Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hà Nội chiến thắng và nỗi lo thực tế của đội tuyển Việt Nam
Thứ tư: 21:09 ngày 28/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hà Nội vào chung kết liên khu vực AFC Cup 2019, nhưng niềm vui của họ chưa chắc là lời động viên cho HLV Park Hang-seo trước trận đấu với Thái Lan.

Hàng thủ có thể là mắt xích yếu nhất đối với tuyển Việt Nam ở những trận đấu sắp tới. Ảnh: Đức Đồng.

Nếu căn cứ vào thể thức thi đấu của AFC Cup 2019, đây mới là vòng tứ kết. Vượt qua Altyn Asyr, đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm sẽ gặp đội thắng trong cặp bán kết liên khu vực giữa đại diện của Bangladesh và Triều Tiên. Nếu thắng nữa mới đá chung kết với đại diện đến từ Tây Á. Như vậy, xét về thành tích, Hà Nội hiện nay chỉ ngang bằng với kết quả mà Bình Dương giành được ở mùa 2009.

Còn xét về yếu tố trình độ, trận tứ kết năm 2009, Bình Dương đánh bại Chonburi của Thái Lan để vào bán kết. Lúc đó, Chonburi là một trong hai đội bóng mạnh nhất của Thái Lan, vốn xếp thứ 115 FIFA, còn Việt Nam lúc đó chỉ đứng thứ 145, ngay trên... Turmenistan.

Hiện nay, vị trí của Việt Nam là 97, còn Turmenistan là 132. Nếu cho rằng bảng thứ tự FIFA chỉ mang tính chất tương đối, thì căn cứ vào thành tích thi đấu gần nhất, bóng đá Việt Nam vẫn tốt hơn. Ở Asian Cup 2019, thầy trò Park Hang-seo vào đến tứ kết, trong khi Turmenistan toàn thua ba trận, trong đó có thất bại 0-4 trước Uzbekistan - một đội bóng mà Việt Nam có thể chơi ngang ngửa.

Nếu khắt khe một chút, việc Hà Nội đi tiếp không thể xem là điều gì quá đặc biệt lúc này, cũng chưa vội khẳng định Việt Nam đang có những sự phát triển đặc biệt nào đó ở trình độ đội tuyển. Dù Altyn Asyr cũng là một "đội tuyển Turmenistan thu nhỏ", kinh ngiệm thi đấu của họ không thể bằng "đội tuyển Việt Nam thu nhỏ". Từ năm 2018, Turmenistan chỉ đá khoảng bảy trận quốc tế. Giải vô địch quốc gia của họ chỉ có tám CLB nên đá đến hai giai đoạn để có tổng cộng 28 vòng mỗi mùa. Kể cả như vậy cũng chỉ bằng phân nữa số trận đấu mà nhiều cầu thủ Hà Nội đã trải qua gần hai năm qua.

Do đó, Hà Nội đi tiếp là sự khích lệ chủ yếu ở góc độ tinh thần, về bản lĩnh của bóng đá Việt Nam ở các sân chơi quốc tế và phần nào đó cho thấy chúng ta đang "thừa" cầu thủ giỏi qua việc Văn Quyết tỏa sáng như vậy mà còn không được triệu tập lên đội tuyển.

Nhưng bên cạnh những điều vui vẻ, cũng có vài chi tiết gây lo ngại. Ở lượt đi, trong một thế trận được kiểm soát tốt, Hà Nội dứt điểm đến 33 lần nhưng chỉ bảy lần bóng đi đúng hướng và ghi ba bàn. Tỷ lệ chuyển hóa cơ hội rõ ràng rất tệ.

Nhưng đáng nói hơn, đó là việc để thủng lưới hai bàn trong hai lần Altyn Asyr thực hiện các cú sút đi đúng hướng. Đến trận lượt về, hàng phòng ngự của Hà Nội để đối thủ tung đến bảy cú sút trúng mục tiêu. Đại diện của Turmenistan cũng thực hiện đến chín cú sút trong vòng cấm địa và những lần xuyên phá đó đã đem cho họ hai quả phạt đền.

Nếu Quang Hải, Văn Quyết đáng khen như thế nào, thì cũng cần dành bấy nhiêu đó sự lo ngại về khả năng phòng ngự của Hà Nội. Và có thể phải nhân đôi sự lo lắng ấy khi nghĩ đến đội tuyển quốc gia trước trận đấu với Thái Lan ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.

Theo danh sách sơ bộ, Hà Nội vẫn là bộ khung chính của đội tuyển Việt Nam. Việc có nhiều cầu thủ Hà Nội ở hàng phòng thủ là một sự bất hợp lý không hề nhỏ. Họ không phải là đội bóng giỏi phòng thủ. Ngay mùa trước, dù gần như "vô đối", không đội nào muốn căng sức đá với họ, nhưng Hà Nội cũng... kịp nhận đến 30 bàn thua, chỉ xếp thứ năm trong danh sách các hàng phòng ngự tốt nhất. Mùa này, con số đã là 21 dù còn năm trận chưa đấu.

Về lý thuyết, một đội bóng có năng lực vượt trội trong tấn công thì sẽ thủng lưới ít do gặp sự kháng cự yếu từ đối phương. Nhưng Hà Nội thì ngược lại, họ có thể thủng lưới trước mọi đối thủ từ yếu đến mạnh. Ví dụ như, nếu đừng để chia điểm phút cuối ở các trận gặp HAGL, Khánh Hòa, TP HCM thì có lẽ giờ đây họ đã không phải căng sức đá V-League. Cũng vì phòng thủ kém mà dù hàng công làm rất tốt trước Altyn Asyr, đại diện của Việt Nam vẫn ở trong tình trạng có thể bị loại bất kỳ lúc nào nếu đối phương ghi thêm một bàn thắng nữa.

Đấy cũng là vấn đề của đội tuyển Việt Nam. Đoàn Văn Hậu và Đình Trọng đều chấn thương nên Đỗ Duy Mạnh không thể nghỉ ngơi phút nào từ đầu năm đến nay dù cũng ở trong tình trạng tiêm thuốc giảm đau để đá. Cặp trung vệ của Việt Nam hiện nay tạo sự yên tâm vẫn là Ngọc Hải – Duy Mạnh. Nếu Duy Mạnh không thi đấu, ông Park có lẽ phải dùng Ngọc Hải – Tiến Dũng, bộ đôi trung vệ của đội bóng mới lên hạng Viettel.

Trong 10 tuyển thủ biên chế ở hàng phòng ngự, có hai người đến từ HAGL, đội bóng xếp thứ hai về số bàn thủng lưới tại V-League mùa này. Cả Hồng Duy vẫn Văn Thanh đều trong tình trạng "hậu chấn thương". Việc sử dụng nhiều hậu vệ đến từ các đội bóng chuyên chơi tấn công rõ ràng là không ổn cho kiểu "chiến trường" càng đi xa thì càng khó hơn như vòng loại World Cup.

Cái đáng báo động là HLV Park Hang-seo không có giải pháp thay thế. Ông từng phải đưa Đình Trọng xuống đá U23 để nâng chất hàng thủ trong trận thắng U23 Thái Lan ở vòng loại giải U23 châu Á, rồi bây giờ đưa Đỗ Thanh Thịnh từ U23 lên để phòng trường hợp Duy Mạnh không thể đá chính. Mặc dù thầy Park đã bổ sung đến ba hậu vệ cho lần tập trung này, gồm Hữu Tuấn, Thanh Thịnh và Lâm Anh Quang, nhưng cơ hội để có tên trong 23 người sang Thái Lan là rất nhỏ, chứ đừng nói đến việc được đá chính.

Phải chăng HLV Park Hang-seo thiên vị cầu thủ Hà Nội và HAGL? Chưa hẳn là vậy. Theo thống kê, từ AFF Cup 2018, trong số khoảng 15 đến 17 cầu thủ mới được triệu tập cho các chiến dịch quốc tế thì 13 người đá ở hàng phòng ngự. Có thể kể ra như Phạm Văn Thành, Đinh Viết Tú, Phạm Văn Cường, Nguyễn Hoàng Quốc Chí (trước AFF Cup 2018), Lục Xuân Hưng, Ngô Tùng Quốc, Hồ Tấn Tài, Ngân Văn Đại (Asian Cup 2019), Trần Nguyên Mạnh, Huỳnh Tấn Sinh (King’s Cup)...

Có người lên, về, rồi lên lại. Có người lên rồi... đi luôn. Và đến đợt tập trung lần này, những cái tên đáng chú ý nhất vẫn nằm ở hàng thủ, bao gồm thủ môn Tuấn Mạnh, hậu vệ Lâm Anh Quang, Đỗ Thanh Thịnh, Nguyễn Hữu Tuấn... Chỉ duy nhất trường hợp tiền đạo Hà Minh Tuấn là bổ sung cho tuyến trên.

Trong khi dư luận hay tập trung tranh cãi chuyện Công Phượng – Văn Quyết hay phong độ của Tuấn Anh - Xuân Trường, với HLV Park Hang-seo, mối bận tậm lớn nhất chính là hàng thủ. Một nhà cầm quân có tham vọng như ông, muốn đi thật xa, thì chắc chắn phải đề cao tự tin cậy của hàng thủ. Đá với các đối thủ ngang và mạnh hơn, thủng lưới một bàn thì tai hại gấp 10 lần việc bỏ lỡ một cơ hội.

Hàng chục hậu vệ đã được gọi lên, kể cả những người ít được chú ý như Lâm Anh Quang, Nguyễn Hữu Tuấn (TP HCM) vốn dĩ không còn trẻ, từng đá hạng Nhất, điều này cho thấy ông Park Hang-seo theo dõi rất kỹ từng cầu thủ tại V-League, hầu như không bỏ sót ai.

Nhưng cuộc thử nghiệm ở hàng phòng ngự từ gần một năm nay dường như chưa có kết quả. Phải chăng, đó là hệ quả của trào lưu cổ xúy cho bóng đá đẹp một cách quá đà, tạo ra ác cảm đối với những đội bóng vốn sở trường phòng ngự trong khoảng ba năm gần đây?

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục