Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 9.6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ đối với dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
ĐBQH Phạm Hùng Thái phát biểu tại tổ thảo luận.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Phạm Hùng Thái– Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh góp ý, Điều 21 dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của lực lượng công an tham gia bảo vệ đã rõ chủ thể; nhưng tại Điều 22, việc giao nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng, tổ chức địa phương chưa rõ, nội dung yêu cầu xây dựng kế hoạch, phương án… nhưng không nêu rõ chủ thể cụ thể là ai, lực lượng nào.
Đại biểu Phạm Hùng Thái đề nghị làm rõ chủ thể hoặc bỏ Điều 22. Điều 23 xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn nhưng cũng chưa nêu rõ chủ thể, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng, việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa ngay trong thời bình đó là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và toàn quân.
Cần phải có hành lang pháp lý hoàn thiện đủ mạnh và cần sự quan tâm nhận thức của bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc quản lý, bảo vệ công trình phòng thủ quốc phòng cũng như khu quân sự.
Thực tế, việc thực hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh còn nhiều điểm không đồng nhất, chưa khoa học và thiếu tính bền vững liên quan đến việc sử dụng các công trình quốc phòng và khu quân sự.
ĐBQH Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại tổ thảo luận.
Về nội dung bố cục, đại biểu Phương đề nghị Ban soạn thảo bỏ Điều 7 dự thảo Luật, vì theo ông, nội dung này thừa. Khi luật được thông qua, mặc nhiên cá nhân, tổ chức và công dân phải chấp hành.
Đại biểu Phương đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung đồng bộ việc giữ gìn bí mật, tuyệt đối an toàn đi đôi với việc tuyên truyền quảng bá, tham quan, nghiên cứu, học tập, giáo dục kiến thức cho thế hệ trẻ để đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người dân cũng như bạn bè quốc tế.
Thanh Trung
(lược ghi)