Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Góp phần nhận diện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng hiện nay
Thứ bảy: 15:30 ngày 16/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đang diễn ra ngày một mạnh mẽ trong nội bộ Ðảng ta.

Ðây là một loại kẻ thù giấu mặt, một thứ “giặc nội xâm” rất khó nhận diện và vô cùng nguy hiểm, là một thách thức to lớn đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Vì vậy, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đang là nhiệm vụ cấp bách của Ðảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay, trong đó, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là phải nhận diện cho được thế nào là “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” để từ đó đề ra giải pháp ngăn chặn, phòng, chống có hiệu quả.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là gì?

Theo nghĩa thông thường thì “tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” là một quá trình sự vật tự thay đổi về chất. Còn theo Ðại Từ điển tiếng Việt: “Diễn biến là biến đổi theo chiều hướng nào đó”; “chuyển hoá là biến đổi từ dạng này, hình thái này sang dạng khác, hình thái khác”.

Vậy nên, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Ðảng là sự suy thoái, thay đổi từng bước, từ lượng đến chất về quan điểm, lập trường tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên theo hướng tiêu cực. Hậu quả gây ra là hết sức nguy hiểm, phá hoại sự đoàn kết, thống nhất, nền tảng tư tưởng của Ðảng, làm mục ruỗng Ðảng từ bên trong, dẫn đến sự chuyển hoá của cả chế độ.

“Tự diễn biến” là quá trình đấu tranh giữa các mặt tích cực và tiêu cực, giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, giữa tư tưởng XHCN và TBCN bên trong của người cán bộ, đảng viên trước những tác động phức tạp của điều kiện khách quan và chủ quan.

Trong đó, tư tưởng, lập trường, quan điểm thiên về hướng tiêu cực, xem trọng lợi ích cá nhân và tư tưởng TBCN tăng lên, trong khi các yếu tố tích cực, cách mạng và tư tưởng XHCN dần phai nhạt và bị xem nhẹ.

“Tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên hiện nay diễn ra cả trong nhận thức, niềm tin và hành động. Ðó là sự suy giảm về tư tưởng chính trị, xa rời dần mục tiêu, lý tưởng XHCN, về học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ðó là sự suy giảm niềm tin và đi đến dần nghi ngờ, không tin vào thắng lợi của công cuộc đổi mới của đất nước, vào vai trò lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước.

“Tự chuyển hoá” là sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”, nói lên xu hướng thay đổi vể chất của sự vật, hiện tượng và con người. Trong thực tế cách mạng Việt Nam hiện nay, đó chính là sự thay đổi trong quan điểm, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Sự thay đổi này đưa tới tình trạng “miệng thì nói tán thành nhưng hành động thì ngược lại”, thường thì chống lại quan điểm, đường lối, chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước một cách tinh vi.

Nguy hiểm hơn, nếu không có những biện pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi hữu hiệu thì từ “tự diễn biến” đến một mức độ nào đó sẽ chuyển sang “tự chuyển hoá”; từ “tự diễn biến” ở một vài cá nhân đơn lẻ có thể dẫn đến “tự diễn biến” cả một bộ phận, đội ngũ; từ “tự chuyển hoá” từng người đến “tự chuyển hoá” cả một tổ chức và toàn hệ thống chính trị.

Như vậy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là sự suy thoái từ bên trong, là quá trình tự biến đổi về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên theo chiều hướng tiêu cực.

Chủ thể của “tự diễn biến” là cán bộ, đảng viên, bất kể ở vị trí nào, không loại trừ ai. “Tự diễn biến” có thể diễn ra trong nội bộ Ðảng, chính quyền Nhà nước và trong xã hội; nảy sinh từ những cán bộ, đảng viên, quần chúng không giữ chức vụ gì cho đến những người có chức, có quyền trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của Ðảng,

Nhà nước ở các cấp. Vị trí của người cán bộ, đảng viên càng cao thì hậu quả tiêu cực của “tự diễn biến” càng lớn. Còn chủ thể của “tự chuyển hoá” vừa là cán bộ, đảng viên, vừa là tổ chức của chính những cán bộ, đảng viên đó. Từ những phân tích trên, không ai được lơ là, tự cho rằng mình đứng ngoài hay “miễn dịch” với “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

“Tự diễn biến” và “tự chuyển hoá” là hai khái niệm khác nhau nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với quá trình vận động, biến đổi của sự vật, hiện tượng, tổ chức và con người. Quá trình “tự diễn biến” cũng chính là quá trình diễn ra “tự chuyển hoá” nhưng vẫn còn nằm trong một giới hạn nhất định.

“Tự diễn biến” là quá trình tích luỹ về lượng, khi “tự diễn biến” đạt đến “độ” thì nó “tự chuyển hoá”, thay đổi về chất. Trong một cán bộ, đảng viên, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đan xen, thâm nhập lẫn nhau, có thể khác nhau về mức độ và tính chất, nhưng giống nhau ở chỗ đều dẫn đến xa rời lý tưởng cách mạng, đi ngược, thậm chí phủ định mục tiêu, lý tưởng cách mạng.

Ðáng lo ngại là, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” càng trở nên nguy hiểm hơn trong điều kiện các thế lực thù địch đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” đối với cách mạng nước ta. Giữa chúng có mối quan hệ tác động, thúc đẩy lẫn nhau.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là “đồng minh” tự nhiên của “diễn biến hoà bình”, làm cho “diễn biến hoà bình” càng nguy hiểm hơn, tác động nhanh hơn. Và đến lượt nó - “diễn biến hoà bình” - lại tác động trở lại, tạo điều kiện tốt, là “mảnh đất vàng” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn vong của Ðảng, Nhà nước và chế độ.

Nguyên nhân và tác hại của “tự diễn biến’, “tự chuyển hoá”

Nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có nhiều, bao gồm cả khách quan và chủ quan, nhưng trước hết và chủ yếu là do yếu tố chủ quan từ chính bản thân người cán bộ, đảng viên.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” tìm thấy cho mình những điều kiện thuận lợi để nảy nở và phát triển bên trong bất kỳ cán bộ, đảng viên nào có lập trường tư tưởng chính trị không vững vàng; thiếu tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lợi ích nhóm, tranh giành, kèn cựa địa vị, thực dụng, tìm cách lợi dụng kẽ hở luật pháp để trục lợi “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”; khi bị phát giác, xử lý kỷ luật thì bảo thủ, không những không nhận ra sai lầm, khuyết điểm mà lại bất mãn, suy diễn, dẫn đến thay đổi nhận thức, quan điểm, lập trường, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.

Những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đã và đang làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Ðảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, là một nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Ðảng và chế độ.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc”.

VÕ HOÀNG KHẢI
Nguyên Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ -
Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục