Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nâng cao cảnh giác, chống tin giả:
Góp phần làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch
Thứ sáu: 00:10 ngày 03/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đối với tin giả hiện nay, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác tránh "sập bẫy" các phần tử cơ hội là cách hữu hiệu đánh bại âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch chống phá nước ta hiện nay.

Phóng viên đưa tin hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ (ảnh minh hoạ).

Cách nay chỉ vài ngày, chương trình thời sự lúc 19 giờ trên VTV1 phát một phóng sự, thời lượng gần 10 phút nói về tin giả. Trong phóng sự, phóng viên của VTV dẫn một số trường hợp điển hình trong việc đưa tin giả.

Trong đó, chủ một trang facebook đang ở nước ngoài đã tung thông tin về một vị lãnh đạo bị nghi có mối quan hệ không lành mạnh. Kèm theo dòng thông tin là hình ảnh một người nam và một người nữ có những cử chỉ thân mật. Kiểm chứng thông tin cho thấy, hình ảnh người này sử dụng để đưa lên trang cá nhân được cắt ra từ một bộ phim của nước ngoài.

Trường hợp thứ hai, VTV dẫn lại câu chuyện liên quan đến một lãnh đạo của lực lượng vũ trang hồi năm 2015. Tại thời điểm đó, một chủ trang facebook đưa tin rằng, người này đã bị bắn chết tại châu Âu bằng loại súng giảm thanh.

Sau khi người này đưa tin, một hãng tin của nước ngoài cũng cập nhật và xác nhận thông tin trên trang cá nhân kia là đúng. Sự thực không hề có chuyện như thế, vì sau tin đồn “đã chết”, vị tướng xuất hiện hoàn toàn khoẻ mạnh trong một hội nghị.

Tiếp theo, VTV dẫn chứng, mới đây, trong một lá đơn kiến nghị gửi lãnh đạo cao cấp có chữ ký của nhiều vị tướng lĩnh… Sau khi dẫn chứng, phân tích, trước khi kết thúc phóng sự, VTV bình luận, nhiều người, vì động cơ khác nhau đã cố tình, tung tin giả.

Vì sao tin giả “sống tốt”?

Trở lại câu chuyện, những người quan tâm đến thời cuộc không lạ gì hai chủ trang facebook được VTV dẫn ra trong phóng sự, dù nhà đài không nêu danh tính. Trường hợp thứ nhất, chỉ vài giờ sau khi tung tin bịa đặt về đời sống riêng tư của vị lãnh đạo, trang facebook đã có hàng ngàn lượt like, chia sẻ và hàng trăm bình luận.

Tại thời điểm người này đưa tin (cách nay chừng một tuần lễ), facebook có hơn 199 ngàn người theo dõi. Hiện nay, số người theo dõi đã vượt con số 200 ngàn. Riêng trang cá nhân của người đưa tin bịa đặt một lãnh đạo trong lực lượng vũ trang bị bắn chết khi đi công tác nước ngoài, hiện nay không còn thấy xuất hiện trên mạng.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao những người đưa nhiều tin giả, tin bịa đặt, tin không thể kiểm chứng hoặc tin chỉ có một nửa sự thật lại có hàng trăm ngàn người theo dõi, cổ vũ? Trong khi, những nhà sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng sớm muộn cũng phá sản, vì khách hàng, cùng lắm chỉ bị lừa một vài lần? Đầu tiên, phải thắng thắn thừa nhận, trong số những người cố ý đưa tin giả, có không ít người rất giỏi làm truyền thông, kỹ năng viết lách tuy chưa hoàn mỹ nhưng nắm bắt rất giỏi  tâm lý người đọc.

Xem thường, đánh giá thấp những kẻ thường xuyên đưa tin giả là sai lầm đầu tiên của những người đưa tin thật. Thực tế, trên trang cá nhân của những người chuyên đưa tin giả, thỉnh thoảng có những thông tin thật hoặc họ dẫn đường dẫn liên kết của báo chí chính thống. Nói cách khác, chiến thuật đưa thông tin theo kiểu “vàng thau lẫn lộn” đã thu hút sự chú ý đặc biệt của những người hiếu kỳ, tò mò - một đặc tính của văn hoá làng xã.

Không phải tự nhiên những trang cá nhân (của người Việt, viết bằng tiếng Việt) thường xuyên đưa tin giả lại “thành công” về số lượng người theo dõi, người đọc. Hơn ai hết, những người này “hiểu tâm lý dân mình”, như đi guốc trong bụng.

Hiểu điều gì? Họ biết, một số người Việt Nam có đặc điểm chung là tư duy hình tượng lấn át tư duy logic. Đặc điểm này khiến một bộ phận người dân trở thành độc giả trung thành của người đưa tin giả.

Một điều không ít người đặc biệt tin tưởng báo chí. Không có gì lạ khi một sự kiện nào đó, dù chưa rõ thực hư nhưng dân tình đã bàn tán kiểu, “không có chuyện đó sao báo lại đăng”.

Có người, thậm chí còn chưa phân biệt được đâu là mạng xã hội, đâu là báo chí chính thống, hễ thấy tin tức xuất hiện là phán ngay: “báo đăng”. Ở phương Tây, người dân chỉ xem tin tức trên báo chí, mạng xã hội như một thông tin có tính chất tham khảo, trong khi ở ta, người dân lại có suy nghĩ, báo chí là cơ sở để có thể tin. Còn đối tượng cơ hội quá hiểu điều này, đã tận dụng, khai thác triệt để đặc tính của người đọc tin tức nên họ tung tin giả.

Nhìn nhận tin giả như thế nào?

Không phải đợi đến kỷ nguyên xa lộ thông tin tin giả mới xuất hiện. Tin giả, tin bịa đặt, tin đánh lừa người khác có thể đã xuất hiện từ khi người tinh khôn thoát khỏi hình hài của loài vượn (theo thuyết tiến hoá, loài người có nguồn gốc từ vượn).

Càng tiến hoá, trình độ sáng tạo tin giả, tin bịa đặt của loài người càng được “nâng lên một bước”. Trong văn học dân gian có chuyện trạng (chuyện trạng không phải là một thể loại văn học, nó chỉ thuộc dòng văn học dân gian mà thôi) chính là một hình thức đưa tin giả.

Nói cách khác, sự thông minh, láu cá của nhân vật trạng chính là sáng tạo ra thông tin giả để đánh lừa kẻ giàu, nhiều quyền thế. Khi quốc gia này đánh nhau với quốc gia khác, bộ tộc này xung đột vũ trang với bộ lạc kia, để giành thắng lợi, tung thông tin giả (nghi binh) là một trong những chiêu thức được các bên sử dụng nhiều nhất.

Không có tiêu chí và thực tế cũng không ai phân chia tin giả ra làm mấy loại. Nhưng, tạm thời có thể liệt kê ba nhóm tin giả. Nhóm một, là loại tin giả vô hại, chỉ có tính châm biếm, trào phúng, hài hước cho vui.

Nhóm hai, phổ biến hơn, là loại tin giả được tung ra nhằm câu like. Nhóm tin giả này thường được những người kinh doanh trực tuyến chia sẻ chuyện giật gân hoặc có lúc họ bịa ra chuyện này chuyện nọ, mục đích chính là để bán hàng, tăng doanh thu.

Thậm chí nhiều trường hợp không kinh doanh buôn bán gì hết nhưng vì muốn được “cộng đồng mạng” chú ý, muốn nổi tiếng nên bịa chuyện để thu hút người theo dõi. Mới đây, có một người bịa chuyện câu được 10 like nhưng bị cơ quan chức năng phạt mất 11 triệu đồng.

Nhóm thứ ba là những người tung tin giả, tin bịa đặt, tin không thể kiểm chứng hoặc chí ít là loại thông tin mập mờ với mục đích chính trị, kích động hận thù, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, phân biệt, kỳ thị vùng miền.

Đây chính là kẻ nguy hiểm nhất và cũng chính là hai nhân vật được VTV dẫn chứng trong phóng sự (nêu ở đầu bài). Nhân danh tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, những kẻ cơ hội bất chấp tất cả, từ pháp luật cho đến đạo lý, lương tâm để cho ra lò nhiều tin tức giả mạo hoặc tin tức bị bóp méo.

Những cây bút “chuyên về tin giả” này thừa biết “cái gì không có, nói đi nói lại nhiều lần sẽ thành có”. Ngoài mục đích phá hoại, chia rẽ, ly gián người dân với chính quyền, những kẻ cố tình tung tin giả, còn có một mục đích khác: lợi ích cá nhân.

Đối với những “tay trùm tin giả” thì sử dụng trang cá nhân để kinh doanh trực tuyến chỉ là chuyện vặt vãnh. Lợi ích cá nhân mà họ thu được lớn hơn nhiều so với tỷ lệ lợi nhuận bán hàng. Vật chất thu được chỉ là một chuyện, họ còn muốn được lưu danh, nổi tiếng không chỉ trong một vùng lãnh thổ mà cả trên quy mô toàn cầu.

Từ những điều vừa nêu, nhìn nhận một cách khách quan, tin giả có thể làm hại cho một người hoặc một nhóm người này nhưng lại có lợi cho một người hoặc một nhóm người khác. Đó chính là tính hai chiều của thông tin. Nhìn nhận như thế để thấy, chuyện dùng các giải pháp kỹ thuật hoặc phản bác để ngăn chặn, tiêu diệt tin giả, hiệu quả chưa cao.

Chưa có internet, tin giả đã tồn tại; có internet rồi, tin giả phát triển nhiều hơn. Nói khác đi, nếu chia xa lộ thông tin làm hai làn thì một làn dành cho tin thật và làn kia dành cho tin giả.

Cũng có khi cả hai làn thông tin này đan xen nhau. “Cây ngay không sợ chết đứng” - bình luận như VTV1 không sai nhưng chưa đủ. Có nhiều cách để khắc chế, hạn chế phần nào những hậu quả do tin giả gây ra bởi những người có dụng ý xấu.

Một vị nguyên là lãnh đạo, lúc còn tại nhiệm, ông chủ trương dùng thông tin thật để tiêu diệt thông tin giả. Đúng vậy, nếu thông tin được cung cấp cho dư luận, báo chí một cách kịp thời, minh bạch thì tin giả không đất sống, nhưng cũng không thể hoành hành, làm mưa làm gió.

Vì vậy, đối với tin giả hiện nay, người dân cần tỉnh táo, cảnh giác tránh "sập bẫy" các phần tử cơ hội là cách hữu hiệu đánh bại âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch chống phá nước ta hiện nay. Đồng thời các cơ quan tuyên truyền, báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống; ngành chức năng xử lý nghiêm các đối tượng cố tình đưa tin xấu độc.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục