Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Về Tây Ninh
Gốm Việt- Trảng Bàng
Chủ nhật: 14:27 ngày 13/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thuận Phạm Văn Ram đưa tôi đến xưởng gốm, như muốn khoe một đặc sản quê hương. Vừa vào, tôi lập tức đã bị mê hoặc, để miên man cùng gốm. Mà lại là gốm sinh ra ở Tây Ninh, ngay trên thềm xưa cổ tích Trảng Bàng.

Ấn tượng thứ nhất là về độ lớn. Vâng! Bí thư đang khoác vai đi cùng anh chủ lò Võ Văn Việt. Qua một nhà xưởng xếp đầy các loại chum vại, lộc bình to quá cỡ. Đôi lộc bình cao ngang đầu người còn ửng đỏ màu son của đất sét chưa nung. To, mà đủ dạng hình mới lạ.

Nhà ở của chủ xưởng.

Tôi từng thấy những kiểu dáng này đâu đó, đặt trong tủ kính của các thương hiệu nổi tiếng như Bát Tràng hay Minh Long. Nhưng ở đây, nó to gấp mấy chục lần. Và nhân tiện cũng tìm ra một trong những bí quyết của chủ nhân. Đấy là mỗi sản phẩm lớn đều được tạo ra từ khuôn đúc. Khuôn lớn khuyềnh khoàng.

Người thợ phải đi vòng quanh trét từng nắm đất dẻo vào trong. Chợt nhớ, vài lần đi cà phê ở các quán mang tên “Sinh thái”. Thì những nơi ấy bao giờ cũng có các bình, lọ gốm có kích thước lớn để cho nước trong veo giàn giụa chảy trào ra. Kể cả vườn kiểng các đại gia cũng có. Vậy có phải chính nơi này là nơi các đồ gốm điểm trang bậc nhất của sân vườn ấy đã sinh ra?

Ấn tượng thứ hai là vô cùng phong phú về kiểu dáng…Là không chỉ có những kích cỡ vào hàng “đại tướng”. Qua một gian đã xếp đầy thành phẩm, mới thấy gốm Việt-Hưng Thuận cũng đầy đủ các loại dáng hình, và…kích cỡ.

Gốm chưa nung.

Từ các lọ, bình nhỏ xíu, có thể đặt nâng niu trên một bàn tay, đến những loại cho ta ôm choàng lấy vừa vặn một vòng tay. Gì chứ với gốm, ta cũng có thể ôm như ôm một người thân lâu ngày mới gặp. Bởi gốm đã quá quen với cuộc sống người Việt. Từ xa xưa, với những Sa Huỳnh, Đồng Nai hay Chu Đậu, Phù Lãng, Bát Tràng…

Tôi từng nghe bên bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ có chiếc bình Chu Đậu (Hải Dương) có giá trị hàng triệu USD. Dường như những hào quang của nền Văn minh gốm sứ Việt đã mất từ lâu, hay chìm sâu dưới biển, trong những con tàu đắm. Vậy mà hôm nay, tôi lại thấy nó hiển hiện nơi đây trong hàng trăm sản phẩm gốm y như là cổ.

Có cái giống y như mới vớt lên từ lòng biển, còn loang lổ những vệt vôi do hàu bám, hà ăn. Thảo nào chủ nhà, chẳng biết thật hay đùa bảo rằng- Đấy là thứ men Át-lan-tic, một nền văn minh đã biến mất từ lâu trên trái đất.

Tạo hình đồ gốm.

Tôi ngắm các màu men. Đủ các màu men xanh, men vàng, da chu, da lươn, ửng hồng hoặc trầm nâu như…đất. Ngay cả những sản phẩm bị lỗi cũng làm tôi mê hoặc. Như cái lu cong queo do bị nung hỏng kia cũng có thể là một món trang trí trong vườn đặc sắc. Ta có thể cho vào chút đất mùn, gieo một vài hạt. Để cho những mầm xanh sự sống bò lên.

Ấn tượng cuối cùng là: Gốm Việt! Gốm từ đất và lửa sinh ra. Mà đất lại là nơi ẩn tàng những hồn thiêng sông núi. Tình cờ thú vị sao, khi Họa sĩ chủ lò tên là Việt. Học theo cách gọi tên của mấy làng nghề phía Bắc, tên sản phẩm cũng chính là tên người tạo ra chúng. Như Phù Lãng có gốm Nhung, Bát Tràng có gốm Độ, tôi cũng gọi đây là gốm Việt.

Anh Việt còn có những món gốm riêng, như chỉ để cho mình. Như pho đầu tượng đức Phật Thích Ca nhìn xuống trầm tư bên lu nước. Như đôi voi, thoạt nhìn tưởng là voi đá đặt trong các lăng vua triều Nguyễn. Thì nay cũng có một đôi ở ngay trước không gian chủ nhà tiếp khách.

Kho xưởng với nhiều chủng loại, kích cỡ.

Nhưng đặc biệt nhất là đôi sư tử gốc Việt, được nhà nghiên cứu Mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế gọi là Nghê. Vâng, Nghê dù vẫn có vóc dáng hiên ngang, với đôi tai nhọn hoắt nhưng vẻ mặt lại hiền từ; không phải là kiểu sư tử nhe nanh múa vuốt rất dữ dằn mà ngày nay ta thường gặp ở các đình, chùa, miếu hoặc nhà các đại gia. Gốc gác của chúng thường là từ phương Tây hay Trung Quốc.

Vậy mà nay Nghê Việt đã được tái sinh trong một lò gốm Việt ở Trảng Bàng. Và nếu chú ý quan sát, có thể nhận ra mọi món đồ gốm ở xưởng Hưng Thuận đều có tâm hồn Việt. Mà nét đặc trưng ẩn giấu sau những dáng hình, đường nét với màu men.

Chợt nhớ ra, miền đất này là Hưng Thuận, nằm giữa vùng Tam giác sắt ác liệt nhất của thời chiến tranh chống Mỹ. Vạn vật tưởng như đã nát vụn dưới đạn bom. Tất cả đã hồi sinh. Có lẽ không phải là ngẫu nhiên, khi gốm Việt cũng chọn nơi này để được tái sinh.

NGUYỄN QUỐC VIỆT

Tin cùng chuyên mục