Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giúp người không chờ giàu có
Thứ bảy: 13:38 ngày 18/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chị Châu Thị Huệ, ngụ ấp Trường Đức, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành tham gia công tác xã hội hơn chục năm qua.

Chị Huệ cắt cành nhãn sau khi thu hoạch.

Chị kể, trước kia hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhà lợp mái lá, vách dựng bằng mớ trúc ngọn đập giập đan lại để mưa bớt tạt. Muốn thoát nghèo, vợ chồng chị quanh năm chỉ biết cặm cụi hết làm xong mấy công lúa ở nhà, lại đi làm thuê, làm mướn.

Chị chi tiêu rất dè sẻn, tiết kiệm từng đồng tiền kiếm được. Khi có được khoản dành dụm, chị tìm mua những miếng đất nhỏ, giá rẻ để lập vườn. Bây giờ, chị có hơn hai mẫu đất nhưng lại nằm rải rác nhiều nơi. Chỗ này vài trăm gốc nhãn, chỗ kia vài công chôm chôm.

So với người khác, gia đình chị chưa hẳn là khá, nhưng anh chị tự thấy hài lòng. “Anh chị giờ đã có chút đất để có thể tự mình làm chủ, hai con đều vào đại học, cuộc sống hiện tại là quá đủ. Người ta nghèo khó phải đi làm để có cơm hằng ngày, mình giờ vầy là đầy đủ lắm rồi, chết cũng có mang được gì theo đâu, nghĩ vậy mà chị không tham công tiếc việc như trước nữa. Hồi trước rảnh, chị đi làm mướn thêm, nhưng bây giờ rảnh ra là đi giúp người khác” - chị Huệ tâm sự.

Chị Huệ đan bồ để làm nhà cho người nghèo.

Khi kinh tế gia đình ổn định, chị dành thời gian phụ việc ở một phòng thuốc Nam. Ngoài những đợt đi tìm thuốc cùng mọi người, chị còn trồng quanh vườn nhà nào đinh lăng, lá lốt. Mớ cỏ dại như cỏ xước, dền gai mọc chị cũng để chúng lên, khi cần thì cắt, phơi mang đến cho phòng thuốc. Khi phòng thuốc có nhiều người đến giúp, chị chuyển sang phục vụ tại quán cơm 3.000 đồng (gần Trung tâm Y tế huyện Hoà Thành).

Do quán cơm chủ yếu phục vụ người nghèo, nên người tham gia phục vụ cũng là cách làm từ thiện. Thấy quán nấu cơm bằng củi, chị cũng đi kiếm củi phụ. Lúc thì chị dọn mớ cành nhãn trong vườn mang lên, khi thì xin nhánh, gốc cây của bà con trong xóm rồi kéo lên cho quán.

Mấy năm gần đây, chị Huệ theo một đội tán trợ để cất nhà từ thiện cho người khó khăn. Nhà được cất là mái tôn, vách làm 2 lớp: lớp bồ ở trong, bên ngoài là lớp bạt nhựa. Chị Huệ cho biết, vách bồ cần dùng nhiều nhưng mua không hề rẻ, nên chị nảy ra ý định… tự đan.

Chị Huệ nhẩm tính: “Bồ đan chủ yếu là cực công thôi, chứ vốn không nhiều. Một bó ruột trúc khoảng năm, sáu ngàn, đan được cũng vài mét bồ”.

Nghĩ là làm, vốn có nghề đan lát trước đây, chị Huệ mua ruột trúc về chẻ rồi đan bồ. Thấy chị làm việc nghĩa, mấy người cháu của chị làm nghề đan vỉ bánh tráng, chủ yếu chỉ dùng cật trúc, còn phần ruột để dành cho chị đan bồ.

Chị Huệ cho biết: “Cứ rảnh lúc nào tôi đan lúc đó. Thời gian không chăm sóc vườn nhãn, tôi đan suốt, cứ vài ba bữa được một cuộn 20-30m thì chở lên nhà chú trưởng ban để sẵn. Rồi tôi cũng nói mấy người bán bồ mình quen, để giá mềm một chút để đội tán trợ mua đi cất nhà cho người nghèo. Thay vì một chục mét 120 ngàn đồng, người ta lấy rẻ cho mình 100 ngàn thôi. Mua ít không thấy gì, nhưng mua vài trăm mét là có dư được vài trăm ngàn rồi”.

Hay có khi rảnh rang, chị Huệ còn theo anh chị em trong xóm đi đổ bê tông ở các chùa trong tỉnh. Chị cười nói: “Bây giờ tôi chủ yếu đi phụ công thôi, chứ giúp của chưa được nhiều. Tôi chỉ mong tụi nhỏ ra trường, có công việc ổn định, tôi sẽ mạnh dạn góp công, góp của để làm việc thiện nhiều hơn nữa”.   

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục