Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giới nghiên cứu lo ngại Covid-19 phủ khắp toàn cầu
Thứ ba: 17:27 ngày 03/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các nhà nghiên cứu cho rằng tất cả các nước cần chuẩn bị trước "khả năng cao" Covid-19 bùng phát tại nước mình.

"Khả năng cao là nCoV sẽ tiếp tục lan đến các quốc gia khác. Chúng ta đang bắt đầu thấy mức độ lây nhiễm không liên quan đến việc di chuyển từ nơi có dịch", Leslie Dach, cựu cố vấn cao cấp Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ, nói với VnExpress. 

Dach là người chịu trách nhiệm xử lý dịch Ebola và Zika trong chính quyền Mỹ dưới thời cựu tổng thống Barack Obama (2014-2016). Hiện ông là Chủ tịch của Protect our Care, tổ chức hoạt động nhằm bảo vệ chính sách y tế cho người Mỹ, ủng hộ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare).

Covid-19 khởi phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đến nay đã xuất hiện tại gần 70 quốc gia, vùng lãnh thổ, với gần 90.000 ca nhiễm, hơn 3.000 người tử vong.

Đồng tình với Dach, bà Laurie Garrett, chuyên gia về bệnh dịch, tác giả cuốn sách "Ebola: Câu chuyện về sự bùng phát", cho biết nCoV đã xuất hiện ở phía nam bán cầu, gồm Australia, Brazil, Mexico. Từng là chuyên gia y tế của Hội đồng Đối ngoại, Mỹ (Council on Foreign Relations) từ 2004 - 2017, Garrett hiện là nhà phân tích độc lập. 

"Dịch sẽ quay vòng trên khắp thế giới, bất chấp thay đổi mùa, trong một thời gian dài", Garrett nói. 

Bày tỏ lo ngại khi các ca nhiễm mới xuất hiện nhiều hơn so với số lượng tại Trung Quốc đại lục, Garrett cho rằng Covid-19 đã chuyển khỏi tâm dịch Vũ Hán đến các điểm khác trên thế giới. Mức độ lây nhiễm nhanh nhất đang diễn ra ở Hàn Quốc, Iran và Italy.

Hôm 28/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tăng cảnh báo nguy cơ lây lan Covid-19 từ "cao" lên mức "rất cao" ở cấp độ toàn cầu. Tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình sức khỏe khẩn cấp của WHO, cho biết "rất cao" là mức "đánh giá cao nhất về nguy cơ lây nhiễm và tác động" của dịch.

Một người phụ nữ Hàn Quốc đeo khẩu trang khi các nhân viên của công ty diệt khuẩn làm việc tại khu chợ truyền thống tại Seoul hôm 26/2. Ảnh: Reuters.

Tính đến ngày 2/3, tại Hàn Quốc, ổ dịch lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở mức hơn 4.300, số ca tử vong tăng lên 26. Tại Italy, ổ dịch Covid-19 lớn nhất châu Âu, tổng số ca nhiễm bệnh là gần 1.700, trong đó 34 người đã tử vong. 

Giới chức y tế cảnh báo các bệnh viện ở Italy đã chạm ngưỡng và sẽ rơi vào khủng hoảng nếu số ca nhiễm nCoV tiếp tục tăng mạnh. Covid-19 đang lây lan mạnh mẽ tại châu Âu, Đức hôm 1/3 ghi nhận 129 ca nhiễm nCoV, tăng gần gấp đôi so với 66 ca một ngày trước đó. 

Nói đến tình hình tại Trung Quốc, William Schaffner, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm, Trường Y khoa, Đại học Vanderbilt, Nashville, Mỹ, trông đợi Bắc Kinh hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để đưa ra một con số thống nhất về số người tử vong và ca nhiễm mới tại Vũ Hán nói riêng và Hồ Bắc nói chung. Tính đến ngày 2/3, Trung Quốc công bố tổng số ca tử vong là 2.912, trong tổng số 80.026 người nhiễm bệnh.

"Tôi hy vọng các chuyên gia WHO hỗ trợ Trung Quốc đưa ra một cách tính chuẩn", Schaffner nói.

Giáo sư John Ioannidis, chuyên ngành nghiên cứu y khoa và ngăn chặn bệnh dịch, Đại học Stanford, Mỹ, cho rằng còn quá sớm để ước tính về "mức độ tồi tệ" của Covid-19. Ông cho biết nhiều người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng, có thể số lượng các nhiễm cao hơn số ca được chẩn đoán. Vì thế số người tử vong có thể không cao như số dựa trên kết quả chẩn đoán. 

Theo Ioannidis, có thể số lượng người tử vong do Covid-19 thấp hơn 100 lần so với bệnh cúm hàng năm. Tại Mỹ, tính đến ngày 22/2, có 18.000 chết do cảm cúm, 32 triệu người nhiễm bệnh, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Mùa cúm tại Mỹ bắt đầu từ tháng 10/2019. 

Đề xuất biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19, giáo sư Ioannidis lưu ý các nước nên áp dụng biện pháp cách ly một cách sáng suốt, tránh lặp lại sai lầm như Nhật Bản đã thực hiện với du thuyền Diamond Princess, khi không tách riêng thủy thủ đoàn từ đầu giai đoạn cách ly, khiến tàu thành "lò ấp virus". Ioannidis cũng khuyến cáo các nước cần quan tâm xác đáng đến dịch, theo dõi sát tiến triển nhưng không nên có tâm lý hoảng loạn.

Hôm 28/2, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trấn an dư luận khi tuyên bố "chìa khoá để kiểm soát virus là phá vỡ chuỗi lây lan", khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng.

"Kẻ thù lớn nhất của chúng ta không phải là virus, đó là nỗi sợ hãi, tin đồn gây hoang mang và sự kỳ thị. Tài sản lớn nhất của chúng ta là sự thật, lý trí cùng tình đoàn kết", Tedros nói.

Tiến sĩ Mike Ryan của WHO cho rằng tổ chức này nâng cảnh báo lên mức cao nhất không có mục đích "khiến mọi người hoảng sợ", mà nhằm truyền thông điệp "hãy thức tỉnh và sẵn sàng". Ông cho biết dữ liệu của WHO không cho thấy Covid-19 là "đại dịch".

Giáo sư Richard Larson, chuyên gia về dữ liệu và xã hội, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, nhận định Covid-19 nhiều phần giống với dịch SARS năm 2003. SARS đã được ngăn chặn không chỉ bằng vaccine mà còn nhờ sự phối hợp của các cá nhân với nhau và với chính phủ. Trong khi chưa có vaccine chữa Covid-19, ông cho rằng các nước nên áp dụng các biện pháp tương tự như chống SARS. Các biện pháp đó là giữ khoảng cách trong giao lưu xã hội một cách nghiêm ngặt, thay đổi hành vi liên quan đến vệ sinh và tự cách ly, khi không chắc về việc bị nhiễm bệnh.

Chuyên gia Dach cho biết khó có thể dự báo diễn biến sắp tới của dịch, khi giới nghiên cứu vẫn chưa biết nhiều về nCoV sau hơn hai tháng bùng phát, trong đó có tỷ lệ tử vong và mức độ phơi nhiễm. 

"Chính phủ của tất cả các nước nên tích cực lập kế hoạch để đối phó với khả năng dịch bùng phát", Dach nói. 

Các quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện Covid-19.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục