Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhận thấy nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện mua thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh lúc ốm đau, Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay, góp phần đưa bảo hiểm y tế đến với phụ nữ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo có cơ hội được chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận với những dịch vụ y tế, vơi bớt một phần gánh nặng về chi phí.
Chương trình tặng thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Bình Minh.
Tại xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, mô hình “Biến rác thải thành bảo hiểm y tế” được triển khai thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và xã hội hoá. Hội Phụ nữ xã vận động gia đình hội viên thu gom, phân loại rác thải, tạo nguồn thu để mua BHYT tặng cho phụ nữ nghèo. Trong năm 2022, 6/6 chi hội với gần 200 thành viên đã thu gom và bán phế liệu được hơn 3,2 triệu đồng, dùng số tiền này để mua thẻ BHYT tặng các trường hợp khó khăn.
Bà Trần Thị Điểm (63 tuổi) ngụ ấp Bàu Lùn, xã Bình Minh cầm thẻ BHYT của Hội LHPN xã trao tặng xúc động nói: “Tôi bị bệnh nhiều năm nay, hoàn cảnh khó khăn, chồng đi bán vé số, tôi không thể làm việc nặng nên gia đình không có thu nhập, nên tôi rất đắn đo trong việc mua BHYT. May mắn được Hội Phụ nữ xã tặng thẻ BHYT tôi rất vui, có thêm động lực để vượt qua nghịch cảnh”.
Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Minh Nguyễn Thị Bích Phượng cho biết: “Hoạt động của mô hình được Đảng uỷ, chính quyền và người dân địa phương đồng tình ủng hộ. Mô hình không chỉ lan toả tinh thần “Lá lành đùm lá rách” mà còn nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo của các cấp Hội Phụ nữ cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động chị em tham gia BHYT bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực.
Qua đó giúp cho người dân từng bước thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, hình thành ý thức phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phế liệu gây ra, thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị”.
Mô hình Tiết kiệm giúp nhau mua bảo hiểm y tế.
Tại phường IV, thành phố Tây Ninh, Hội LHPN phường có sáng kiến triển khai mô hình mua BHYT trả góp, đem lại hiệu ứng khá tốt. Bằng hình thức vận động mạnh thường quân mua BHYT cho hội viên phụ nữ khó khăn, sau khi nhận được thẻ chị em sẽ trả góp hằng tháng (100.000 đồng/tháng) không tính lãi. Với cách làm này, Hội đã hỗ trợ định kỳ hằng tháng cho 2 hội viên.
Hội LHPN thị xã Hoà Thành có mô hình “Góp vốn xoay vòng không tính lãi mua BHYT” tại xã Trường Hoà với 60 thành viên tham gia. Mỗi tháng thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu, các thành viên góp vốn xoay vòng không tính lãi 100.000 đồng để mua thẻ BHYT hỗ trợ chị em.
Cách làm này giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn không bị mặc cảm, hoàn toàn yên tâm tham gia đóng góp để có thẻ BHYT sử dụng. Trong năm 2022 đã mua được 100 thẻ BHYT cho hội viên nghèo; riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã mua được 50 thẻ cho hội viên khó khăn. Đến nay toàn huyện có 37 tổ phụ nữ góp vốn xoay vòng mua BHYT với 529 thành viên, mỗi tổ trung bình 30 thành viên, qua đó giúp 932 chị mua thẻ BHYT.
Bà Lê Thị Thuý Quyên (sinh năm 1972) ngụ xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành đã tham gia mô hình được 7 năm. Hơn 20 năm làm mẹ đơn thân, thu nhập bấp bênh nên việc mua BHYT cho bản thân là một vấn đề rất khó khăn với bà Quyên. Năm 2017, bà được Hội LHPN xã tư vấn về lợi ích của việc tham gia BHYT nên quyết định đăng ký tham gia.
Tại Hội LHPN xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành cũng đang thực hiện mô hình “Giúp nhau mua BHYT” với 20 thành viên tham gia, mỗi chị đóng góp 50.000 đồng/tháng. Chị Võ Thị Ngọc Diệu- Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Đông cho biết, để tiện cho việc theo dõi hoạt động, chị em thống nhất cử một người có uy tín quản lý chung. Hằng tháng, chi hội tổ chức họp xét ưu tiên cho các thành viên sắp hết hạn thẻ BHYT, tiếp đến là những chị em có nhu cầu tham gia BHYT. Cứ thế luân phiên, trung bình mỗi tháng mua được 2 thẻ BHYT cho các chị em.
Hội LHPN xã Trường Hoà tư vấn, hướng dẫn hội viên sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.
Nhiều trường hợp phụ nữ nghèo không may bị bệnh, gặp tai nạn đã trở thành gánh nặng của gia đình bởi chi phí chữa trị quá cao mà không có BHYT, nhất là những lao động có thu nhập ở mức trung bình hoặc thấp. Do đó, việc chung tay của các cấp hội phụ nữ trong việc đưa thẻ BHYT đến gần hơn với phụ nữ nghèo đã từng bước thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Phương Thảo - Hà Quang