Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia 2019 được tổ chức tại tỉnh An Giang trong 2 ngày 27 và 28-8-2019, là hoạt động có ý nghĩa thiết thực khẳng định phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia trong tình hình mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Biên phòng có cuộc phỏng vấn Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP về quan hệ hợp tác Biên phòng giữa hai nước và ý nghĩa của chương trình giao lưu.
P.V: Thưa Trung tướng, hiện nay, công tác chuẩn bị cho Chương trình “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia” năm 2019 đang được khẩn trương hoàn thành theo kế hoạch, đề nghị Trung tướng cho biết ý nghĩa và những hoạt động chính của Chương trình giao lưu lần này?
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến: Chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia là một trong nhiều hoạt động cụ thể, biểu hiện sinh động quan hệ hữu nghị giữa Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia, được tổ chức thường xuyên, có nền nếp trong thời gian gần đây. Đó vừa là sự tiếp nối truyền thống quan hệ tốt đẹp, tương trợ giúp đỡ nhau giữa hai nước, đồng thời góp phần quan trọng vun đắp quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh BĐBP.
Tiếp nối thành công của các chương trình giao lưu trước đây, Chương trình Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia cấp Bộ Tư lệnh BĐBP lần này là hoạt động có ý nghĩa trong đời sống chính trị, tinh thần của quân và dân vùng biên giới hai nước; tạo hiệu ứng tích cực, củng cố lòng tin chính trị, phát triển hơn nữa tình cảm đoàn kết, gắn bó giữa chính quyền, nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước. Chương trình nhận được sự quan tâm sâu sắc của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng như sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Quốc phòng Vương quốc Campuchia.
Chương trình sẽ diễn ra nhiều hoạt động phong phú như: Tọa đàm Giao lưu hữu nghị giữa lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền địa phương và nhân dân hai bên biên giới; Lễ chào cột mốc chủ quyền và tổ chức tuần tra chung tại cột mốc 275, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên; diễn tập liên hợp đánh bắt tội phạm về ma túy; khánh thành Nhà văn hóa hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia tại thị trấn Tịnh Biên; sơ kết kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa khóm Xuân Bình, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang (Việt Nam) với ấp Tà Rưng, xã Phnum Đen, huyện Ki Ri Vông, tỉnh Tà Keo (Campuchia)...
Đặc biệt, một nội dung mới, quan trọng trong khuôn khổ chương trình giao lưu được tổ chức đó là Hội nghị bàn tròn về công tác phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới và ký biên bản hội đàm giữa Tư lệnh BĐBP Việt Nam và Tư lệnh Lục quân, Tư lệnh Hiến binh, Quân đội Hoàng gia Campuchia; Cục trưởng Cục Biên giới, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Công an quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Di trú Campuchia, Bộ Nội vụ Campuchia.
Bên cạnh đó, một số hoạt động hỗ trợ, nhân đạo được triển khai trước chương trình giao lưu bao gồm khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới các tỉnh An Giang (Việt Nam), Tà Keo và Cần Đan (Campuchia); giao lưu văn hóa, văn nghệ; thể dục, thể thao; trao học bổng “Nâng bước em tới trường” và tặng bò giống cho người nghèo nơi biên giới...
Các hoạt động kể trên đang được lực lượng BĐBP, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang chuẩn bị chu đáo, nhận được sự chỉ đạo sâu sát của thủ trưởng Bộ Quốc phòng nên chương trình giao lưu chắc chắn sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, tạo tiền đề cho các chương trình giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia ở cấp cao hơn, góp phần tô thắm quan hệ hữu nghị truyền thống giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân hai nước.
P.V: Những năm qua, các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, hợp tác, phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đề nghị Trung tướng làm rõ hơn về vấn đề này?
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến: Thời gian qua, hoạt động đối ngoại biên phòng giữa Việt Nam và Campuchia đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả và có nền nếp với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, thiết thực. Trên cơ sở các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận hợp tác của lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới đã tích cực triển khai công tác phân giới, cắm mốc tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, đến nay, đạt được khoảng 84% khối lượng công việc. Cụ thể, đã xác định được 317/371 mốc chính; xây dựng được 315/371 mốc chính; phân giới được khoảng 932,7/1.137km, xây dựng được 1.511/1.512 mốc phụ và 221/221 cọc dấu; quy thuộc 113 cồn bãi trên sông suối.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP và Thống tướng Đăm Vuthy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Công an Quốc gia, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia ký kết Biên bản hội đàm về phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới. Ảnh: Hoàng Anh
Hai bên thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và tổ chức xử lý các hiện tượng vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ở khu vực biên giới; ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, tiếp nhận và trao trả công dân vi phạm pháp luật tại cửa khẩu và khu vực biên giới hai nước.
Thường xuyên trao đổi thông tin, phát hiện, đấu tranh với hoạt động của các thế lực thù địch, phản động chống phá quan hệ biên giới Việt Nam - Campuchia. Hợp tác, phối hợp đấu tranh với tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia như tội phạm về ma túy, mua bán người... Kết quả 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP Việt Nam phối hợp với các lực lượng chức năng Campuchia bắt giữ, xử lý 32 vụ/60 đối tượng, thu 129,892kg ma túy các loại (30 bánh heroin, 55.461 viên, 113,94kg ma túy tổng hợp).
Các hoạt động giao lưu hữu nghị, kết nghĩa ở khu vực biên giới như Chương trình Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”; Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Campuchia; kết nghĩa đồn, trạm lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, kết nghĩa cụm dân hai bên biên giới cũng được đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, đã kết nghĩa được 32 cặp đồn, trạm Biên phòng và 48 cặp cụm dân cư hai bên biên giới; thường xuyên tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; giúp đỡ 99 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới Campuchia được đến trường học hết cấp phổ thông trong chương trình “Nâng bước em tới trường”; giúp bạn đào tạo 95 cán bộ Biên phòng có trình độ đại học và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 309 cán bộ Quân đội Hoàng gia Campuchia...
P.V: Các hoạt động kể trên là minh chứng thuyết phục cho nỗ lực của BĐBP Việt Nam trong tăng cường hợp tác, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia, đề nghị Trung tướng cho biết những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới?
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến: Trong thời gian tới, BĐBP Việt Nam tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác đối ngoại biên phòng nói chung và quan hệ, hợp tác trên biên giới với Campuchia nói riêng; tiếp tục tăng cường tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác, phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới một cách hiệu quả, thiết thực. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến cùng lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia cắt băng khánh thành Trạm xá quân dân y hữu nghị biên giới tại Tây Ninh, tháng 12-2016. Ảnh: Hồ Phúc
Một là, tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng làm tham mưu cho Chính phủ hai nước sớm hoàn chỉnh và ký 2 văn kiện pháp lý về biên giới Việt Nam - Campuchia trong năm 2019; qua đó, ghi nhận thành quả 84% khối lượng công việc phân giới, cắm mốc đã đạt được, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh xử lý, giải quyết 16% còn lại trên cơ sở bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của nhân dân hai nước.
Hai là, tăng cường hợp tác, phối hợp tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới, kịp thời phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn các hiện tượng vi phạm quy chế biên giới; xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới; nhất là tình trạng người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên (Việt Nam) xuất, nhập cảnh trái phép sang Campuchia.
Ba là, thường xuyên trao đổi tình hình, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động chống phá quan hệ biên giới hai nước; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác, phối hợp đấu tranh với tội phạm về ma túy, mua bán người và buôn lậu, gian lận thương mại; giữ ổn định tình hình an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.
Bốn là, thực hiện các hoạt động giao lưu hữu nghị, kết nghĩa một cách linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực giữa chính quyền, nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới hai nước. Phát huy kết quả tốt đẹp từ các mô hình, các chương trình hợp tác, đầu tư, viện trợ, giúp đỡ ở khu vực biên giới; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như tuyên truyền về mối quan hệ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa hai nước Việt Nam - Campuchia cho nhân dân hai bên biên giới; tăng cường giúp bạn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Biên phòng các loại hình trong thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Trung tướng!
Nguồn bienphong