Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Số ca nhập viện do sốt xuất huyết tăng khoảng 40% ở TP.HCM, tăng mạnh 190% ở Hà Nội. Hiện mỗi tuần cả nước có khoảng 1.700-1.800 người bệnh.
Bệnh nhi bệnh sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
* Hà Nội: Sáng 21-6, Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với đại diện các quận huyện, bàn cách chống dịch sốt xuất huyết đang gia tăng rất mạnh. Tính đến 21-6, Hà Nội đã có trên 2.000 người bệnh sốt xuất huyết, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ 2016.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, các quận nội thành, dân cư tập trung đông như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm đang là những khu vực trọng điểm sốt xuất huyết.
Theo ông Hạnh, thông thường mùa dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội là tháng 9-11 hằng năm, nhưng năm nay mùa dịch bắt đầu từ rất sớm - từ đầu tháng 5, đã có một nữ sinh viên 19 tuổi tử vong sau nhiều năm Hà Nội không có người sốt xuất huyết tử vong.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay dù người sốt xuất huyết vẫn tập trung ở khu vực miền Nam (gần 70% người bệnh), nhưng gần 6 tháng đầu năm sốt xuất huyết cũng gia tăng mạnh ở nhiều tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, tăng gần 190% so với cùng kỳ 2016.
Ông Phu cho hay sốt xuất huyết cũng tăng mạnh ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi... .
* TP.HCM: Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết số người bệnh mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng từ đầu tháng 6 đến nay.
Trong ngày 20-6, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có đến 139 người bệnh mắc sốt xuất huyết nằm điều trị, trong đó có 108 người bệnh là người lớn, chỉ có 31 người bệnh là trẻ em. Số người bệnh nhập viện điều trị tăng khoảng 30-40% so với những ngày trong tháng 5.
So với thời điểm này năm ngoái, năm nay số người bệnh nhập viện đã tăng lên gấp đôi. Thời gian gần đây số người lớn mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng lên.
Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM Phan Trọng Lân cho biết, ở khu vực phía Nam, sốt xuất huyết đã dịch chuyển đáng kể từ Tây Nam Bộ sang các tỉnh thành có kinh tế phát triển nhanh và công nghiệp hóa cao như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuổi của người bệnh cũng thay đổi, trước 2007 bệnh nhân sốt xuất huyết là người lớn chỉ chiếm 20%, nay đã lên 43%.
* Các tỉnh miền Tây, cụ thể là Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau, Hậu Giang, TP Cần Thơ cũng có nhiều ca sốt xuất huyết. Các địa phương này cho biết dù mới vào mùa mưa nhưng lượng mưa nhiều nên mật độ lăng quăng, muỗi nhiều, dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ gia tăng mạnh, diễn biến khó lường.
Tại TP Cần Thơ, đến ngày 19-6 ghi nhận từ Trung tâm Y tế dự phòng, số ca bệnh sốt xuất huyết đã lên đến 530 trường hợp mắc bệnh (cùng kỳ là 372 ca).
Trong đó, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ là nơi tiếp nhận lượng bệnh mắc sốt xuất huyết nhiều nhất. Ở khu vực khám, điều trị ngoại trú ghi nhận trên 2.600 ca bệnh nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, trong đó trên 900 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị (khoảng 50% là bệnh tại Cần Thơ).
Tại Sóc Trăng, bác sĩ CK II Nguyễn Thị Mỹ Hà, Giám đốc Bệnh viện Sản - nhi Sóc Trăng, cho biết: “Bệnh sốt xuất huyết trong những ngày qua tăng đáng lo ngại. Chỉ trong vòng 20 ngày của tháng 6, bệnh viện đã điều trị 65 ca bệnh sốt xuất huyết. Dự báo trong những ngày tới, bệnh sốt xuất huyết có khả năng sẽ bùng phát, vì vậy bệnh viện bắt đầu tổ chức tập huấn hướng dẫn phòng ngừa, phác đồ xử trí bệnh sốt xuất huyết cho các bệnh viện tuyến dưới”.
Phòng ngừa sốt xuất huyết
Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, người dân nên vệ sinh môi trường, không nên để đọng nước.
Sốt xuất huyết ở người lớn thường bị xuất huyết nhiều hơn. Phụ nữ ở tuổi sinh đẻ khi mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ bị rong huyết, rong kinh nhiều hơn. Những người bị béo phì, thừa cân, những người mắc bệnh tim, bệnh thận khi mắc bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ nặng hơn những người bình thường khác.
Nên thường xuyên thay nước ở bình hoa, bình trồng cây thủy sinh, loại bỏ vật liệu phế thải như vỏ chai nhựa, vỏ xe, hộp sắt phế liệu, lấp hố nước tự nhiên, đậy kín dụng cụ chứa nước...
Nguồn TTO