Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giỏi việc nước, đảm việc nhà
Thứ hai: 09:42 ngày 22/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lập nghiệp tại Tây Ninh từ năm 1989 với hai bàn tay trắng, nhờ chăm chỉ lao động, vợ chồng một nông dân quê Thái Bình có được vài ha cao su để sản xuất. Khi cuộc sống ổn định, có thu nhập, hai vợ chồng lại nghĩ đến công tác xã hội, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Thửa được biểu dương, khen thưởng tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05.

Đó là trường hợp của vợ chồng bà Hoàng Thị Thửa ở ấp 5, xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Năm nay, bà Thửa 56 tuổi, là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 5, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp 5, xã Suối Dây.

Bà Thửa kể, những năm đầu đặt chân lên vùng quê mới, vợ chồng bà làm lụng cực khổ, tằn tiện lắm mới đủ tiền sang nhượng lại một phần đất, cất chòi làm rẫy ở ấp 5. Bây giờ, vợ chồng bà có 2 ha cao su đang kỳ thu hoạch và 1 ha cao su còn nhỏ. Hằng ngày, bà Thửa đều thức dậy từ lúc 12 giờ khuya, vào vườn cao su cạo mủ. Đến gần sáng, xách thùng đi trút mủ, chở đến bán cho đại lý, khi trở về tới nhà, ít nhất cũng 7 giờ.

Nhờ tích cực lao động, 30 năm qua, vợ chồng bà Thửa nuôi dạy 3 người con khôn lớn. Năm 2008, vợ chồng bà mua đất, cất nhà mới ở ấp 3, xã Suối Dây. “Hiện tại, hai đứa con trai của vợ chồng tôi đã học xong đại học. Một đứa có việc làm ở TP. Hồ Chí Minh, một đứa làm kỹ sư trong nhà máy xi măng ở tỉnh Bình Phước. Riêng đứa con gái, đã lập gia đình và làm nhân viên kế toán ở UBND xã”- bà Thửa cho biết.   

Từ năm 1999, bà Thửa đã làm Tổ trưởng Tổ phụ nữ. Năm 2006, bà được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 5. Năm 2011, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp 5 xin nghỉ việc, Chi bộ Đảng ấp 5 vận động bà Thửa tạm thời đảm trách vị trí này. Thế là từ đó đến nay, người phụ nữ quê Thái Bình này phụ trách cùng một lúc hai vai trò. Bà Thửa đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực.

Cụ thể, năm 2016, bà Thửa thành lập mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”. Lúc mới thành lập có 22 hội viên tham gia, mỗi người đóng góp 100.000 đồng/tháng. Số tiền này được giao cho từng hội viên theo hình thức góp vốn xoay vòng, không tính lãi. Sau một năm thực hiện, thấy số tiền này ít so với nhu cầu, các hội viên thống nhất, mỗi người đóng góp 1 triệu đồng/tháng và luân phiên nhận tiền theo số thứ tự đã bốc thăm.

Tính đến nay, mô hình này đã giúp được 41 người với số tiền hơn 300 triệu đồng. Chị em đầu tư chăn nuôi gà, vịt nhỏ lẻ, hoặc mua quần áo, tập vở, đóng học phí cho con em, nhiều gia đình tạm thời vượt qua khó khăn. “Cuối năm nay, Chi hội Phụ nữ họp mặt, xem xét nhu cầu của chị em như thế nào, tuỳ tình hình thực tế có thể bàn bạc, thống nhất với nhau xem nên tăng hay giảm số tiền góp vốn xoay vòng”- bà Thửa nói.

Vừa đi cạo mủ cao su về tới, bà Thửa liền bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước và chăm sóc đàn gà, tưới nước cho vườn cây.

Mô hình nuôi heo đất gây Quỹ học bổng Trần Thị Sanh cũng được duy trì nhiều năm qua. Hằng năm, cứ vào Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, Chi hội Phụ nữ ấp 5 họp mặt tại Văn phòng Ban quản lý ấp, tổ chức đập heo đất (đã được nuôi từ năm trước), lấy tiền tiết kiệm hỗ trợ cho các em học sinh nữ nghèo, hiếu học. Qua 3 năm, nguồn quỹ này đã trao được 12 suất học bổng, với số tiền hơn 5 triệu đồng.

Nhiều năm qua, bà vận động chị em trong Chi hội Phụ nữ ấp tham gia phong trào “Hũ gạo tình thương”. Chỉ tính riêng năm 2018, Chi hội đã vận động được 420kg gạo, trị giá hơn 50 triệu đồng, tặng cho người nghèo, neo đơn. Ngoài ra, bà Thửa còn vận động chị em giúp nhau gây quỹ mua bảo hiểm y tế trả góp. Chị em trong Chi hội, có người điều kiện kinh tế khó khăn, không thể cùng một lúc bỏ ra bảy, tám trăm ngàn đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế, Hội Phụ nữ hỗ trợ mua thay.

Mỗi tháng, người được hỗ trợ trả góp cho Hội 100.000 đồng. Bà Thửa cho biết, nhờ cách làm này mà hiện nay, Chi hội Phụ nữ ấp 5 có tỷ lệ mua bảo hiểm y tế cao nhất xã, gần 83%. Đặc biệt, bà Thửa đã tình nguyện tham gia hiến máu nhân đạo đến 20 lần.

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, bà Thửa tích cực đóng góp và vận động hội viên thực hiện công trình thắp sáng đường quê với chiều dài 4,2km, trị giá trên 100 triệu đồng. Bà Thửa cho biết thêm, Chi hội Phụ nữ ở đây vừa ra mắt mô hình “Tổ phụ nữ đảm bảo an toàn giao thông”, theo đó, chị em hội viên đăng ký chấp hành tốt Luật Giao thông, đồng thời có trách nhiệm vận động người thân, bạn bè, hàng xóm tham gia giao thông an toàn, đúng luật. Bà Thửa cho hay: “Trước mắt, đã có 17 thành viên đăng ký tham gia”.

Với những việc làm tích cực kể trên, trong những năm qua, bà Hoàng Thị Thửa đã nhận được nhiều bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQVN tỉnh. Mới đây, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khoá XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh, bà Thửa tiếp tục được biểu dương, khen thưởng.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh