Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Thành tích ghi bàn ấn tượng của HAGL mùa này cho thấy các cầu thủ trẻ có sự trưởng thành sau quãng thời gian bị "vùi dập" ở V-League.
HAGL ở V-League 2019 sở hữu thông số kỳ lạ. Bằng cách nào, một đội bóng thủng lưới tới 46 bàn (gần 2 bàn/trận) có thể giành 35 điểm và đứng hạng tám chung cuộc? Nên nhớ, bốn đội bóng còn lại thủng lưới nhiều hơn 40 bàn mùa này đều đứng ở nhóm cuối bảng. Chỉ có HAGL đứng giữa bảng.
Nhìn "thành tích" phòng ngự của HAGL để thấy, đội bóng của bầu Đức đứng ở vị trí thứ tám chung cuộc đã là một "phép lạ", dẫu chỗ đứng này vẫn khiêm tốn so với nhiều đội V-League, và khiêm tốn so với chính kỳ vọng của HAGL.
Phép lạ ấy được tạo ra từ hàng công, nơi Minh Vương, Văn Toàn, Tuấn Anh, Ngọc Quang,... cùng nhau ghi tới 45 bàn cho HAGL, chỉ kém một mình Hà Nội FC. Bốn mùa trước, HAGL lần lượt ghi 33, 39, 34 và 41 bàn, kém mùa này từ 4 đến 12 bàn. Đáng khen hơn, HAGL bùng nổ ở khâu tấn công dù vắng bóng nhiều cầu thủ quan trọng.
Công Phượng sang Hàn Quốc chơi cho Incheon United, rồi lại "du học" ở Sint-Truidense. Xuân Trường sang Buriram United thi đấu không thành công, về HAGL giai đoạn hai đá vài trận rồi chấn thương dây chằng. Cộng với Văn Thanh, Tuấn Anh mới trở lại, bộ khung tấn công của HAGL về cơ bản là yếu đi về nhân sự, không có bổ sung đáng kể.
Vậy số bàn thắng dồi dào HAGL có được là do đâu?
Cầu thủ ghi nhiều bàn nhất của HAGL mùa này là Trần Minh Vương. Từng là "cái bóng" của thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường,... và chật vật tìm chỗ đứng ở HAGL, Minh Vương mùa này được giải phóng khi bộ khung tấn công của lứa U19 JMG khoá đầu bị khuyết nhiều cái tên, như đề cập ở trên.
Không nhiều người nghĩ tới viễn cảnh Minh Vương cạnh tranh danh hiệu vua phá lưới nội tới phút chót. Cầu thủ sinh năm 1995 lần lượt ghi hattrick vào lưới Hải Phòng, thêm một cú đúp nữa vào lưới Khánh Hoà để có 5 bàn/3 trận cuối, bứt phá trong cuộc đua bàn thắng.
Cách Minh Vương toả sáng, cũng giống cách vận hành của nhiều đội bóng trẻ: không ai nghĩ họ hay, họ sẽ hay.
Thay vì bó buộc vào công thức tấn công bất biến, phải đá kiểm soát, đá đẹp, HAGL mùa này sẵn sàng phòng ngự, rình rập cơ hội phản công. Thống kê của V-League Stats cho thấy HAGL ghi tới 18 bàn từ phản công, nhiều nhất V-League, chiếm 40% tổng số pha lập công.
Không bị gò bó, không được đặt nhiều kỳ vọng (khác hẳn bốn mùa giải trước), đôi chân cầu thủ HAGL được giải phóng. Số bàn thắng là "quả ngọt" của một cái cây được cho phép tự vươn mình.
Văn Toàn là cầu thủ nội sáng giá nhất HAGL mùa này với 11 đường kiến tạo, bên cạnh 9 bàn thắng. Một mình Văn Toàn đặt dấu ấn vào tổng số 20 bàn thắng của đội chủ sân Pleiku. Không còn Công Phượng, ngoại binh cũng dở, Văn Toàn được giao vai trò chủ công và chơi xuất sắc.
Văn Toàn (trái) có tốc độ và sự tinh quái.
Lối chơi của Văn Toàn có phần đơn giản, dựa nhiều vào những pha bứt tốc quãng ngắn, chạy chỗ phá bẫy việt vị và ghi bàn. Khả năng dứt điểm của số 9 cũng không xuất chúng. Song, HAGL không cần cầu thủ xuất chúng. Họ cần những cầu thủ làm tốt nhiệm vụ, chơi bóng đơn giản và tận hiến như Văn Toàn.
Minh Vương, Tuấn Anh cũng có mùa giải hay nhờ việc được "trui rèn" qua bão lửa V-League. Thay vì dễ dàng sụp đổ nếu bị dẫn trước, HAGL mùa này là đội đầu tiên thắng Thanh Hoá FC trên sân khách, cầm hoà Hà Nội FC với bàn gỡ phút bù giờ, đánh bại CLB TP.HCM hay Than Quảng Ninh - các đội về nhì, về ba chung cuộc.
So với những mùa trước, HAGL mùa này không còn, và cũng không đủ điều kiện chơi "thêu hoa dệt gấm", nhưng quân bầu Đức lại đứng cao nhất, có thành tích tốt nhất. Đấy không hẳn là mâu thuẫn. Sau nửa thập kỷ loay hoay ở V-League, HAGL đã lờ mờ nhìn thấy lối đi!?
Nguồn VTC