Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hôm 15.6, tại UBND xã Phước Đông, UBND huyện Gò Dầu tổ chức lễ phát động hưởng ứng chiến dịch “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” lần thứ 9.20219.
Đây là địa phương được tỉnh chọn làm điểm phát động, nhằm nâng cao ý thức phòng chống sốt xuất huyết trong cộng đồng, từ đó làm giảm bớt sự lan truyền bệnh, hạn chế không để dịch xảy ra tại địa phương.
Bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu phát biểu tại lễ phát động.
Đến dự lễ phát động có bác sĩ Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh; bà Trương Thị Phú- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu cùng lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện, UBND các xã/thị trấn và nhân dân, học sinh trên địa bàn xã Phước Đông.
Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là một trong những bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 96 triệu người mắc bệnh, với 500.000 trường hợp SXHD nặng cần nhập viện và khoảng 12.500 trường hợp tử vong. Bệnh SXHD ở các nước trong khu vực Đông Nam Á có xu hướng gia tăng qua các năm với dịch lớn đã từng xảy ra ở Campuchia, Philippines, Lào, Malaysia và Singapore.
Để kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN cùng chung tay phòng chống SXH cũng như học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN không có SXH, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 được tổ chức tại Singapore vào tháng 7.2010, WHO, Tổ chức ASEAN và đại biểu 10 nước thành viên đã thông qua quyết định quan trọng, thống nhất chọn ngày 15.6 hằng năm là “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết”.
Nhấn mạnh đến các thông điệp của “Ngày ASEAN phòng chống SXH” năm 2019 là “Bệnh SXH là mối quan tâm của mọi người”, “Bệnh SXH là nguyên nhân gây nên gánh nặng kinh tế, xã hội”, “Bệnh SXH hoàn toàn có thể phòng ngừa được”, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu Trương Thị Phú kêu gọi lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như các tầng lớp nhân dân trong huyện chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống SXH tại nơi ở, nơi làm việc của mình; dọn vệ sinh nhà ở và vệ sinh môi trường xung quanh, tìm và diệt các ổ lăng quăng để ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh SXH; UBND và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các xã, thị trấn phát huy vai trò kiểm tra, giám sát, chỉ đạo hoạt động phòng chống SXH tại địa phương… góp phần chủ động kiểm soát bệnh SXH trên địa bàn huyện.
Lãnh đạo Sở Y tế, UBND huyện Gò Dầu và cán bộ y tế địa phương khảo sát khu vực nhà dân ở xã Phước Đông.
5 tháng đầu năm 2019, Tây Ninh ghi nhận 1.003 trường hợp mắc SXH, không có trường hợp tử vong do SXH. Tại Gò Dầu, 5 tháng qua có 158 trường hợp mắc SXH, so cùng kỳ năm 2018 tăng 112 trường hợp. Đây là một trong những địa phương có số người mắc bệnh SXH cao trong tỉnh.
Hiện đang vào mùa mưa, côn trùng có điều kiện phát triển mạnh, khả năng bùng phát dịch là rất lớn. Đây là vấn đề của cộng đồng, do đó người dân cần tích cực tham gia phòng chống SXH bằng những hành động đơn giản nhưng thiết thực, như diệt muỗi bằng các biện pháp thả cá vào dụng cụ chứa nước; Bỏ muối hoặc dầu cặn vào các chân chén chống kiến kê dưới các bàn, tủ đựng thức ăn để muỗi không có nơi đẻ trứng; thường xuyên kiểm tra, loại bỏ các vật chứa nước đọng, thu dọn các vật phế thải chung quanh nhà và chủ động phòng chống muỗi đốt…
Sau lễ phát động, lãnh đạo Sở Y tế, UBND huyện Gò Dầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh cùng cán bộ y tế địa phương khảo sát các khu vực trọng điểm tại xã Phước Đông, nhằm hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng chống SXH.
Bảo Thạch