Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Với hơn 166.000 NCT, tỉnh Tây Ninh rất coi trọng việc chăm sóc và phát huy vai trò của họ trong cộng đồng, đặc biệt là việc hỗ trợ NCT nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn.
Chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách làm ăn và tăng cường chất lượng cuộc sống tinh thần cho người cao tuổi (NCT) là những hoạt động quan trọng của mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTHTGN). Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh đang triển khai tích cực công tác nhân rộng để mở rộng và tăng cường hiệu quả của mô hình này, đặc biệt là đối với NCT có hoàn cảnh khó khăn.
Trao bò sinh sản cho thành viên Câu lạc bộ LTHTGN có hoàn cảnh khó khăn
Hoạt động của CLB LTHTGN là tương trợ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, với mục tiêu chính là mở rộng cơ hội để các thành viên có thể nâng cao đời sống cá nhân và gia đình. CLB khuyến khích và tôn vinh vai trò cũng như đóng góp của các thành viên trong các hoạt động chăm sóc sức khoẻ, cải thiện thu nhập và đẩy mạnh sự phát triển cộng đồng tại địa phương. Ngoài ra, CLB còn nỗ lực cải thiện quan hệ, tăng cường giao lưu với chính quyền địa phương, các tổ chức khác và cộng đồng nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho thành viên và NCT.
Với hơn 166.000 NCT, tỉnh Tây Ninh rất coi trọng việc chăm sóc và phát huy vai trò của họ trong cộng đồng, đặc biệt là việc hỗ trợ NCT nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn như một phần mục tiêu của Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT trong giai đoạn mới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3330/KH-UBND ngày 30.12.2020 triển khai thực hiện Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 31.8.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025. Theo kế hoạch, đến năm 2025 có 100% các huyện, thị xã, thành phố có CLB LTHTGN; có thêm ít nhất 50 CLB mới được xây dựng với 2.000 thành viên, trong đó có hơn 60% là người cao tuổi. Chú trọng việc nhân rộng mô hình CLB LTHTGN đối với các địa bàn nông thôn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 100% CLB LTHTGN đã xây dựng giai đoạn 2017-2020 và các CLB mới được xây dựng.
Tính đến tháng 5.2024, đã có thêm 4 CLB mới được thành lập, nâng tổng số CLB trên toàn tỉnh lên con số 254, với hơn 11.000 thành viên. Đáng chú ý, 100% huyện, thị xã và thành phố, 94/94 xã, phường, thị trấn có CLB, đạt tỷ lệ 100%- một con số vượt trội so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch của UBND tỉnh cả về số lượng và chất lượng. Các CLB đã đạt được những kết quả đáng kể, đặc biệt là hỗ trợ 1.400 thành viên gặp khó khăn về tài chính để phát triển sản xuất, chăn nuôi và kinh doanh quy mô nhỏ. Ngoài ra, một số CLB còn tổ chức nhiều chuyến tham quan và hội thảo mô hình từ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. Phần lớn các CLB đã lập được kế hoạch hoạt động chi tiết theo các tiêu chí đề ra, phát huy hiệu quả của mô hình.
Qua báo cáo sơ kết của các huyện, thị xã và thành phố, cùng với việc kiểm tra và giám sát tại 27 xã, phường, thị trấn và 9/9 Ban Đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) cấp huyện, trong số 250 CLB được phân tích, có 48 CLB đạt loại A- đạt tỷ lệ 23,4%; 159 CLB đạt loại B; 35 CLB đạt loại C và 8 CLB thuộc loại D. Kết quả này cho thấy mục tiêu của UBND tỉnh đặt ra là 70% CLB hoạt động đầy đủ theo 8 nội dung vẫn chưa đạt. Số người được vay vốn là 1.349/9.381 thành viên- đạt chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra.
Với tổng số vốn khởi điểm 8.211.549.000 đồng, cùng với 54 con bò sinh sản và 2 con dê, các CLB đã thiết lập một nguồn quỹ đa dạng, với quỹ cao nhất đạt 150.000.000 đồng và thấp nhất là 20.000.000 đồng. Tất cả CLB đều có quỹ tăng thu nhập, đáp ứng chỉ tiêu của UBND tỉnh, giúp đỡ 1.349 hộ thành viên nghèo vượt qua khó khăn ban đầu trong sản xuất và chăn nuôi. Đáng chú ý, các hộ nghèo trong CLB đã nhận được 2 căn “Mái ấm người cao tuổi” nhờ sự vận động của Hội Người cao tuổi và 18 căn nhà đại đoàn kết từ Quỹ Vì người nghèo. 100% hộ nghèo, hộ khó khăn là thành viên trong CLB được tặng quà trong các dịp lễ, tết cổ truyền từ ngân sách Nhà nước và sự ủng hộ của các mạnh thường quân. Ngoài ra, một số CLB còn có tủ thuốc y tế (tại Thanh Phước- Gò Dầu) để hỗ trợ các thành viên.
Từ những hoạt động ý nghĩa và thiết thực của CLB LTHTGN trên địa bàn tỉnh, tinh thần tuổi cao gương sáng đã được phát huy. CLB không chỉ động viên và chia sẻ để cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống, mà còn hỗ trợ chính quyền địa phương giải quyết vấn đề liên quan NCT và giảm nghèo bền vững. Cuộc sống của các thành viên đã thay đổi theo hướng tích cực. NCT biết rõ hơn về quyền lợi của mình; các thành viên được giao lưu và học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Ngoài ra, nhiều NCT khó khăn và nghèo sẽ có cơ hội được hỗ trợ, cải thiện chất lượng sống ngay tại cộng đồng.
Đặc biệt, CLB đã giúp NCT- nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, vượt qua mặc cảm và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Hỗ trợ và cải thiện đời sống kinh tế cũng như sức khoẻ tinh thần cho NCT gặp khó khăn là một phần quan trọng của công tác chăm sóc và phát huy vai trò của NCT trong cộng đồng.
Những kết quả đạt được của CLB LTHTGN không chỉ đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn tăng cường hiệu quả của phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của tổ chức Hội cùng với NCT trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Đức Tiến- Phó trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình xây dựng CLB. Một là, tham mưu kịp thời cho Cấp uỷ, UBND các cấp, bảo đảm sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai. Hai là, tổ chức tốt công tác tập huấn, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát quá trình thành lập và hoạt động của các CLB. Ba là, phát động phong trào xây dựng CLB thông qua bảng điểm thi đua hằng năm và trực tiếp vận động hỗ trợ những nơi gặp khó khăn về vốn. Bốn là, xây dựng website hướng dẫn chi tiết 8 nội dung cơ bản liên quan đến hoạt động của CLB, giúp các cấp Hội nghiên cứu và áp dụng hiệu quả.
Lam Giang