Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Buồn, giận là vậy, nhưng nghĩ đến 2 chữ đồng bào, và chứng kiến cảnh bà con quay về trong nước mắt thì vòng tay của chúng ta phải rộng mở, bao dung để đón họ trở về như câu tục ngữ mà ông bà xưa đã dạy “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”
92 công dân Việt Nam được lực lượng chức năng Campuchia bàn giao cho lực lượng BĐBP Việt Nam tại CKQT Mộc Bài ngày 21.9.2022.
“Cờ Tổ quốc kìa! Về tới Việt Nam rồi bà con ơi!”.
Tiếng của một thanh niên vang lên khi chiếc xe buýt vừa chầm chậm đi ngang qua cột mốc 171 tiến về Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã khiến cho nhiều người ngồi sau rướn người, hướng mắt về phía lá cờ đỏ, sao vàng đang tung bay ngay cổng Quốc môn. Những dòng nước mắt như đang chực chờ sẵn từ lâu, giờ bỗng tuôn ra trên nhiều gương mặt không giấu nổi vui mừng. Nhiều người nhanh tay lấy điện thoại ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này sau bao ngày lưu lạc trên đất khách quê người, trong đó không ít người xem như mình vừa được tái sinh.
Đó là những hình ảnh, âm thanh đầu tiên chúng tôi ghi lại được khi 92 lao động tự do người Việt Nam (gồm nhóm 71 người chạy thoát khỏi casino Lucky 88 ngày 17.9.2022 và 21 công dân Việt Nam bị mất hộ chiếu giấy tờ) được lực lượng chức năng Campuchia tiến hành bàn giao cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài vào lúc 8 giờ 30 phút sáng 21.9.2022.
Nhìn thấy Đại tá Đinh Viết Bình- Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, người được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh giao nhiệm vụ “bám biên” trong gần tuần lễ qua đang chỉ đạo các chiến sĩ của Đồn Mộc Bài tăng cường thêm bàn ghế và nước uống cho bà con, chúng tôi đến bắt chuyện.
Ông chia sẻ: "Cả tuần lễ nay rồi đó, ngày nào chúng tôi cũng đón hàng chục lao động Việt Nam trở về qua cửa khẩu này. Nhưng hôm nay, khi đón số lao động này, chúng tôi mới thật nhẹ người. Vì cả tuần qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, Công an huyện, UBND huyện Bến Cầu, lực lượng Dân quân tự vệ và nhất là anh em ở Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài phải mất ăn mất ngủ.
Biết họ ra đi là vì mưu sinh, biết là họ vì nhẹ dạ cả tin nghe theo lời đường mật “việc nhẹ lương cao” mà bất chấp cảnh báo từ các ngành chức năng trong nước, bất chấp hiểm nguy tìm đường vượt biên đi tìm hy vọng, và thật đáng trách khi không ít người trong số họ đã khiến cho gia đình phải tán gia bại sản… Buồn, giận là vậy, nhưng nghĩ đến 2 chữ đồng bào, và chứng kiến cảnh bà con quay về trong nước mắt thì vòng tay của chúng ta phải rộng mở, bao dung để đón họ trở về như câu tục ngữ mà ông bà xưa đã dạy “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”- Đại tá Bình hướng mắt về dòng người đang được các chiến sĩ Biên phòng tiếp nước và thức ăn nhanh.
Ăn vội ổ bánh mì trên tay, chị Đ.N.H.Y, sinh năm 1988, quê Tây Ninh nhớ lại những giây phút chị cùng hàng chục lao động khác trong Công ty Lucky 88 phá cổng chạy thoát thân: "Lúc đó, ông chủ và các quản lý đã ôm tiền chạy mất rồi, chỉ có số bảo vệ còn lại trông chừng tụi em để chờ bán cho công ty khác, nên mọi người liều mình quyết định chạy thôi. Chứ ở lại thì không biết giờ này ra sao".
Chị lại nghẹn ngào: "Cứ ngỡ ra đi là sẽ giúp được gia đình vượt qua khó khăn, không ngờ lại trắng tay trở thành con nợ, giờ phải đi ăn nhờ từng ổ bánh mì, từng chai nước lọc của các chú bộ đội!". Nói đến đây, nước mắt chị bỗng lưng tròng, nhìn về khoảng không vô định….
Anh L.T.T, sinh năm 1992, quê Thanh Hoá chia sẻ: "Tưởng về đây sẽ bị xử lý nặng, nhưng không ngờ được mấy anh Biên phòng và Công an hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi như thế này, chúng tôi rất vui mừng. Mừng bao nhiêu thì tôi lại càng thấy hối hận bấy nhiêu về những suy nghĩ nông cạn của mình trước đây".
Ngày 22.9, khi chúng tôi trở lại Mộc Bài thì gặp một trường hợp đặc biệt- đó là vợ chồng em T.S.T và N.T.Y (cùng sinh năm 1997), quê ở Lào Cai, khi N.T.Y vừa được Quân y đo huyết áp xong và cho biết cả hai mẹ con an toàn, mừng rơi nước mắt: “Chiều qua tới giờ- kể từ khi chạy thoát ra khỏi casino ở Phnom Penh, em lo nhất là con em, nó trong bụng mới có 5 tháng tuổi thôi mà phải cực khổ như thế này. Về đây từ tối qua đến giờ, được mấy chú Biên phòng cho ăn uống, thuốc men, thăm khám, em không biết nói gì hơn, xin được cảm ơn các chú rất nhiều”.
Còn T- chồng của Y chia sẻ thêm: "Qua nay, cả hai vợ chồng em đều may mắn khi được mọi người giúp đỡ, mới sáng hôm qua khi vừa chạy thoát ra cánh cổng của casino, nhờ có anh L (quê ở Lâm Đồng to lớn, khoẻ mạnh) vừa chạy, vừa dìu vợ chồng lại vừa chống trả lực lượng bảo vệ nên mới thoát thân. Về đây được các chú các anh giúp đỡ, ơn này vợ chồng em không bao giờ quên được".
Các chiến sĩ Biên phòng và Công an hỗ trợ bà con hoàn tất các thủ tục để được nhập cảnh vào Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Nhìn thấy các chiến sĩ Biên phòng, Công an cật lực trong suốt nhiều ngày qua để giúp đỡ bà con, nhiều người không có giấy tờ tuỳ thân, chúng đôi đặt vấn đề an ninh trong việc điều tra, xác minh nhân thân lai lịch thì được Đại tá Đinh Viết Bình chia sẻ: "Đây là vấn đề mà chúng tôi quan tâm hàng đầu kể từ khi các lao động tại Campuchia bắt đầu về nước.
Thời gian qua, cả hai lực lượng BĐBP và Công an đã quán triệt chặt chẽ cho tất cả cán bộ sĩ quan khi thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, ngoài việc giúp đỡ cho bà con theo chính sách nhân đạo thì phải luôn bảo đảm các yếu tố nghiệp vụ, như xác minh nhân thân lai lịch của từng người một, sưu tra đối chiếu với các địa phương có con em trở về lần này, quyết không để các đối tượng tội phạm lợi dụng tình hình để trà trộn xâm nhập vào trong nước. Nhờ đó mà trong ngày 19.9, chúng tôi đã phát hiện và bắt giữ 1 đối tượng có lệnh truy nã".
Theo sự hướng dẫn của Đại tá Bình, chúng tôi đến khu vực lấy lời khai cho từng người một, bộ phận khác thì chụp ảnh, sưu tra, xác minh đối chiếu mặc cho cái nóng trong căn nhà tạm ngày càng hừng hực, hơn 50 cán bộ sĩ quan của 3 lực lượng Công an, Biên phòng và Dân quân tự vệ chia nhau mỗi người một việc trong không khí hết sức khẩn trương và trách nhiệm. Riêng các chiến sĩ trẻ thì vừa đứng ở vòng ngoài làm công tác bảo vệ vừa hướng dẫn bà con đến từng khu vực sau khi hoàn thành từng công đoạn, đồng thời bảo đảm việc tiếp nước và thức ăn nhanh cho bà con đang chờ đến lượt.
Thấy các chiến sĩ trẻ ướt đẫm chiếc áo màu xanh, nhiều bà con bước đến xin thay nhiệm vụ tiếp tế nước để các chiến sĩ có vài phút nghỉ ngơi. Chiến sĩ Lê Văn Thuận cười tươi: "Không sao đâu, cả tuần nay bà con vất vả rồi, thấy mọi người về đây an toàn là anh em chúng tôi vui rồi, khoẻ rồi!". Thuận vừa dứt lời nhiều tiếng vỗ tay vang lên để thay lời cảm ơn anh chiến sĩ trẻ.
Lê Quân