Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gương sáng Sống giúp người nghèo, có trách nhiệm với cộng đồng
Thứ sáu: 14:00 ngày 08/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, ở tỉnh ta, xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu, trong đó có 3 cá nhân nổi bật với thành tích chăm lo, giúp đỡ người nghèo.

Anh Nguyễn Duy Hiếu được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương đoàn năm 2016 tại Hà Nội.

Lấy 1 tỷ đồng dưỡng già giúp đỡ người nghèo

Một ngày cuối năm, đến thăm ông Lê Văn Tới- Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu, cũng là lúc ông vừa tham dự Hội nghị toàn quốc người cao tuổi làm kinh tế giỏi lần thứ III ở Hà Nội trở về. Với tấm lòng tương thân tương ái, từ năm 2012 đến nay, ông Tới đã vận động người thân, gia đình và các mạnh thường quân xây tặng 14 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo trong huyện, tổng trị giá hơn 560 triệu đồng.

Đồng thời, ông Tới đã nhận hỗ trợ 7 cụ già trong và ngoài xã Thanh Phước với mức hỗ trợ mỗi tháng từ 100.000 - 300.000 đồng/cụ, liên tục trong 2 năm; tặng 4 chiếc xe lăn và 4 cây gậy cho người già, người tàn tật đi lại khó khăn. Trong mỗi dịp Tết nguyên đán, gia đình ông Tới còn tặng quà cho người nghèo có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện vui xuân, đón tết.

Chị Lâm Thị Có được lãnh đạo tỉnh khen thưởng tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh việc thực hiện các hoạt động từ thiện, trong năm 2017, ông Lê Văn Tới còn đóng góp 73 triệu đồng để nâng cấp, mở rộng đường làng ngõ xóm thêm khang trang, thuận tiện cho việc đi lại. Gia đình ông cũng rất quan tâm đến việc học hành của trẻ em nghèo tại địa phương. Biết bà Nguyễn Thị Bàu, ở ấp Bến Mương, xã Thạnh Đức bị mù loà, ông Tới đã hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật mắt cho bà Bàu.

Ngoài ra, ông Tới còn tặng cháu nội của bà Bàu một chiếc xe đạp để cháu đến trường và hỗ trợ gia đình bà Bàu 300.000 đồng/tháng trong thời gian 15 tháng. Năm 2012, ông Tới còn gửi tiền giúp đỡ 2 học sinh khác ở xã Thạnh Đức có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, đến mùa tựu trường, ông Tới đều tặng quần, áo, sách vở, xe đạp… cho học sinh nghèo trong xã.

Ông Lê Văn Tới chia sẻ, ông từng trải qua những năm tháng khó khăn, nên rất cảm thông với những người nghèo khó. Ông Tới kể: “Trước đây, con cháu trong gia đình hùn lại cho tôi 1 tỷ đồng để dưỡng già. Tôi đã lớn tuổi rồi, ăn uống không bao nhiêu, nếu bị bệnh, chắc cũng không tốn tiền điều trị nhiều, vì mình có bảo hiểm y tế. Vì vậy, tôi đem số tiền 1 tỷ đi làm từ thiện.

Từ năm 2012 đến nay, cứ mỗi năm tôi chi 200 triệu đồng giúp đỡ bà con nghèo”. Nhận thấy, lấy tiền quỹ cá nhân để giúp bà con không phải là cách lâu dài, ông Tới nghĩ phải cho họ một “cần câu cơm”. Hiện nay, lão nông này đang đầu tư 60 triệu đồng xây chuồng, mua dế và cà cuống về nuôi thí nghiệm. Ông Tới dự tính: “Sau khi nuôi thành công, tôi sẽ hướng dẫn bà con trong xã làm kinh tế gia đình bằng mô hình này”.

Ông Lê Văn Tới nuôi thử nghiệm dế để hướng dẫn bà con nghèo trong xã làm kinh tế gia đình.

Với những việc làm thiết thực, cụ thể vì người nghèo, nhiều năm qua, ông Tới được Chủ tịch UBND tỉnh và Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Riêng năm 2017, ông Tới vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương hội Người cao tuổi Việt Nam tặng bằng khen, vì “đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước Tuổi cao - Gương sáng”; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì “đã có thành tích hiến đất, đóng góp kinh phí để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn”, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh tặng bằng khen vì “đã có thành tích thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2013 - 2016”.

Tuổi trẻ năng động với nhiều mô hình vì cộng đồng

Với vai trò là Bí thư Xã đoàn Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành, Nguyễn Duy Hiếu thường xuyên quan tâm và chỉ đạo phong trào thanh thiếu nhi ở địa phương hoạt động tốt, đạt nhiều thành tích. Các phong trào, cuộc vận động như: “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”... được triển khai đến các chi đoàn đều thu hút đoàn viên, thanh niên và các em thiếu nhi tham gia. Hiếu còn tổ chức, vận động đoàn viên, thanh niên hiến máu tình nguyện; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người già neo đơn, gia đình khó khăn; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp cho thanh niên địa phương...

Trong cuộc vận động “Tuổi trẻ Hoà Thành chung tay xây dựng nông thôn mới”, Nguyễn Duy Hiếu đã vận động người dân và mạnh thường quân đóng góp thực hiện 7 công trình “Thắp sáng đường quê” với tổng chiều dài hơn 7,5km, trang bị 273 bóng đèn trị giá hơn 100 triệu đồng. Hiếu luôn suy nghĩ, tìm tòi các phương thức hoạt động mới, thiết thực nhằm thu hút thanh niên trên địa bàn tham gia. Nhiều mô hình, cách làm mới do anh đề xuất đã được triển khai và mang lại hiệu quả tích cực.

Cụ thể như mô hình “Tái sử dụng rác vì môi trường” được Đài Truyền hình VTV1 ghi hình và phát trong chương trình “Khoảnh khắc thường ngày - Vì cuộc sống xanh”. Mô hình “1+1” được Tỉnh đoàn đánh giá cao và chỉ đạo thực hiện toàn tỉnh, trong thời gian từ năm 2017 - 2022. Mô hình “Vui cùng bóng cả” được nhân rộng trên toàn huyện...

Lãnh đạo tỉnh khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Qua học tập, lao động và rèn luyện, Nguyễn Duy Hiếu được khen tặng nhiều danh hiệu như: “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”, “Cán bộ Đoàn giỏi”, gương điển hình trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp huyện năm 2013, “Đảng viên trẻ tiêu biểu” tỉnh Tây Ninh năm 2015, “Công dân trẻ tiêu biểu tỉnh Tây Ninh” năm 2016. Đặc biệt, anh Hiếu vinh dự là gương cán bộ Đoàn duy nhất được ghi vào Kỷ yếu Đại hội “Thi đua yêu nước” tỉnh Tây Ninh lần thứ IV (2010 - 2015) và được trao Giải thưởng Lý Tự Trọng.

Từ năm 2007 đến nay, anh Nguyễn Duy Hiếu đã góp phần rất lớn đưa hoạt động Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của xã đi vào nề nếp, trở thành một trong những đơn vị giữ vững danh hiệu “Vững mạnh - Xuất sắc” 10 năm liên tục, được Đoàn cấp trên đánh giá cao, được nhận Cờ thi đua của Trung ương đoàn và nhiều bằng khen của UBND tỉnh.

Trong năm 2018, Bí thư Xã đoàn Nguyễn Duy Hiếu còn đưa ra mô hình “Hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn xã”. Hiếu chia sẻ: “Vào những ngày thứ bảy, chủ nhật, em còn hỗ trợ các anh, các chú bị khuyết tật trong xã tập luyện và thi đấu giao lưu môn bóng chuyền. Qua đó, giúp các chú rèn luyện sức khoẻ và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống”.

Nhiều mô hình kinh tế giúp nông dân thoát nghèo

Là phụ nữ, nhưng chị Lâm Thị Có (sinh năm 1967)- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Ninh, Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất - thương mại - dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh (HTX nông nghiệp Phước Ninh), huyện Dương Minh Châu, có những thành tích đáng nể, không kém đàn ông. Trong học tập và làm theo gương Bác, chị Có luôn suy nghĩ và tìm ra mô hình mới, cách làm hay để giúp đỡ các hội viên có điều kiện thoát nghèo.

Chị Có đã cùng Ban Chấp hành Hội Nông dân xã tích cực vận động nông dân chuyển đổi từ cây lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có thu nhập cao hơn, định hướng cho nông dân phát triển kinh tế theo mô hình tập thể để gia tăng hiệu quả sản xuất. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành được một số tổ hợp tác hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả cao như: HTX nông nghiệp Phước Ninh; tổ hợp tác nuôi ba ba, cá lóc, bò sinh sản; tổ may gia công, đan lát, sản xuất nhang; tổ liên kết trồng hoa thiên lý; tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi gà thả vườn…


Chị Lâm Thị Có (bìa trái) phục vụ tại bếp ăn “Cơm trưa nghĩa tình” của xã Phước Ninh.

Để tạo nguồn vốn cho hội viên phát triển kinh tế gia đình, chị Lâm Thị Có đã chủ động xây dựng các dự án vay vốn. Trong 5 năm, Hội Nông dân xã đã hỗ trợ 350 lượt hộ nông dân trong xã được duyệt vay hơn 10 tỷ đồng. Qua đó, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động địa phương. Hội Nông dân cũng đứng ra triển khai nhiều dự án hỗ trợ công cụ lao động không hoàn lại cho các hộ nghèo, khó khăn như: cấp 130 máy se nhang đạp chân, 5 máy chẻ nan, 25 máy phun xịt thuốc, tổng giá trị ước tính trên 700 triệu đồng.

Hội còn tích cực vận động những hộ khá giả chung tay giúp đỡ các hộ còn khó khăn bằng hình thức bán trả chậm con giống ba ba, gà, bò, cày bao vụ… với tổng giá trị trên 700 triệu đồng; liên kết phân phối 230 tấn lúa giống cho hội viên; bán gần 2 ngàn tấn phân trả chậm không tính lãi, tổng thành tiền trên 21 tỷ đồng.

Chị Lâm Thị Có còn vận động các doanh nghiệp, các hộ dân có điều kiện trên địa bàn hỗ trợ hằng tháng cho 65 lượt hội viên có hoàn cảnh khó khăn, già, neo đơn, mất khả năng lao động... Tổng giá trị thành tiền hơn 234 triệu đồng; xây tặng 24 căn nhà “Mái ấm nông dân” cho hội viên Nông dân nghèo, tổng trị giá 720 triệu đồng.

Với những thành tích đạt được, chị Có đã vinh dự 6 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen, 4 lần được Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu tặng giấy khen, vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và trong công tác Hội cơ sở. Riêng hợp tác xã do chị Lâm Thị Có làm Phó Giám đốc, 2 năm liền (2016 - 2017) được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; năm 2017 nhận Cờ thi đua của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong khối thi đua hợp tác xã nông nghiệp cụm miền Đông Nam bộ.

Đ.D

Tin cùng chuyên mục