Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giữ cho núi Bà mãi xanh
Thứ năm: 11:03 ngày 01/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Leo xuống hốc đá nhặt từng vỏ chai hay chen qua những bụi cây rậm rạp lượm từng bọc ni-lông là hành động vô cùng đẹp đẽ của những con người yêu môi trường. Trong khi đó, ở các điểm du lịch, dù có thùng rác được bố trí cố định nhưng nhiều người vẫn “bạ đâu quăng đó”, vì nghĩ rằng sẽ có người khác dọn dẹp.

Rác nhếch nhác tại một đoạn đường leo núi.

“Hãy mang rác về”

“Mình cứ nghĩ dân leo núi phải là những người yêu thiên nhiên, yêu môi trường và có ý thức trong gìn giữ cảnh quan chung, nhưng khi nhìn thấy rác do một số bạn tham gia cắm trại, trekking để lại, mình cảm thấy thật đáng buồn”- Phạm Trần Thuý Vy (thị xã Hoà Thành) bày tỏ trong một chuyến chinh phục đỉnh núi Bà Đen.

Hai cung đường leo núi phổ biến nhất và được nhiều người lựa chọn để chinh phục đỉnh núi là đường cột điện và đường chùa Bà, đều chung tình trạng có khá nhiều rác thải nhựa vứt bừa bãi.

Trước đây không có túi rác được bố trí cố định, mọi người hay quăng rác bừa bãi khắp nơi. Khi mưa xuống, bọc ni-lông, vỏ chai bị nước cuốn trôi vào hốc đá hay bụi cây, rất khó để thu gom. Hiện tại, đường cột điện được một nhóm leo núi cất công bố trí những túi lưới để đựng rác. Đáng buồn thay, dù có chỗ để bỏ rác, một số người vẫn có thói quen tiện tay là quăng rác khiến túi ni-lông, ly nhựa, vỏ bánh… nằm len lỏi, nhếch nhác trong những lùm cây.

“Túi đựng rác đã hạn chế được phần nào thói quen xả rác bừa bãi, nhưng rác nhiều, người dọn thì ít. Có lần leo núi, mình thấy rác tràn ra khỏi những túi lưới rơi cả ra ngoài. Mọi người phải hiểu việc thu gom rác ở trên đường leo núi như thế này rất cực và hoàn toàn là việc làm tình nguyện. Vì vậy, tốt nhất vẫn là mang theo gì thì mang về hết”- Nguyễn Ngọc Kiều Tiên, một bạn trẻ thường xuyên leo núi bức xúc chia sẻ.

Cung đường từ chùa Bà lên đến đỉnh, tình trạng rác thải còn “khủng khiếp” hơn, do có ít tình nguyện viên tham gia dọn dẹp thường xuyên. Điểm bố trí túi đựng rác tại đây cũng thưa thớt, nhiều nơi còn hình thành những bãi rác tự phát, với đầy vỏ chai nhựa nằm lăn lóc, tràn xuống cả sườn núi rất khó dọn dẹp, thu gom.

“Tôi nghĩ, đối với các điểm du lịch rừng núi gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu gom rác, chúng ta nên thay đổi thông điệp tuyên truyền từ không xả rác bừa bãi, sang nâng cao ý thức để mọi người tự mang rác của mình về. Vài cái chai, vỏ bánh, nếu mang theo được, mang về cũng đâu khó gì”- một phượt thủ bày tỏ quan điểm.

Rác tràn xuống những dốc núi rất khó để dọn dẹp.

Góp sức vì núi của chúng ta

Một trong những nhóm leo núi tận tuỵ với việc thu gom rác tại núi Bà phải kể đến nhóm CSC Tây Ninh. Từ năm 2019, các thành viên nhóm đã tổ chức dọn rác trên núi. Hằng tuần, mọi người dành thời gian mang từng túi rác xuống chân núi để xử lý. Các túi lưới đựng rác dọc đường cột điện cũng do nhóm cất công bố trí.

Anh Phan Văn Vũ- trưởng nhóm CSC Tây Ninh cho biết: “Lúc trước leo núi thấy rác nhiều không ai dọn nên mọi người trong nhóm quyết định góp sức dọn dẹp. Có khi mọi người rủ đi chung, khi thì mỗi thành viên leo núi tự giác mang xuống. Sau này chúng tôi có những đợt phát động tổ chức quy mô, bài bản, thu hút được đông đảo tình nguyện viên tham gia”.

Thấy hành động ý nghĩa của nhóm, nhiều bạn trẻ yêu môi trường, các nhóm leo núi muốn gìn giữ môi trường, cảnh quan thiên nhiên cũng tham gia góp sức, dần hình thành một thói quen, nét đẹp, giúp cho rác thải nơi đây được dọn dẹp thường xuyên hơn.

Với thông điệp: “Cùng chung tay hành động, giữ gìn núi Bà Đen trong lành - xanh - sạch đẹp”, cuối tuần qua, nhóm CSC Tây Ninh phối hợp với các đơn vị, tổ chức đoàn thể ra quân thu gom rác trên núi Bà, tạo được sức lan toả lớn. Gần 150 tình nguyện viên đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề đã tham gia hưởng ứng hoạt động thu gom rác này.

Gần 150 tình nguyện viên tham gia hoạt động thu gom rác tại Núi Bà vào cuối tuần qua.

Không ngại nắng hay dơ bẩn, mọi người lăn xả, gom từng vỏ chai, túi ni-lông, hộp giấy… bị du khách bỏ lại dọc theo đường cột điện và chùa Bà. Cảm động nhất là hình ảnh các bạn không ngại khó, len lỏi vào từng hốc đá, cố gắng dọn rác nhiều nhất có thể. Mỗi người thi nhau khuân 2-3 bao lớn mang xuống núi. Tổng kết sau chương trình, có hơn 80 bao rác thải đủ loại đã được thu dọn, mang xuống núi xử lý.

Lần đầu tiên tham gia leo đỉnh núi để gom rác, bạn Nguyễn Thị Bích Hằng (huyện Gò Dầu) vác hẳn một bao rác nặng trĩu xuống núi. Không giấu được vẻ mệt mỏi, cô bạn vẫn hồ hởi chia sẻ: “Mình rất vui được góp sức cho một hoạt động ý nghĩa và thiết thực, hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều hoạt động như thế này để giữ cho núi Bà của chúng ta mãi xanh”.

Rác thải nhựa được các bạn trẻ nhiệt tình thu dọn.

Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Tùng hưởng ứng thu gom rác thải nhựa tại Núi Bà.

Rác ở những sườn núi rất khó để thu dọn.

Chỉ trong buổi sáng, hơn 80 bao rác thải nhựa được các tình nguyện viên thu gom mang xuống núi.

Tham gia hoạt động leo núi nhặt rác, thầy giáo trẻ Lái Lưu Mạnh (giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Châu Thành) muốn lan toả những việc làm ý nghĩa, có ích cho cộng đồng đến học trò của mình.

“Tôi hy vọng có thể phần nào truyền cảm hứng, tạo động lực cho các em học sinh tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, đóng góp, giúp cho quê hương xanh hơn” - Lưu Mạnh nói.

Vứt rác bừa bãi là hành động huỷ hoại môi trường sống của chính mình. Nếu mỗi người chúng ta đều có ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan thì sẽ hạn chế được tình trạng rác thải bừa bãi và không ai phải tốn công dọn dẹp rác do người khác bỏ lại.

Hoà Khang

Tin cùng chuyên mục