Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
UBND tỉnh họp thường kỳ tháng 11:
Góp ý các nội dung trình tại kỳ họp HĐND cuối năm 2019
Thứ sáu: 06:13 ngày 22/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phát biểu kết luận đối với từng lĩnh vực, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cơ bản thống nhất với các nội dung do các cơ quan trình tại hội nghị; và đề nghị các cơ quan tiếp thu góp ý của các đại biểu, hoàn chỉnh hồ sơ, thực hiện các bước theo quy trình để trình tại kỳ họp HĐND tới đây.

Lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị.

Sáng 20.11, ông Phạm Văn Tân- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2019 cho ý kiến một số nội dung chuẩn bị trình tại kỳ họp HĐND cuối năm.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày về việc xây dựng danh mục thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và danh mục dự án, chương trình dự kiến có nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, dự kiến tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh là 14.500,7 tỷ đồng, trong đó, tỉnh quản lý 65% tổng kế hoạch (9.425,5 tỷ đồng) và huyện quản lý 35% tổng kế hoạch (5.705,2 tỷ đồng), được phân bổ chi tiết trên từng lĩnh vực và các địa phương.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tổng vốn thực hiện là hơn 630 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2019, có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 42/80 xã, đạt 100% kế hoạch năm 2019; bình quân 16,1 tiêu chí/xã.

Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc giảm nghèo bền vững, tỉnh đã huy động các nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng, thực hiện các dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; vận động hàng chục tỷ đồng chăm lo cho các đối tượng nhân dịp lễ, tết; tạo điều kiện cho hơn 1.700 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi với số tiền hơn 49 tỷ đồng; xây tặng 269 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải trình bày các nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư, dự kiến kế hoạch triển khai Dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Theo đó, điểm đầu Dự án từ nút giao đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Điểm cuối kết nối với QL22 (tại Km53+850, lấy theo lý trình của QL22).

Chiều dài tuyến khoảng 50km, trong đó, chiều dài tuyến qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh là 23,7km; qua địa phận tỉnh Tây Ninh là 26,3km. Phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn, giai đoạn 1 xây dựng quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến, giai đoạn hoàn chỉnh, đoạn từ đầu tuyến đến đầu nút giao với ĐT.787B xây dựng mở rộng đạt quy mô 8 làn xe, đoạn còn lại đến QL22 xây dựng mở rộng đạt quy mô 6 làn xe. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 11.119 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn dự kiến là hơn 20 năm. Dự kiến tỉnh sẽ công bố dự án vào tháng 12.2019.

Hội nghị còn nghe lãnh đạo Sở Nội vụ trình tờ trình về việc điều chuyển, giao bổ sung biên chế công chức năm 2019 và giao biên chế công chức đối với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh năm 2020. Theo quyết định của Bộ Nội vụ, năm 2020, Bộ giao cho các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước của tỉnh Tây Ninh 1.818 biên chế (giảm 40 biên chế công chức so với năm 2019). Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ đề nghị sẽ giảm biên chế ở các sở, ngành theo đúng chỉ đạo của Bộ.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Nội vụ còn trình tờ trình đề nghị ban hành nghị quyết quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp và các mức hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ấp, khu phố; dự thảo Nghị quyết quy định mức chi cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết quy định khu vực nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình dự thảo Đề án phát triển cụm ngành du lịch tỉnh Tây Ninh.

Phát biểu kết luận đối với từng lĩnh vực, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cơ bản thống nhất với các nội dung do các cơ quan trình tại hội nghị; và đề nghị các cơ quan tiếp thu góp ý của các đại biểu, hoàn chỉnh hồ sơ, thực hiện các bước theo quy trình để trình tại kỳ họp HĐND tới đây. Đồng thời, đề nghị cơ quan chuyên môn rà soát kỹ lại một số nội dung còn có ý kiến khác nhau để điều chỉnh, bổ sung.

Riêng về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong năm 2020, thành phố Tây Ninh và huyện Hoà Thành phải đạt được mục tiêu 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Tân Biên, Dương Minh Châu cần có sự quan tâm đầu tư để trong giai đoạn tới, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hồng Thu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục