Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
25 năm thu hút đầu tư nước ngoài:
Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thứ sáu: 06:21 ngày 05/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dấu mốc quan trọng của quá trình thu hút đầu tư nước ngoài bắt đầu từ năm 1993 - là năm đầu tiên tỉnh Tây Ninh có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (2 dự án) với vốn đăng ký 3,85 triệu USD.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp FDI.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, tính đến ngày 31.12.2018, trên địa bàn tỉnh có 291 dự án FDI với vốn đăng ký 5.782,15 triệu USD. Các nhà đầu tư đến từ 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vốn thực hiện đến cuối năm 2018 khoảng hơn 3,1 tỷ USD, chiếm 54,46% tổng vốn đăng ký.

"Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lần đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 29.12.1987. Giai đoạn này, do luật  mới đi vào thực hiện nên thị trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng còn mới mẻ đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, giai đoạn 1987-1992, tỉnh Tây Ninh chưa tiếp nhận được dự án FDI nào", một cán bộ Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết.

Dấu mốc quan trọng của quá trình thu hút đầu tư nước ngoài bắt đầu từ năm 1993 - là năm đầu tiên tỉnh Tây Ninh có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (2 dự án) với vốn đăng ký 3,85 triệu USD. Trên cơ sở các điều chỉnh về chính sách, pháp luật đầu tư của Nhà nước nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý đối với đầu tư nước ngoài như ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, dần dà các nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường đầu tư tại Việt Nam và tỉnh Tây Ninh.

Giai đoạn 1993-1999, Tây Ninh tiếp nhận 24 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 195,829 triệu USD. Trong đó, có một số dự án đến nay vẫn còn hoạt động ổn định. Trong thời kỳ này, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997 gắn liền với làn sóng rút ồ ạt các nguồn vốn đầu tư ngắn hạn và sự rối loạn của thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của khu vực cũng như tại Việt Nam, khiến cho quá trình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam và Tây Ninh nói riêng bị "khựng" lại.

Do đó, tỉnh không có dự án lớn được cấp phép đầu tư, hầu hết các dự án được cấp phép có quy mô vốn đầu tư dưới 5 triệu USD, đồng thời một số dự án đã phải chấm dứt hoạt động và giải thể trước thời hạn.  

Đến giai đoạn 2000-2005, Tây Ninh có 2 khu công nghiệp (KCN) và 1 khu kinh tế (KKT) được thành lập (KCN Trảng Bàng, Khu chế xuất & công nghiệp Linh Trung III, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài), nhờ đó đã thu hút được 106 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 289,574 triệu USD (bao gồm cả vốn tăng thêm từ các dự án trước đó).

Giai đoạn 2006-2015 đánh dấu bước ngoặt trong thu hút đầu tư khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Có nhiều chính sách ưu đãi, mở cửa thị trường nên dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh liên tục tăng qua các năm, số lượng các dự án cũng tăng rõ rệt. Trong giai đoạn này, tỉnh đã cấp mới 195 dự án, với số vốn đầu tư đăng ký hơn 2,2 tỷ USD; tổng vốn thu hút (bao gồm cả vốn tăng thêm) đạt hơn 3,3 tỷ USD.

Trong đó, đáng chú ý là ở giai đoạn 2011-2015, với chính sách thu hút đầu tư có hướng dịch chuyển tập trung chủ yếu vào các ngành ít thâm dụng lao động, nhà đầu tư lớn, uy tín, cơ cấu thu hút vốn đầu tư đi vào chiều sâu, chú trọng vào các giá trị tăng thêm, tiết kiệm đất đai... Tây Ninh đã thu hút được 78 dự án với vốn đăng ký gần 1,9 tỷ USD (gấp hơn 5 lần vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 2006-2010, gấp 6,5 lần so với giai đoạn 2000-2005).

Giai đoạn 2016-2018, Tây Ninh thu hút được 81 dự án FDI với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm đạt hơn 2,5 tỷ  USD. Cùng với việc thu hút các dự án FDI cấp mới, giai đoạn từ 2016- 2018, nhờ tập trung thu hút đầu tư theo hướng "tại chỗ" - tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai và hoạt động của dự án; kịp thời tháo gỡ khó khăn; đồng hành xuyên suốt cùng doanh nghiệp... mà nhiều nhà đầu tư đang hoạt động đã mạnh dạn tăng vốn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Giai đoạn này, toàn tỉnh có 86 lượt dự án FDI tăng vốn, với số vốn tăng thêm hơn 1 tỷ USD.

Về cơ cấu vốn thu hút đầu tư nước ngoài, lĩnh vực công nghiệp đứng đầu với 271 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 5,5 tỷ USD; kế đến là lĩnh vực nông nghiệp có 10 dự án với số vốn đăng ký gần 88 triệu USD...

Quá trình thu hút đầu tư đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Thực tế cho thấy, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm vị trí quan trọng và có tác động lớn tới sự phát triển kinh tế của tỉnh. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu của các dự án FDI ổn định, tăng dần theo từng năm và luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị xuất khẩu, giá trị nhập khẩu toàn tỉnh (năm 2018 đạt gần 6,9 tỷ USD).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khu vực này cũng là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như hàng dệt may, giày dép, xơ sợi dệt. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và máy móc thiết bị tạo tài sản cố định.

Hầu hết các dự án FDI đều trong giai đoạn được hưởng chính sách ưu đãi về thuế nên đóng góp cho ngân sách địa phương chưa nhiều. Tuy vậy, khoản thu này khá ổn định và tăng cao trong những năm gần đây. Cụ thể, đối với nguồn thu ngân sách từ nội địa, năm 2000, khu vực FDI nộp ngân sách Nhà nước 17,29 tỷ đồng; đến năm 2018, khu vực FDI nộp 727,95 tỷ đồng.

Bắt đầu năm 2006, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh mới đóng góp nguồn thu ngân sách. Trong năm này, khu vực FDI nộp ngân sách Nhà nước 21,16 tỷ đồng, đến năm 2018 là 409,87 tỷ đồng.

Các dự án FDI đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như sản xuất sợi, dệt vải, may mặc, giày dép, lốp xe... Vốn đầu tư phát triển hằng năm của khu vực này chiếm khoảng 21%-31% tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh.

Việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài trong những năm qua cũng đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Năm 2000, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 4.043 lao động địa phương và năm 2018 là 135.333 lao động, số lao động có việc làm tăng đều qua các năm.

Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp FDI.

Thời gian qua, chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định pháp luật, từ đó thu hút được các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn.

Dù vậy, quá trình thu hút đầu tư nước ngoài còn không ít hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như tỉnh chưa thu hút được những dự án có công nghệ kỹ thuật cao; hầu hết các dự án có vốn đầu tư lớn là dự án thuộc lĩnh vực sản xuất sợi, dệt vải (có thực hiện công đoạn nhuộm) cần phải có phương án kiểm soát nước thải nghiêm ngặt. Trong quá trình hoạt động, vẫn còn một số dự án chưa tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường… nhất là các dự án hoạt động ngoài khu, cụm công nghiệp.

ĐÌNH CHUNG

Tin cùng chuyên mục