Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ là cần thiết, phù hợp
Thứ năm: 19:03 ngày 22/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ là cơ sở để tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIV, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện tập trung thực hiện "mục tiêu kép".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ đề nghị trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ như khóa XIV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong chương trình nghị sự ngày 22/7, Quốc hội đã nghe tờ trình, thẩm tra về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026) được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, đồng thời, tiếp tục kế thừa, ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo khóa XIV.

Thủ tướng cho biết trong quá trình xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, cũng có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, để đạt các mục tiêu thì trước mắt, giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV là cần thiết, phù hợp. “Chính phủ đề nghị trước mắt giữ ổn định về tên gọi, cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ và cơ quan ngang bộ như khóa XIV”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Giữ nguyên 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ

Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 22 cơ quan, gồm: 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ.

Cụ thể, 18 bộ gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.

4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

Theo Thủ tướng, sau khi được Quốc hội xem xét và có nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa Thủ tướng, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, bảo đảm bộ máy hành chính thống nhất, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chính phủ cũng tập trung ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các thành viên Chính phủ, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong theo hướng thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian gắn với tinh giản biên chế, thực hiện việc không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước….

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban nhất trí phương án nêu trên. Theo ông, việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ là cơ sở để tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIV, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện tập trung thực hiện "mục tiêu kép".

“Việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ sẽ là cơ sở để tiếp tục phát huy ưu điểm và kết quả hoạt động của Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIV, bảo đảm yêu cầu chỉ đạo, điều hành trong điều kiện Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu.

Tuy vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cần gắn với xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, đề cao trách nhiệm của các bộ, tăng tính chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền, rà soát sửa đổi các quy định, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện.

Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và rà soát kỹ các nội dung giao thoa giữa các bộ, cơ quan ngang bộ để sớm có phương án giải quyết triệt để, đồng thời, đẩy mạnh sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các bộ, đặc biệt là đối với các tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục