Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Góp sức đổi thay diện mạo nông thôn
Thứ sáu: 06:55 ngày 19/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, có rất nhiều người hiến đất mở đường, góp công, góp của thắp sáng đường quê. Những tấm gương ấy góp phần không nhỏ vào việc thay đổi diện mạo xóm, ấp hôm nay.

Ông Dương Văn Ngọ (bên phải) và ông Nguyễn Ðình Trường là một trong 7 người ở địa phương hiến đất mở đường D2.

Lấy tiền dưỡng già thắp sáng đường quê

Gần một năm nay, vào ban đêm, ở những khu dân cư đông đúc, ngã ba, ngã tư ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu đều có đèn đường sáng trưng. Ðóng góp vào công trình thắp sáng đường quê đó là ông Nguyễn Nghĩa, 89 tuổi, ngụ ấp Phước Hiệp.

Ông Nghĩa kể, quê ở Bình Ðịnh, năm 1978, vợ chồng ông vào xã Phước Ninh mua 2 ha đất làm rẫy. “Hồi đó ở đây chưa có nước lòng hồ nên làm rẫy khó khăn lắm. Trồng mì, cây lớn lên bị xoăn đọt rồi chết khô. Trồng lúa thì lúa bị lụn vì hạn”- ông Nghĩa nhớ lại. Năm 1985, khi công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng hoàn thành, đưa vào hoạt động, nước lòng hồ rửa phèn, tưới mát ruộng đồng, trồng mì, trồng lúa tốt tươi, cuộc sống người dân mới dần khấm khá.

Những năm sau đó, vợ chồng ông mua thêm đất, cất nhà, chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt. Ðến nay, 9 người con đã khôn lớn, vợ chồng ông dựng vợ gả chồng và cho ra riêng. Ông chia hết 12 ha đất nông nghiệp cho các con. Vợ chồng già sống trong căn nhà tường cũ, chưa tô xi măng mặt trước.

Vợ ông bị tai nạn gãy hai chân, đi lại khó khăn. Mọi chi phí trong gia đình đều dựa vào các con. Có dư dả mấy đâu, vậy mà ông Nghĩa đem gần hết số tiền 100 triệu đồng con cái cho dưỡng già, mua 45 bộ đèn năng lượng mặt trời lắp đặt ở những nơi quan trọng trên 6 tuyến đường giao thông nông thôn trong xã; mua quà tặng người nghèo gặp khó khăn vì dịch Covid-19, và đóng góp cho đợt ra quân vận động quần chúng đợt I năm 2020.

Hỏi chuyện, ông cười khà khà: “Già rồi, ăn uống không bao nhiêu, đóng góp cho xã hội là việc nghĩa cần làm”. Ngoài số tiền trên, lão nông này còn tặng UBND xã 25 triệu đồng để mua 30 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo.

Phó Bí thư Thường trực Ðảng uỷ xã, Chủ tịch HÐND xã Phước Ninh- Thi Khắc Huy cho biết, thời gian qua, xã đã xây dựng 57 tuyến đường giao thông nông thôn. Nhiều mạnh thường quân trong, ngoài xã ủng hộ chi phí thắp sáng đường giao thông, trong đó, 45 bộ đèn ông Nghĩa đóng góp được lắp đặt ở đường DH6, một đoạn đường DH9 và DH1, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và an ninh trật tự địa phương.

Ông Nguyễn Nghĩa cùng cán bộ Mặt trận xã Phước Ninh tham quan tuyến đường thắp sáng bằng đèn năng lượng mặt trời do ông đóng góp.

Rủ nhau hiến đất mở đường

Nhiều năm qua, đường D2 ở ấp Ðông Hà, xã Tân Ðông, huyện Tân Châu luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân. Trước đây, con đường hơn 1km này có chiều ngang chưa được 5m, đầy "ổ gà", "ổ voi". Mùa mưa sình lầy, trơn trượt, khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản hết sức khó khăn.

Cựu chiến binh Dương Văn Ngọ, 68 tuổi, có hơn 2 ha đất trồng cao su, đang kỳ thu hoạch mủ. Trước nhu cầu nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn, ông Ngọ quyết định cưa bỏ một số hàng cây cao su, hiến đất cho chính quyền địa phương với chiều ngang 3,4m, dài 840m, ước tính hơn 2 công đất. Không chỉ vậy, ông Ngọ còn tích cực vận động những người khác có đất sản xuất nông nghiệp hai bên đường hiến đất làm đường.

Ông Nguyễn Ðình Trường, 49 tuổi, ngụ ấp Ðông Hà, xã Tân Ðông là một trong 7 người hiến đất mở đường D2. Ông Trường cho biết, gia đình ông đã làm ăn, sinh sống ở đây gần 30 năm. Trước đây, con đường rất xấu, bà con nông dân muốn đầu tư trồng mía, mì… nhưng gặp khó khăn vì vấn đề vận chuyển nông sản. Khi chính quyền địa phương vận động, cùng với những người dân khác, ông Trường hiến một phần đất để mở rộng mặt đường. Nhờ sự đóng góp này, hơn một tháng nay, con đường D2 đã được chính quyền địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng và trải sỏi phún. Mặt đường cao ráo, bằng phẳng, các phương tiện giao thông đi lại thuận tiện.

Ông Liêu Hồng Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ðông đánh giá cao sự đóng góp của người dân địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong năm qua, nhiều người dân đồng hành với Ðảng bộ, chính quyền xã Tân Ðông hiến đất mở đường, đóng góp vật chất, ngày công lao động, tiền mua bảo hiểm y tế cho các hộ đồng bào dân tộc Khmer khó khăn. Nhờ vậy, đến nay, Tân Ðông đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Thanh (bên phải) cùng cán bộ xã, ấp bàn bạc chuyện xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Góp 1/6 gia tài cho nông thôn mới

Không khá giả và cũng chẳng có nhiều đất đai, nhưng ông Nguyễn Văn Thanh, ngụ ấp Bến Chò, xã Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu đã hiến phần đất quý giá của mình để xây dựng nông thôn mới.

Hơn mười năm trước, đời sống kinh tế vợ chồng ông Thanh rất khó khăn, phải ở đậu trên đất của người khác để đi làm thuê làm mướn. Năm 2010, cha mẹ cho 6 công đất trồng cao su, vợ chồng ông dành dụm tiền bạc cất được căn nhà tường nhỏ. Hằng ngày, ngoài việc thu hoạch mủ cao su ở vườn nhà, vợ chồng ông còn đi cạo mủ và cạo hạt điều thuê để trang trải cuộc sống.

Thấy bao năm nay, trước cửa nhà mình chỉ có một lối mòn nhỏ hẹp, vừa đủ xe hai bánh lưu thông, khi xã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, vợ chồng ông Thanh bàn bạc hiến phần đất ngang 5m x dài 200m, bằng 1/6 gia tài hiện có để nâng cấp, mở rộng lối mòn. “Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng hiến đất, mở rộng con đường cho gia đình mình và bà con đi lại là việc cần thiết”- người nông dân 52 tuổi này nói.  

Ông Ðỗ Minh Tâm- Bí thư xã Thạnh Ðức cho hay, đến nay, xã thực hiện được hơn 135 tuyến đường và xây tặng 35 căn nhà đại đoàn kết, cơ bản hoàn thành tất cả các tiêu chí nông thôn mới. Ðạt được kết quả đó nhờ có sự đồng thuận, tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, của cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân. Trong đó, nổi lên nhiều tấm gương hiến đất mở đường, đóng góp tiền của xây dựng nông thôn mới như ông Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Long Phụng, được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Ðại Dương

Tin cùng chuyên mục