui lớn lao trong cuộc đời” không gì hơn là khi thấy người được tiếp máu qua cơn nguy kịch, sống khoẻ mạnh. Năm nay đã 55 tuổi, anh nhẩm tính bản thân sẽ còn tham gia hiến máu được 5 năm nữa và sẽ tiếp tục đi hiến máu cho đến “hết tuổi” được hiến.

Để việc hiến máu tình nguyện trở thành phong trào rộng khắp như hiện nay phải kể đến hiệu quả của công tác tuyên truyền. Như anh Dương Quan Lớn chia sẻ, những ngày đầu, anh đạp xe đi vận động mọi người tham gia hiến máu, lấy mình ra làm gương, cung cấp những thông tin về lợi ích, ý nghĩa cao đẹp của việc hiến máu cứu người.

Hay như anh Võ Quốc Vạn- Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, cần có “kịch bản” thật kỹ cho công tác tuyên truyền cả trước, trong và sau khi hiến máu; tổ chức đón tiếp chu đáo, hỗ trợ, hướng dẫn tận tình cho các tình nguyện viên để người hiến vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi ban đầu, cảm nhận sự thoải mái, vui vẻ khi đến hiến máu.

Hiến máu nhân đạo là việc nghĩa cần làm của người khoẻ mạnh dành cho người không may bị bệnh. Những giọt máu nghĩa tình đến đúng nơi, đúng lúc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cả đời người. Khi nghĩa cử cao đẹp đó được lan toả, thì hiển nhiên cuộc sống này sẽ có thêm bao điều tươi đẹp. Bởi, lúc đó “nghĩa tình” ban đầu được “gieo” đã thật sự “đơm hoa kết quả”.

XV

Tin cùng chuyên mục