Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các chuyên gia dựa vào bệnh án của binh sĩ Triều Tiên đào tẩu nhận định nạn giun sán ký sinh có thể đang hoành hành ở Triều Tiên.
Bác sĩ Lee Cook-Jong thông báo về tình hình nhiễm giun sán ký sinh của binh sĩ Triều Tiên đào tẩu. Ảnh: CNN.
Việc binh sĩ Triều Tiên đào tẩu nhiễm giun sán ký sinh và viêm gan B phản ánh tình hình sức khỏe không được bảo đảm của người dân nước này, CNN dẫn đánh giá hôm qua của các chuyên gia.
Binh sĩ Triều Tiên họ Oh hôm 13/11 bị trúng 5 viên đạn trong 40 phát bắn từ súng lục và súng Ak-47 của đồng đội khi liều mình băng qua khu phi quân sự để đào tẩu sang Hàn Quốc. Các bác sĩ Hàn Quốc sau đó phải phẫu thuật cấp cứu để bảo toàn tính mạng của Oh do vết thương khiến anh mất nhiều máu.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ phát hiện Oh nhiễm một lượng lớn giun sán ký sinh trong ruột non, trong đó có những con giun dài 27 cm. Bác sĩ Lee Cook-Jong phụ trách điều trị hôm 22/11 cho biết binh sĩ này còn nhiễm viêm gan B, căn bệnh dễ dẫn tới ung thư gan.
Theo David Heymann, giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Dịch tễ London, Anh, một người nhiễm viêm gan B có thể phản ánh khả năng tiệt trùng yếu kém tại bệnh viện của một quốc gia.
"Viêm gan B lây nhiễm chủ yếu qua kim tiêm không được tiệt trùng hoặc qua đường tình dục", giáo sư Heymann nói.
Oh không phải người Triều Tiên đào tẩu đầu tiên được phát hiện nhiễm giun sán nặng hay mắc viêm gan B. Đại học Y, Đại học Dankook, Hàn Quốc trong nghiên cứu năm 2015 trên 169 người Triều Tiên đào tẩu nhận thấy trong 17 phụ nữ có 7 người nhiễm giun sán. Tỷ lệ nhiễm viêm gan B là một trong 10 người.
Chuyên gia về ký sinh trùng Choi Min-ho, giáo sư tại Đại học Y, Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng ít nhất một nửa dân số Triều Tiên nhiễm giun sán.
"Với những người có thể ăn ngon và giàu có, việc nhiễm giun sán có thể không phải là vấn đề lớn. Nhưng với những người suy dinh dưỡng, nhiễm giun sán có thể là vấn đề nghiêm trọng hơn vì những loại động vật ký sinh này hút nhiều dưỡng chất thiết yếu", giáo sư Choi nói.
Theo giáo sư, việc sử dụng chất thải của con người làm phân bón cho cây trồng và điều kiện vệ sinh không bảo đảm như không rửa tay sau khi đi vệ sinh là nguyên nhân phát tán ký sinh trùng gây bệnh ở Triều Tiên.
Diệt giun sán dễ thực hiện bằng thuốc song ông Choi cho biết việc này khó thực hiện ở Triều Tiên. "Đây là một vòng tròn luẩn quẩn và khó ngăn chặn ở Triều Tiên. Người dân chật vật đáp ứng nhu cầu cuộc sống và không thể có các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu", ông nói.
Tình hình sức khỏe của binh sĩ Triều Tiên đào tẩu đang tiến triển tốt. Bác sĩ Lee cho biết tất cả giun sán ký sinh đã bị loại bỏ. Sau khi hồi phục, Oh đã yêu cầu được nghe K-pop.
Nguồn VNE