Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Còn nhiều băn khoăn về giải quyết tranh chấp đất đai
Thứ sáu: 10:50 ngày 24/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các chuyên gia đánh gia, theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nếu chỉ giao cho Tòa án nhân dân, Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp đất đai, mà không giao cho UBND như trước, thì còn nhiều vấn đề cần làm rõ.

Các cơ quan chức năng huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tiến hành tuyên truyền, cưỡng chế thu hồi đất đối với 9 hộ dân không chấp hành quyết định thu hồi tháng 6/2021. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN.

Còn những ý kiến trái chiều 

Tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, khoản 1, Điều 225 quy định: “Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án Nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án Nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu”.

Như vậy, so với Luật Đất đai hiện hành thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong dự thảo Luật lần này có sự thay đổi lớn về cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai, đã thu gọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết chỉ còn thuộc về tòa án, trong khi trước đó, việc giải quyết tranh chấp đất đai đang được giao cho 2 cơ quan cùng có thẩm quyền giải quyết, đó là Tòa án Nhân dân và Ủy ban Nhân dân. 

Luật sư Tô Văn Trung, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, nếu giao thẩm quyền cho UBND thì điểm thuận lợi là vấn đề được giải quyết nhanh hơn và có thể cấp luôn sổ hồng cho dân. Tuy nhiên, nếu UBND không thể giải quyết thì sự việc vẫn phải đưa ra toà. Ngoài ra, theo điều 226 dự thảo luật Đất đai mới quy định tòa và UBND đều có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.

Tuy nhiên, Luật sư Tô Văn Trung đề nghị nên giao thẳng việc này cho toà xử lý. Bởi việc xử ở toà án sẽ tạo điều kiện để dân đối thoại trực tiếp với người ra quyết định hành chính. Toà cũng có luật hoà giải, khi hai bên có chung tiếng nói có thể rút ngắn thời gian giải quyết.

Luật sư Tô Văn Trung dẫn chứng, luật hiện nay quy định nếu không đồng ý quyết định thu hồi đất, người dân có thể khiếu nại và khiếu kiện lên UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh tối đa hai lần. Nếu họ vẫn tiếp tục không đồng ý, sẽ khởi kiện ra tòa. Thực tế thì nhiều vụ khiếu nại hành chính qua cấp UBND không được giải quyết đúng thời hạn nên kéo dài vụ việc. Có những vụ UBND đã ban hành quyết định nhưng lại bị tòa án tuyên hủy. Do đó, bỏ khiếu nại giải quyết tranh chấp qua UBND các cấp là phù hợp với xu hướng phát triển quốc tế.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phan Trung Hiền, Trưởng khoa Luật Đại học Cần Thơ cho rằng, quy định hiện hành khiến người dân trong vòng luẩn quẩn vì UBND cấp tỉnh vừa là chủ thể định giá đất tính bồi thường, vừa giải quyết khiếu nại. "Như vậy là UBND vừa đá bóng, vừa thổi còi, vừa cho thuê sân", ông Hiền nói và cho rằng giải quyết khiếu nại, khiếu kiện là vai trò của toà án.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết 18/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về đất đai nêu rõ phương châm "giải quyết triệt để tranh chấp về đất đai từ cơ sở, tránh vượt cấp lên Trung ương".

Do đó, việc bỏ thẩm quyền của UBND trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là thu hẹp bớt quyền của người dân và bỏ một cơ chế giải quyết linh hoạt. Đây là tâm lý “làm không được thì đẩy qua tòa cho xong”.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, đất đai là một đối tượng vô cùng phức tạp nên việc chỉ giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho TAND sẽ gây ra tình trạng ùn ứ, kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp giải quyết đất đai, trong khi vụ việc đã có thể kết thúc ngay từ những buổi làm việc tại UBND.

Vì vậy, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất trao UBND thẩm quyền giải quyết tranh chấp vì hồ sơ đang được lưu giữ ở cơ quan hành chính. Như vậy, thủ tục cũng đơn giản hơn và người dân không cần đóng án phí 5% trên giá trị tài sản tranh chấp như khi ra toà.

Còn ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, quy định này theo ông Luyến là không khả thi và sẽ kéo dài và mất nhiều thời gian, kinh phí cho các bên tham gia giải quyết.

Theo ông Luyến, thực tiễn cho thấy có nhiều tranh chấp đất đai giao cho cơ quan quản lý nhà nước (UBND) giải quyết thì hợp lý, hiệu quả hơn, vì các cơ quan này trực tiếp quản lý, giao đất, cho thuê đất, thanh tra, kiểm tra…, nên họ nắm rất chắc tình trạng mảnh đất có tranh chấp, các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai và từ đó đưa ra phương án giải quyết hợp lý, chính xác, thuyết phục, sẽ được các bên dễ chấp nhận.

Việc giao cho Tòa án nhân dân giải quyết các tranh chấp đất đai, thì Tòa án sẽ phải dành nhiều thời gian nghiên cứu vụ việc tranh chấp, tìm hiểu nguyên nhân tranh chấp, mảnh đất có tranh chấp và các vấn đề khác có liên quan. Còn các bên tranh chấp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, chi phí nhiều kinh phí, mất nhiều thời gian tham gia trong quá trình giải quyết, như thuê luật sư, tiến hành hòa giải, tham gia các phiên tòa, các hoạt động khác có liên quan.

Quy trình xử lý ra sao?

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Văn Bảy, Phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay thẩm quyền giải quyết tranh chấp là của tư pháp, không phải hành chính. Toà án hiện có quy trình “tiền tố tụng” rất hay, có hiệu quả là kênh hoà giải và đối thoại. Vì vậy, không lo chuyện TAND xử lý thì không nắm vấn đề quản lý về đất đai, bởi hệ thống hồ sơ, dữ liệu đất đai đã được cải thiện nhiều so với trước đây. 

Ông Trần Văn Bảy cũng nêu ra một hạn chế khác của dự thảo luật là sự nhập nhằng trong phân định thẩm quyền chung, riêng khi giải quyết tranh chấp đất đai, gây hệ luỵ rất lớn. Cụ thể như trong Dự thảo Luật Đất đai hiện hành rất ít thẩm quyền của Chủ tịch UBND mà hầu hết giao chung chung, dẫn đến nhận thức tất cả đều là trách nhiệm tập thể. 

Lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh dẫn chứng theo quy định, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của UBND. Tuy nhiên, tập thể UBND họp mỗi tuần một lần nên chỉ bàn những chủ trương hệ trọng, còn vấn đề cụ thể, cá biệt đều là Chủ tịch UBND xử lý. Đến khi UBND bị kiện ra toà thì vấn đề lại thành trách nhiệm tập thể, cơ quan tố tụng còn kiểm tra xem có biên bản họp nào của UBND bàn về vụ việc không. Do đó, ông Bảy đề nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần rà soát để phân rõ thẩm quyền từng cấp và của thủ trưởng.

Theo ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nên quy định cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng là khi có tranh chấp thì UBND cấp xã nơi có tranh chấp tổ chức hòa giải, nếu hòa giải không thành thì tùy theo tính chất, mức độ tranh chấp mà giao cho UBND cấp có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND, thì có thể đề nghị UBND cấp trên trực tiếp giải quyết (lần 2) hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Liên quan đến giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai, Khoản 3 Điều 226 của Dự thảo luật quy định “Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính”.

Theo ông Luyến, quy định nêu trên của Dự thảo là làm hạn chế quyền công dân, không được khiếu nại lần 2 lên cấp trên của người giải quyết khiếu nại lần đầu và quy định này không thống nhất với quy định của Luật khiếu nại.

Ông Luyến đề nghị Điều 226 nên sửa, quy định là người khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết, thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trong khi đóng góp ý về nội dung liên quan đến quy định hòa giải tranh chấp đất đai ông Đỗ Văn Nhân, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum cũng đề nghị làm rõ, trong trường hợp các bên tranh chấp đất đai muốn hòa giải thông qua Tòa án (theo quy định tại khoản 1 Điều 224 dự thảo luật) thì trình tự, thủ tục thực hiện như thế nào? Quy định này có mâu thuẫn, trùng lặp với khoản 1 Điều 205 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hay không?

Điều 225, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

1. Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.

2. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại.

Nguồn Báo Tin tức

Tin cùng chuyên mục