Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Quý I vừa qua, tăng trưởng kinh tế cả nước (GDP) ước đạt 5,1%, thấp hơn mức tăng trưởng cùng kỳ của hai năm 2015 và 2016, đồng thời cũng thấp hơn nhiều so mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là 6,7%.
Nguyên nhân do sự sụt giảm của nhiều ngành kinh tế, trong đó các ngành như khai khoáng, chế biến chế tạo và xây dựng đều có mức tăng giảm đáng kể so cùng kỳ các năm trước. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ba tháng đầu năm chỉ tăng 4,1% so cùng kỳ năm 2016, thấp hơn nhiều mức tăng cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây. Vì tăng trưởng quý I đạt thấp cho nên muốn đạt được chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% thì các tháng còn lại phải tăng trưởng khoảng 7% và đây là một thách thức không nhỏ cho điều hành kinh tế vĩ mô.
Trước tình hình đó, ngay trong tháng 4, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp, chủ động điều hành triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế; đồng thời, xây dựng và thực hiện ngay các phương án và giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 đã cải thiện đáng kể, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, nhất là lạm phát được kiểm soát hiệu quả khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân tháng 4 không thay đổi so với tháng 3.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh cũng có một số chuyển biến tích cực, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tiến bộ hơn quý I, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tăng cao so cùng kỳ năm 2016 (9,6%), du lịch có bước khởi động tốt với lượng khách quốc tế tăng mạnh; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút gần 40 nghìn doanh nghiệp thành lập mới trong bốn tháng đầu năm,...
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tình hình kinh tế trong nước thời gian tới dự báo vẫn còn nhiều thách thức như tình trạng sâu bệnh đang diễn ra tương đối rộng và tập trung vào cây lúa, chăn nuôi lợn giảm giá mạnh, chăn nuôi gia cầm đối mặt nguy cơ dịch cúm,... Trong khi đó, dù IIP bốn tháng đầu năm tăng cao hơn quý I, đạt mức 5,1%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu tuy tiếp tục đà tăng trưởng, nhưng lại “đuối sức” hơn đà tăng của nhập khẩu khiến nhập siêu gia tăng...
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức như vậy, nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song Việt Nam kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2017, quyết tâm phấn đấu tăng trưởng 6,7%, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, để hoàn thành được nhiệm vụ này là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, cùng sự hưởng ứng nhiệt tình của doanh nghiệp và người dân trên cả nước. Trước hết, nền kinh tế trong nước cần tập trung phát huy những tiềm năng đã có trong các tháng đầu năm như đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước gắn với xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội các dòng vốn đầu tư và khách du lịch quốc tế đang tăng mạnh,...
Ngoài ra, triển khai ngay các giải pháp ngắn hạn, phục vụ các tháng từ nay đến cuối năm như rà soát các dự án đầu tư, có biện pháp nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động. Đồng thời, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, giải phóng hàng tồn kho đang ở mức cao; đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả và giải quyết tốt vấn đề thị trường,...
Nguồn Báo Nhân dân