Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Gout là một bệnh rối loạn chuyển hoá các nhân purin
Thứ ba: 11:16 ngày 02/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hỏi: Nam, 37 tuổi, bị đau cổ chân đã 2 năm (thỉnh thoảng đau nhức không đi được), đã đi xét nghiệm acid uric 617 µmol/l. Như vậy có bị gout không? Thông thường chỉ số trung bình là bao nhiêu ạ? Tôi nên điều trị bằng thuốc như thế nào?

Hoàng Văn Th. (Tân Bình, Tân Biên)

Ðáp: Gout là một bệnh rối loạn chuyển hoá các nhân purin, đặc trưng của bệnh là tăng acid uric máu, gây lắng đọng các tinh thể urat ở các mô. Ở khớp gây ra viêm khớp cấp và mạn tính, ở mô mềm tạo ra hạt tô phi, ở thận gây ra viêm thận kẽ, sỏi thận... Nguyên nhân gây bệnh Gout chính là do acid uric máu cao, được gọi là tăng acid uric máu khi nồng độ acid uric máu vượt quá giới hạn tối đa của độ hoà tan của urat trong huyết tương, cụ thể là: trên 420 µmol/l đối với nam, trên 360 µmol/ đối với nữ. Nguyên nhân gây ra tăng acid uric máu thì có nhiều, người ta phân ra 3 loại như sau:

- Gout nguyên phát (đa số là gặp loại này) thường có yếu tố gia đình, khởi phát thường do ăn quá nhiều thức ăn chứa nhân purin và thường kèm theo uống quá nhiều rượu. Thường gặp chủ yếu ở nam giới tuổi trung niên và số ít là nữ ở tuổi sau mãn kinh.

- Gout thứ phát: hậu quả của tăng acid uric máu do tiêu tế bào quá mức (bệnh bạch cầu thể tuỷ mạn tính, thiếu máu huyết tán, bệnh vẩy nến diện rộng…) hoặc do suy thận.

- Gout do bất thường về enzym, do thiếu hụt hoàn toàn hoặc một phần enzym HGPRT, là enzym tham gia vào quá trình chuyển hoá acid uric, gây ra bệnh Gout khởi phát sớm ở trẻ em (rất nặng và hiếm gặp).

Ðiều trị cơn gout cấp: hậu quả của cơn gout cấp chính là gây ra viêm khớp cấp, do vậy, chúng ta phải dùng những nhóm thuốc chủ yếu là chống viêm, giảm đau như nhóm thuốc chống viêm không steroid: thuốc thường dùng là Diclofenac ống 75mg, tiêm bắp sâu 1-2 ống/ngày, tiêm 2-3 ngày sau đó dùng sang thuốc uống (như Meloxicam 7,5mg, piroxicam 20mg…) hoặc Felden 20mg ống tiêm bắp 1-2 ống/ngày x 3 ngày.

Colchicin: đây là thuốc được lựa chọn hàng đầu điều trị cơn gout cấp, do tác dụng chống viêm chọn lọc của thuốc này mà nhiều năm nay vẫn ưa chuộng, thuốc được chỉ định dùng ngay trong 12-36 giờ đầu của cơn gout cấp, liều dùng cần tư vấn của bác sĩ chuyên khoa do tác dụng phụ của thuốc có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, và có nguy cơ suy gan, suy thận, suy tuỷ xương…

Nhóm thuốc Corticosteroid: ít được sử dụng do tác dụng phụ của thuốc, tuy nhiên có thể sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt: ở những bệnh nhân viêm nhiều khớp cùng một lúc, không đáp ứng với colchicin và thuốc chống viêm không steroid hoặc sử dụng một số chế phẩm tiêm nội khớp bị viêm. Một số thuốc giảm đau khác như: Paracetamol (Efferalgan, Efferalgan-codein…), bệnh nhân có thể dùng muối kiềm Nabica gói 5g 1-2 gói/ngày, pha nước uống hoặc có thể dùng nước khoáng có kiềm nhằm kiềm hoá nước tiểu, tránh sỏi tiết niệu.

Theo những gì bạn mô tả, bạn có thể đã mắc gout nguyên phát. Ðể chắc chắn, bạn có thể tới phòng khám bệnh viện đa khoa để được các bác sĩ chẩn đoán và cho hướng điều trị bệnh.

BS LÊ TRUNG NGÂN

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh