Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Giữa dòng hội xuân trước chùa Trung, một bên là khu hội chợ vui chơi có thưởng âm thanh ì đùng. Bên kia, những quán hàng đặc sản còn thưa thớt người xem và mua, bán. Cần ngợi khen Ban Quản lý là hội năm nay sắp đặt quán hàng ngay ngắn, thứ tự lớp lang, thật tiện cho người mua, kẻ bán.
Đông đảo du khách đến tham quan, vãng cảnh ở Hội Xuân núi Bà. Ảnh: Đại Dương
Thế là tôi đã được hoà mình vào dòng người đi hội chiều mùng Bốn tết. Mới chưa đến bốn giờ, trời còn sáng trưng, chao chát nắng vàng. Đường Bời Lời vẫn còn thưa thoáng. Cái cổng đầu tiên vẽ một nửa cung tròn ôm lấy khuôn hình núi sẫm phía đằng xa.
Từ đây kể như có một dòng xe hăm hở một chiều tiến về phía núi. Xe hơi cũng có nhưng nhiều nhất vẫn là xe máy, từng cặp chở nhau mặt sáng rỡ niềm vui. Hỏi một đôi chở theo em bé, rằng các bạn từ đâu tới? Chàng trai bảo từ thành phố Hồ Chí Minh vừa lên, còn đang ngần ngừ tìm chỗ gửi xe. Ừ nhỉ! Tại nơi này còn khá xa nhưng lại có vài quán căng sẵn võng gọi mời, kèm tấm biển ghi gửi xe miễn phí.
Lại có cả một vận động viên xe đạp cũng tranh thủ giờ tập hoà mình vào dòng đi hội. Nhưng đến ngã tư Đại Đồng gặp đèn đỏ chỉ một loáng thì dòng xe đã ùn ứ lại hơn trăm mét. Vậy là anh quay lại, tiếp tục những vòng xe mà khỏi phải đợi chờ.
Còn rộng rãi thời gian, nên tôi cứ thong thả mà ngắm đường, ngắm dòng người đi hội. Mới nhận ra Tây Ninh có con đường vào hội núi thật tuyệt vời. Thong dong bốn làn xe, mặt lì láng bê tông nhựa. Tám cây số đường Bời Lời thoáng đãng thoả sức cho du khách ngắm nhìn. Đây nhé, lề cỏ xanh rộng rãi. Những lô cao su xanh sẫm xa hút chạy dài. Điểm trang những vườn mãng cầu dù đang mùa cho trái vẫn nõn xanh.
Vài chỗ vẫn còn những đồng mì, đồng bắp hay rau màu trải rộng dài tít tắp. Một anh (hay chị) nào đó đã trưng dụng một khoảnh ruộng ấy làm nên một vườn hoa kiểng. Để cho du khách ai thích thì vào lấy vài khuôn hình kỷ niệm. Thì cũng là các loài hoa ta thấy ở chợ hoa xuân, những bông giấy, cúc, hồng, thược dược và đủ màu hoa bướm.
Và thêm, những con bướm hay chuồn chuồn to tướng, cùng những chiếc ô dù nhiều màu treo lộn ngược theo gió chiều đong đưa. Thêm vài trụ cổng xây, mái tranh lợp lên làm cổng... Vậy mà vô số khách vào ra. Dịch vụ thôi nhưng cũng là một cảnh xuân tươi tắn bên đường.
Người về hội núi.
Và còn cả một hương vị khác mà có lẽ đã có từ các mùa hội trước, sao bây giờ tôi mới nhận ra. Để thấy con đường vào hội núi thật đậm đà hương vị tết! Thưa, đấy là mùi gà nướng thơm lừng. Có đến vài chục tới cả trăm cái bếp than hồng lộ thiên, đặt những xiên gà nguyên con quay tít. Khi gà đã vàng tươm mỡ mật thì khói xanh bay lên, lan toả khắp bên đường.
Ôi chà, gà nướng Tây Ninh! Khách miền Đông hay miền Tây ai đã ăn qua đều nhớ. Tây Ninh là quê hương của món đặc sản gà đồi chăn thả, thịt săn chắc, ruộm vàng da... Ừ nhỉ, một vài con gà nướng mà bao giờ cô chủ hàng cũng gói thêm cho ta một bịch gỏi chua với vài thứ rau thơm của núi đủ cho chúng ta qua một đêm xuân rộn rã núi Bà. Hèn nào, nhiều du khách vào cổng hội xuân, tay xách bịch gà, vai vác thùng bia...
Chẳng muốn mà vẫn phải bồi hồi nhớ một thời còn lam lũ mà Tây Ninh đã có hội xuân. Làm gì đã có xe bus, cũng rất ít xe hơi nhưng con đường xuân hội vẫn náo nức bởi những chiếc xe lôi. Có người đã ghi lại bằng mấy câu thơ. Rằng: “Mùa xuân đã về cùng những chiếc xe lôi/ Hăm hở chạy đưa ta về hội núi/ Xe xóc kinh người, em ngã dúi vào tôi...”.
Xe lôi giờ đã gần như “tuyệt chủng” rồi, nên phải tả cho bạn trẻ biết. Rằng đấy là một chiếc honda 67, cải tiến móc vào một cái thùng (rơ-moóc) chạy trên hai bánh. Ngày đông người vào hội, mỗi xe chở tới hai mươi người đứng ngồi xúm xít. Gặp lúc xe lạng lách hay tránh nhau, cái thùng xe bồng bềnh chao đảo như thuyền nan trên sóng. Vậy mà vui đến nhớ đời...
Nhưng những xe sau đã thúc đít xe ta rồi. Buộc phải trở lại với dòng xe máy, xe hơi vun vút của hội xuân Mậu Tuất - 2018. Tới cổng khu du lịch, đã thấy dòng bộ hành tràn ngập. Con chó biểu tượng xuân nay nghênh ngang đứng vẫy tay chào. Qua cổng, đã thấy hai dòng người, vào thì chật ních, ra thì thong dong.
Trên sân khấu của lễ khai mạc hội xuân, các ca sĩ hát tưng bừng. Còn chưa tới giờ nhưng du khách đã “chiếm lĩnh” hầu hết mặt sân, bãi cỏ đứng ngồi la liệt. Mà chẳng cứ gì sân lễ, các diện tích bao quanh hồ nước, hay dưới tán rừng dương thưa thoáng hôm nào nay đã không còn chỗ trống.
Nơi duy nhất quạnh vắng, có lẽ chỉ còn ở mặt nước hồ gần bên sân lễ mà thôi. Dù đã có thêm bốn đoá sen hồng cực lớn thả trôi, cùng với nước phun lên giữa khung cảnh trời mây bát ngát. Cái hồ này chắc chỉ đợi phút bắn pháo hoa, để thu gọn vào lòng một ký ức hoa đăng rực sáng.
Trong lúc ấy, hồ nước giữa rừng dương lại vang rộn tiếng cười, bởi các nhóm bơi thuyền đang đua tranh bơi lao xao mặt nước. Những tia nắng cuối cùng đang làm đỏ rực lá cờ đại bay trên động núi Kim Quang, hắt xuống mặt hồ những quầng sáng hoàng hôn thảng thốt. Rừng dương đen thẫm nhưng vẫn nổi bật lên những thân cây màu trắng như bạch dương như tranh Lê-vi-tan vẽ rừng cây nước Nga.
Dễ khiến người ta nghĩ đến những điều mộng mị và hoang tưởng. Thực cũng là đây và mộng cũng là đây. Thực là có người đang vừa nhỏn nhoẻn ăn, vừa đưa máy selfie. Mộng ở xa kia, dưới rừng cây nhô nhấp bóng người và luênh loang những quầng sáng, giữa thuyền trôi lờ lững...
“Chưa có năm nào lại đông đúc sớm thế này!”. Đấy là lời của một chị bán hàng ở chợ Long Hoa vừa lên tới trước chùa Trung. Thì bãi cỏ thênh thang của công viên mười hai con giáp trước chùa đã đông chật người ngồi. Sân chùa Trung cũng ngập người. Người tràn lên cả sân bệ tượng đức Phật đản sinh dưới bóng cây Sala vàng rực lá. Một bé gái hồn nhiên bước lên bông sen đá, ôm lấy tượng em bé bụ bẫm đang bước đi trên những đài sen.
Mái chùa Trung óng đỏ, ngày xuân có thêm nhiều cánh chim câu quần tụ, chấp chới bay và đậu xuống mái chùa. Đông thế mà vẫn có một đại gia đình giành được một khoảng gạch lát sau chùa làm nơi dùng bữa. Cơm chay ba bốn món, chén đĩa, đũa mâm sạch sẽ. Hỏi mới biết đấy là cơm chùa Trung miễn phí cho khách hành hương. Gia đình này vừa đến từ Đồng Nai.
Thế còn nhóm bạn trẻ cứ ríu rít mời tôi một lon bia với cái đùi gà nướng trên công viên Trầu Cau, lại từ Trà Vinh lên từ tối mùng Ba tết. Trên công viên này cũng đã không còn chỗ trống, người phải tràn sang cả tháp Vãng Sanh. Bên kia đường, khu tượng đài “Người giữ núi” cũng chật người. Hơi thông thoáng chỉ có nhà bảo tàng núi Bà Đen, nơi đang triển lãm ảnh đẹp Tây Ninh luôn có người coi giữ và nhắc nhở.
Tiện thể đi một đoạn con đường bộ lên núi. Thấy cho dù cả hai hệ thống cáp treo và máng trượt công nghệ mới liên tục chạy, đường bộ vẫn chen chúc dòng người đi xuống, đi lên. Đây mới thật sự là dòng hội xuân của núi Bà Đen. Ai muốn có cảm giác: “Tôi đi giữa muôn mặt người/ Cái mắt lúng liếng, cái cười ngả nghiêng” thì cứ phải tới đây mà cuốc bộ. Chầm chậm bước trên từng phiến đá. Rồi chen vai, thích cánh, thở không ra hơi mà vẫn thấy bên mình nồng nhiệt những niềm vui.
Giữa dòng hội xuân trước chùa Trung, một bên là khu hội chợ vui chơi có thưởng âm thanh ì đùng. Bên kia, những quán hàng đặc sản còn thưa thớt người xem và mua, bán. Cần ngợi khen Ban Quản lý là hội năm nay sắp đặt quán hàng ngay ngắn, thứ tự lớp lang, thật tiện cho người mua, kẻ bán.
Thế nhưng đi tìm vài gian hàng nghệ thuật ngẫu hứng năm xưa có màu sắc hội hè truyền thống thì đã không còn. Đấy là mấy túp che tạm của vài ông đồ trẻ ngồi viết thư pháp, tranh chữ ngay bên bậc đá trước Bảo tàng. Cái hòm gỗ của anh thợ nặn tò he cũng đã biệt tăm. Chuyện mới năm kia năm ngoái thôi, mà đến nay đã thành “muôn năm cũ” rồi sao?
Hồ nước giữa rừng dương.
Vậy nhưng vẫn có những thứ “muôn năm cũ” mà không bao giờ cũ. Như việc lên chùa cúng Phật đầu năm. Các ngôi chùa đều ngào ngạt khói hương. Những gương mặt cúi đăm đăm thành kính. Người ta cầu mong cho năm mới bình an, hay phúc lộc, hoặc danh vọng, tiền tài? Các bàn ghi sổ cầu an xúm xít những vòng người.
Trước điện thờ Bà cũng nhiều vòng người vây tròn xin xăm, gieo quẻ... Còn các bác cựu chiến binh ơi! Nếu bác nào muốn ngắm lại cảnh những bãi khách Trường Sơn hồi kháng chiến thì cứ theo dòng xuân hội này mà vào chân động núi Kim Quang. Nơi đây cũng la liệt võng giăng mắc chung chiêng bên gộp đá, dưới tán rừng.
Phải trở lại sân lễ hội thôi! Bởi tiếng trống khai hội đã náo nức tưng bừng. Các tốp lân, sư, rồng đã tung mình dũng mãnh giữa lung linh đèn nến. Văn nghệ đã vang lừng. Dễ thương nhất là tốp hát múa nhịp vui tráng bánh do các em thiếu nhi quê ta tự diễn. Và kia những phát pháo hoa đầu tiên đã xoè sáng phía trên những gương mặt người hớn hở xinh tươi.
Rồi cả rừng hoa pháo muôn màu soi gương mặt núi Bà Đen rạng rỡ. Cái hồ sen bên sân lễ lúc này như một tấm gương lớn phản chiếu mọi cảnh quan lộng lẫy bừng nở giữa trời. Xem rồi nhanh nhanh phải về trước thôi. Kẻo như 3 năm qua, lại có nạn tắc đường. Bởi dòng người vào hội núi mỗi lúc một thêm đông.
Dù gió đông đã hun hút thổi về, se lạnh. Theo ngả đường Điện Biên Phủ trở về, con đường này vẫn thênh thang chan hoà ánh điện. Và phảng phất thơm mùi gà nướng Tây Ninh.
Ghi chép của Nguyễn Quốc Việt