PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH Tây Ninh:
Góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
Thứ tư: 15:10 ngày 23/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, sáng 23.10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp sáng 23.10

Góp ý về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị xem xét lại quy định: “việc người chưa thành niên không nhận tội không bị coi là không thành khẩn khai báo” được quy định tại khoản 1, Điều 18. Vì theo đại biểu, hiện nay, việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51, Bộ luật Hình sự, được xem xét, cân nhắc khi quyết định hình phạt đối với người thành khẩn hay không thành khẩn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định ý kiến trình bày của người chưa thành niên phải được tôn trọng, không bị coi là không đáng tin cậy chỉ vì lý do tuổi của họ; tuy nhiên lại quy định việc người chưa thành niên không nhận tội lại không bị coi là không thành khẩn khai báo thì không phù hợp, không khuyến khích được người chưa thành niên trình bày đúng sự thật (để được tôn trọng, đáng tin cậy) mà còn có nguy cơ gây khó khăn trong quá trình làm việc, xác minh làm rõ sự thật khách quan.

Đại biểu Phương lý giải thêm, tuy trách nhiệm chứng minh là của các cơ quan tố tụng, nhưng luật luôn khuyến khích để đối tượng thành khẩn khai báo và có chính sách xem xét đối với người thành khẩn. Việc người chưa thành niên không nhận tội trong khi thực tế mình có tội thì không thành khẩn khai báo; nếu cào bằng giữa người chưa thành niên thành khẩn nhận tội và người chưa thành niên không nhận tội thì không phù hợp.

Góp ý về quy định cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên được quy định tại Điều 28, đại biểu Phương thống nhất việc quy định cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc gia về tư pháp người chưa thành niên là Bộ Công an tại khoản 1, Điều 28, Dự thảo Luật. Đại biểu Phương cho biết, việc giao cho Bộ Công an làm cơ quan thường trực, là đầu mối trong công tác quản lý về tư pháp người chưa thành niên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; mặt khác, việc tiếp nhận, thụ lý nguồn tin ban đầu có liên quan đến người chưa thành niên, việc xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ngay giai đoạn đầu của quá trình thụ lý cũng do cơ quan Công an thực hiện; và những lý do khác được nêu tại Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Góp ý về giải quyết khiếu nại, kiến nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (từ Điều 69 đến Điều 72), đại biểu Phương nêu ý kiến, theo quy định của Dự thảo Luật, thì quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng có thể bị khiếu nại, kiến nghị; Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của người có thẩm quyền quy định tại Điều 71 của Luật này có hiệu lực pháp luật và là quyết định cuối cùng.

Đại biểu cũng nêu ý kiến, hiện nay, Viện Kiểm sát nhân dân có chức năng kiểm sát việc giải quyết đơn trong hoạt động tư pháp. Như vậy, việc giải quyết khiếu nại quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cũng được hiểu là giải quyết đơn khiếu nại trong hoạt động tư pháp, nhưng Điều 72 Dự thảo Luật chưa có quy định người có thẩm quyền giải quyết đơn (Cơ quan điều tra, Tòa án) phải gửi quyết định giải quyết đến Viện Kiểm sát để kiểm sát việc giải quyết. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định này vào khoản 3 Điều 72 Dự thảo Luật.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh góp ý về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đại biểu Phương cũng đề nghị khi hướng dẫn các điều luật liên quan, cần quan tâm đến chế độ chính sách của những người được giao thực hiện trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng được quy định tại Điều 79.

Vì theo đại biểu, tại khoản 1, quy định 12 nội dung về trách nhiệm mà người trực tiếp giám sát phải thực hiện; trong khi đó tại khoản 2 chỉ quy định 1 nội dung về quyền của người trực tiếp giám sát, đó là có quyền tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên.

Khi Luật Tư pháp người chưa thành niên có hiệu lực thi hành, thì dự báo số người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng sẽ tăng lên và đưa về cơ sở (là cấp xã) giám sát, giáo dục. Mà người được giao trực tiếp giám sát là: Người làm công tác xã hội; Cộng tác viên công tác xã hội cấp xã; Đại diện Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên hoặc người có uy tín trong cộng đồng dân cư có đạo đức tốt, có điều kiện, khả năng và kinh nghiệm trong việc giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên (theo quy định tại khoản 2 Điều 75).

Như vậy, khối lượng công việc của những người này sẽ tăng thêm; trách nhiệm nhiều hơn nhưng quy định về quyền thì quá ít, nhất là chế độ chính sách hỗ trợ gì khi họ thực hiện nhiệm vụ tăng thêm này.

Góp ý về nội dung được quy định tại khoản 3, Điều 156: “Người có nghĩa vụ bồi thường phải thực hiện hoàn trả Quỹ theo quy định”, đại biểu Phương đề nghị trong trường hợp phải tạm ứng kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em, thì cần có hướng dẫn quy định cụ thể việc hoàn trả trong bao lâu, lấy từ Quỹ toàn bộ số tiền bồi thường hay một phần, cần có tài liệu gì để chứng minh là không thể bồi thường được ngay, phải quy định nếu chưa hoàn trả lại khoản tiền đã ứng thì coi như chưa chấp hành xong bản án về trách nhiệm dân sự vì việc này có liên quan đến tính xóa án tích của người phạm tội.

Tố Tuấn (lược ghi)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục