Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hạ tầng thuỷ lợi- yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp
Thứ năm: 14:31 ngày 07/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những năm qua, ngành Nông nghiệp của Tây Ninh có những sự phát triển vượt bậc, người dân chủ động được nguồn nước tưới, tiêu để canh tác các loại cây trồng phù hợp mà không sợ thiếu nước hay ngập úng. Cây mì, cây mía đã cho hiệu quả ổn định, cây lúa cũng cho năng suất, chất lượng cao hơn, nông dân rất phấn khởi.

Hệ thống kênh tiêu Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.

Hạ tầng thuỷ lợi ngày càng đồng bộ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 hồ chứa nước (Dầu Tiếng, Tha La, Nước Trong 1, Nước Trong 2), 10 trạm bơm điện, 1.759 tuyến kênh tưới, 365 tuyến kênh tiêu và 24 tuyến đê bao; phục vụ nhu cầu cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khoảng 150.270,65 ha/3 vụ (khoảng 75% diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong đó cấp nước tưới chủ động 120.936,71 ha, đạt tỷ lệ 80%); tiêu nước cho gần 97.000 ha; cấp nước công nghiệp khoảng 7 triệu m3/năm; ngăn lũ và bảo vệ cho 2.709 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Với số lượng công trình thuỷ lợi nêu trên, hệ thống thuỷ lợi tỉnh Tây Ninh cơ bản hoàn chỉnh, đầy đủ và có ưu điểm lượng nước phong phú, dồi dào, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt của người dân quanh năm. Bên cạnh đó, với hệ thống thuỷ lợi cung cấp nước tưới tự chảy hằng năm, người dân không tốn năng lượng để bơm tưới vào cánh đồng, thuận lợi trong quá trình lấy nước vào mặt ruộng với chi phí rẻ.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tuyến kênh được đầu tư từ giai đoạn 1985 có dấu hiệu xuống cấp, bị sạt lở, bồi lắng, một số vị trí bị thấm, làm lòng kênh bị thu hẹp và dòng chảy không ổn định, do đó, đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi phải thường xuyên duy tu, bảo trì, bảo dưỡng công trình.

Trước năm 2023, khu vực sản xuất nông nghiệp khó khăn về nguồn nước tưới, chủ yếu ở những nơi chưa có hệ thống thuỷ lợi, trong đó có một số khu vực các xã Long Phước, Long Khánh, Long Chữ thuộc huyện Bến Cầu; Hoà Hội, Thành Long, Ninh Điền, Long Vĩnh thuộc huyện Châu Thành bị chia cắt với hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, nguồn nước khó khăn, phụ thuộc vào thuỷ triều ven sông Vàm Cỏ Đông.

Sau khi dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (giai đoạn 1) hoàn thành đã phục vụ cấp nước tưới tự chảy cho khu vực trên từ vụ Đông Xuân năm 2022-2023 với diện tích khoảng 2.037 ha/vụ, giúp người dân tăng số vụ canh tác, tăng lợi nhuận, đồng thời phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân.

Hệ thống kênh tưới cấp 2, cấp 3 trong tỉnh đảm bảo cung cấp nước cho người dân canh tác nông nghiệp.

Tiếp tục đầu tư hạ tầng thuỷ lợi

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho biết, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: “Trạng thái khí quyển và đại dương hiện đang trong điều kiện El Nino. Dự báo trong ba tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%. Trong ba tháng tiếp theo, El Nino giảm dần về cường độ nhưng vẫn có khả năng duy trì tới tháng 6.2024 với xác suất khoảng 60%-65%, nguy cơ xảy ra hạn, thiếu nước cục bộ tại một số khu vực”.

Trên địa bàn tỉnh, theo tính toán, việc thiếu nước tưới chủ yếu xảy ra tại một số khu vực nằm ngoài phạm vi cấp nước của hệ thống công trình thuỷ lợi, như cánh đồng Khedol (thuộc xã Thạnh Đông- thành phố Tây Ninh và các xã: Phan, Suối Đá- Huyện Dương Minh Châu), nguyên nhân chủ yếu: khu vực cánh đồng có địa hình khá cao, mặt đất tự nhiên với cao độ từ khoảng +25m đến +45m, cao hơn mực nước dâng bình thường của hồ chứa nước Dầu Tiếng (+24,4m).

Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất dự án Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh, nguồn vốn vay ADB, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó có hợp phần xây dựng hạ tầng thuỷ lợi, giao thông phục vụ phát triển nông nghiệp thông minh Huyện Dương Minh Châu với nhiệm vụ phục vụ cấp nước tưới tiêu cho 3.283 ha thuộc xã Tân Hưng (huyện Tân Châu), xã Tân Bình (thành phố Tây Ninh) và xã Suối Đá (Huyện Dương Minh Châu). Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước khu vực nêu trên.

Hệ thống thuỷ lợi đồng bộ đảm bảo cấp nước đầy đủ, người dân nhiều vùng trong tỉnh đã chủ động sản xuất lúa 3 vụ mang hiệu quả cao

Chủ động nguồn nước sản xuất nông nghiệp năm 2024

Năm 2024, để chủ động triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó với hạn, thiếu nước có thể xảy ra, bảo đảm việc cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cần theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn để xây dựng kế hoạch cấp nước phục vụ tưới tiêu, vận hành an toàn đập, hồ chứa, hệ thống kênh; thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thuỷ lợi để vận hành, điều tiết kịp thời, hợp lý; chủ động nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp..

UBND các huyện, thị xã, thành phố cần theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn; chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hạn, thiếu nước phù hợp với tình hình thực tế, trong đó hướng dẫn người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân; tuyên truyền, vận động, phổ biến người dân chủ động áp dụng các giải pháp trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian có nguy cơ hạn, thiếu nước; thông tin kế hoạch sản xuất, kế hoạch cấp nước tưới đến người dân biết và chủ động sản xuất; hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị người dân thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo; hướng dẫn, khuyến cáo và định hướng của cơ quan chức năng để thực hiện các giải pháp ứng phó phù hợp, như: xây dựng kế hoạch sản xuất, linh hoạt, gieo trồng đồng loạt, tập trung theo từng vùng; ưu tiên sử dụng giống cây trồng chất lượng cao, ngắn ngày, chịu hạn; trữ nước, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, luân phiên, đúng thời điểm, đáp ứng nhu cầu dùng nước theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng trong thời gian có nguy cơ hạn, thiếu nước; chủ động điều tiết nước trong đồng ruộng, bón phân, phun thuốc và thu hoạch kịp thời.

Theo dự tính, với mực nước hiện nay của hồ Dầu Tiếng trên 21,5m, vụ Đông Xuân năm 2023-2024 đã thực hiện đầy đủ cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt đến cuối vụ vào ngày 31.3.2024. Theo kết quả cân bằng nguồn nước cả năm 2024, đến thời điểm này, mực nước hồ Dầu Tiếng dao động từ 21-22m, bảo đảm cấp nước cho vụ Hè Thu, vụ Mùa và cả năm 2024.

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục