Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong những năm gần đây, mô hình nuôi ba ba thương phẩm tại xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu đã trở thành một mô hình kinh tế tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Điển hình, hộ ông Tạ Văn Bưới (sinh năm 1960, ngụ ấp Xóm Mía) đã thành công trong việc triển khai mô hình này với quy mô nuôi lên tới 3.000 con ba ba thương phẩm.

Ông Bưới áp dụng hình thức nuôi luân phiên, với hai lứa nuôi mỗi năm, giúp sản phẩm ba ba thương phẩm luôn đạt chất lượng ổn định. Sau thời gian nuôi khoảng 1 năm, ba ba thương phẩm có thể xuất bán ra thị trường với giá dao động từ 190.000 đồng/kg (loại 4) đến 300.000 đồng/kg (loại 1), tuỳ thuộc vào chất lượng từng sản phẩm.
Với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 175 triệu đồng để xây dựng 5 hồ nuôi, mô hình của ông Bưới đã cho thấy sự hiệu quả rõ rệt. Sau 18 tháng triển khai, tổng doanh thu từ việc xuất bán ba ba đạt khoảng 250 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí như con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh, mô hình vẫn đạt được hiệu quả kinh tế khá cao, với lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng.
Ông Bưới không chỉ tập trung phát triển riêng mô hình của gia đình mình, mà còn tích cực tuyên truyền, vận động các hội viên nông dân tham gia vào Tổ hội nghề nghiệp nuôi ba ba trên địa bàn, nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy sự phát triển mô hình nuôi ba ba ở địa phương.

Bà Lê Thị Bích Thuỷ, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Mô hình nuôi ba ba trên địa bàn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình, mà còn mở ra cơ hội cho việc phát triển nghề nuôi ba ba ở quy mô lớn.
Dự kiến trong thời gian tới, mô hình sẽ được mở rộng thêm số lượng hồ nuôi, đồng thời phát triển thành một chuỗi liên kết sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hướng phát triển bền vững này không chỉ giúp các hộ nuôi tăng trưởng sản xuất, mà còn bảo đảm về bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân, góp phần ổn định thu nhập và phát triển kinh tế địa phương.”
Nguyễn Trọng