Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vụ án mạng ở vườn mãng cầu (huyện Dương Minh Châu):
Hai lần toà sơ thẩm tuyên án tử hình, chung thân đều bị huỷ
Thứ tư: 10:46 ngày 06/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vụ án mạng xảy ra tại một vườn mãng cầu thuộc ấp Phước Hoà, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu vào năm 2015, đến nay, gần 7 năm, qua 4 lần xét xử ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm vẫn chưa có hồi kết, bị cáo kêu oan, đại diện bị hại thì đề nghị toà tuyên án tử hình.

Dẫn giải bị cáo Hiền ra toà phúc thẩm xét xử.

Vừa qua, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh mở phiên toà phúc thẩm lần thứ hai xét xử vụ án “Giết người”, “Cướp tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1973) và tuyên huỷ án, trả hồ sơ về cho Viện KSND tỉnh Tây Ninh điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Trước đó, TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, tuyên bị cáo mức án tử hình; xét xử sơ thẩm lần hai tuyên mức án tù chung thân. Lần xét xử phúc thẩm này, chủ toạ phiên toà cấp phúc thẩm đã chỉ ra những mâu thuẫn trong lời khai, vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra trong thu thập chứng cứ, thực nghiệm điều tra, để làm cơ sở cho các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm ở Tây Ninh điều tra, truy tố, xét xử lại đúng theo quy định của pháp luật.

Huỷ án tử, toà sơ thẩm tuyên bị cáo chung thân

Theo nội dung vụ án, khoảng 9 giờ ngày 7.3.2015, Nguyễn Văn Hiền đón xe buýt xuống Hoà Thành để về nhà mẹ vợ mượn tiền. Lúc xuống xe ở khu vực nội ô Toà thánh, Hiền mua trái cây của 1 người phụ nữ bán dạo và trộm con dao gọt trái cây bỏ túi quần rồi đi.

Khoảng 15 giờ cùng ngày, Hiền đi bộ ra trước cửa Chánh môn Toà thánh, gọi xe ôm của ông Lâm Văn Nhiễn. Hiền kêu ông Nhiễn chở xuống xã Trường Đông, huyện Hoà Thành (nay là thị xã Hoà Thành) với ý định về nhà mẹ vợ mượn tiền.

Trên đường đi, Hiền gọi điện thoại cho mẹ vợ nhưng chị dâu của Hiền nghe máy, la rầy chuyện mượn tiền. Nghe vậy, Hiền kêu ông Nhiễn chở về nhà ở xã Suối Ngô, huyện Tân Châu với giá 150 ngàn đồng. Tuy nhiên, khi đến xã Suối Dây, Hiền thay đổi ý định, yêu cầu ông Nhiễn chở về xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, nói rằng về đây sẽ mượn tiền trả tiền xe ôm.

Khoảng 17-18 giờ, ông Nhiễn chở Hiền đến khu vực vườn mãng cầu thuộc ấp Phước Hoà, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Lúc này, Hiền nảy sinh ý định cướp xe mô tô của ông Nhiễn, nên nói dối có người quen trong vườn mãng cầu và kêu ông Nhiễn rẽ vào đó để mượn tiền.

Ông Nhiễn chở Hiền theo con đường mòn đến cuối lô cao su thì bất ngờ bị Hiền dùng dao đâm nhiều nhát lên người, khiến ông tử vong. Hiền lấy xe mô tô, bóp, điện thoại của nạn nhân rồi đi đến cửa khẩu Phước Tân, huyện Châu Thành, sang Campuchia thế chấp xe 4 triệu đồng, vào casino chơi đánh bạc thua hết. Sau đó, Hiền đón xe ôm trở về thành phố Tây Ninh, xuống quận 12, TP. Hồ Chí Minh trốn và làm thuê. Đến ngày 10.5.2015, Hiền bị Cơ quan CSĐT Công an Tây Ninh bắt tạm giam.

Được biết, ngày 30.12.2015, khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần thứ nhất, HĐXX cấp sơ thẩm TAND tỉnh đã trả hồ sơ Viện KSND tỉnh để điều tra bổ sung một số tình tiết liên quan vụ án chưa được làm rõ. Ngày 29.4.2016, trong phiên xét xử trở lại, HĐXX tuyên án tử hình bị cáo Hiền. Bị cáo kháng cáo kêu oan; ngày 15.5.2017, tại phiên phúc thẩm lần nhất, TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tuyên huỷ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

Khi điều tra, xét xử lại, ngày 26.9.2018 TAND tỉnh tuyên án sơ thẩm lần hai đối với Nguyễn Văn Hiền với mức án chung thân. Bị cáo Hiền kháng cáo kêu oan, đại diện bị hại kháng cáo đề nghị tăng mức hình phạt.

Từ tháng 3 đến tháng 6.2020, khi TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đưa vụ án ra xét xử lần hai, bị cáo liên tục kêu oan, HĐXX cấp phúc thẩm nhiều lần tạm dừng phiên xét xử theo quy định, triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên, kỹ thuật hình sự, bác sĩ pháp y để làm rõ một số tình tiết có liên quan vụ án nhưng những người này không đến mà có đơn xin vắng mặt.

Nhiều tình tiết mâu thuẫn chưa được làm rõ

Ngày 25.3.2022, vụ án được xét xử trở lại. Qua thẩm vấn, bị cáo Hiền tiếp tục kêu oan, cho rằng bị cáo không phải là người giết nạn nhân, việc nhận tội của bị cáo thể hiện trong hồ sơ vụ án là do quá trình điều tra bị ép cung. Trong khi đó, đại diện bị hại có đơn kháng cáo, cho rằng cấp sơ thẩm tuyên án chung thân là chưa phù hợp với hành vi của bị cáo, đề nghị tăng mức hình phạt án tử hình.

Bào chữa cho bị cáo Hiền, luật sư Nguyễn Hữu Lộc trình bày, đối chiếu với kết luận điều tra và lời khai của bị cáo có trong hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn, bị cáo Hiền không đón xe ông Nhiễn đi đến hiện trường vụ án.

Cụ thể, theo hồ sơ vụ án, ngày 7.3.2015, khi bị cáo Hiền đi đến Toà thánh, sau đó về nhà mẹ vợ, bị cáo gọi điện thoại vào số máy của mẹ vợ là số 0167.457…, lúc này chị vợ bị cáo nghe máy. Nhưng xác minh từ cơ quan viễn thông kết luận không có số máy mà bị cáo Hiền gọi vào số máy trên.

Ngoài ra, chủ tiệm cầm đồ ở Campuchia khai, vào lúc 16 giờ 40 phút ngày 6.3.2015, Hiền đang có mặt ở tiệm cầm đồ, còn ông chủ nhà trọ Thiên Ân ở Tân Châu khai rằng vào lúc 18 giờ ngày này, Hiền đến thuê nhà trọ của ông, trong khi trước đó chủ nhà trọ lại khai “sáng ngày 6.3.2015, Hiền trả phòng trọ và đi luôn không quay trở lại”. Như vậy, Hiền có thuê phòng trọ ở Tân Châu hay không, và nếu có thuê thì Hiền đi từ Campuchia về Tân Châu trong thời gian 1 giờ đồng hồ như thế nào?

Người bào chữa cho bị cáo cũng chỉ ra sự bất hợp lý về thời gian Hiền đi từ Tân Châu lúc 9 giờ đến Toà thánh lúc 13 giờ; từ lộ Chánh môn Toà thánh qua Sơn Trang Tiên Cảnh; đường tỉnh lộ 19 về hướng núi Bà Đen và về nhà bị cáo ở xã Suối Dây, sau đó quay về khu vực phía sau lưng chừng núi Bà Đen để giết nạn nhân. Theo luật sư, với khoảng cách khoảng 80km, có phải bị cáo đã đi trong thời gian là 3 giờ đồng hồ như kết luận điều tra hay không.

Khi thực nghiệm điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) sử dụng xe chở phạm nhân để thực nghiệm mà không dùng chiếc xe là tang vật vụ án là vi phạm tố tụng. Quá trình thực nghiệm, CQĐT không đưa bị cáo xuống kênh giặt áo như kết luận điều tra, cũng như không cho người đóng thế nạn nhân đeo kính khi thực nghiệm việc bị cáo giết nạn nhân. Luật sư cũng chỉ ra một số mâu thuẫn về thời gian bị hại mất tích qua lời khai của những người có liên quan, sự bất hợp lý khi áo bị cáo dính nhiều máu mà bị cáo ngang nhiên đi qua khu dân cư từ TP. Tây Ninh đến thị trấn Tân Châu để đến kênh giặt áo.

Luật sư Lộc phân tích, CQĐT xác định, sau khi gây án, bị cáo Hiền đi về hướng huyện Châu Thành để sang Campuchia khoảng 30km mất khoảng 2 giờ đồng hồ; lúc 20 giờ 16 phút, bị cáo sử dụng điện thoại của nạn nhân gọi những người chạy xe ôm để qua Campuachia là chưa hợp lý.

Bởi vì, chính người nhà của nạn nhân cho biết, họ liên tục gọi vào số máy của nạn nhân nhưng không liên lạc được; còn đơn vị viễn thông xác định, vị trí số điện thoại của bị hại kết nối với người chạy xe ôm là tại thị trấn Châu Thành, phù hợp với lời khai bị cáo nhưng không được CQĐT chấp nhận.

Cơ quan điều tra không giám định dấu vết bánh xe tại hiện trường và dấu vết bánh xe mà bị cáo sử dụng, cũng như không xác định dấu vết bánh xe là hướng vào hiện trường hay hướng ra khỏi hiện trường. Trong khi đó, một người làm công ở vườn mãng cầu đã thấy có một xe Honda 67 khác chạy vào khu vườn cao su lúc 8 giờ 30 phút ngày 8.3.2015, mà CQĐT lại kết luận chính bị cáo thuê nạn nhân chạy xe chở bị cáo vào vườn mãng cầu rồi ra tay sát hại là chưa phù hợp và đủ căn cứ.

Luật sư cho biết, tại hiện trường có nhiều dấu vết của người khác như vết máu, kiểu gen (ADN). Theo lời khai nhận tội của bị cáo, nạn nhân bị giết chết tại chỗ với khoảng gần 40 nhát dao.

Nếu như vậy thì tại sao nơi nạn nhân chết không có máu? Với gần 30 nhát dao mà bị cáo đâm vào ngực nạn nhân nhưng phía trước ngực áo nạn nhân chỉ có 7 lỗ thủng, vậy các lỗ thủng đó ở đâu? Còn phía sau lưng nạn nhân bị đâm hơn 10 nhát dao chỉ có 6 lỗ thủng? Như vậy, căn cứ vào bản ảnh hiện trường và biên bản khám nghiệm hiện trường thì nơi phát hiện xác nạn nhân không phải là hiện trường thứ nhất của vụ án.

Kết luận giám định xác định, trên nón bảo hiểm, trên xe máy tang vật không có dấu vân tay của Hiền. Dấu vết trên đầu móng tay của nạn nhân không có kiểu gen của Hiền, trong khi CQĐT kết luận trên thân thể nạn nhân có hơn 40 vết thương, nạn nhân dùng tay chụp đỡ, bấu víu tay cầm dao của bị cáo Hiền, còn bị cáo thì tóm cổ áo của nạn nhân để khống chế nhưng CQDT không giám định xem trên cổ nạn nhân có dấu tay hay mồ hôi để xác định đó là dấu vết của bị cáo hay của người khác.

Luật sư Nguyễn Hữu Lộc cho biết, mặc dù kết luận bị cáo Hiền lấy trộm dao bà bán trái cây trong Toà thánh để gây án, nhưng CQĐT không làm rõ người bán trái cây có mất dao hay không mà lại dùng con dao khác cho nạn nhân nhận dạng “giống con dao gây án”.

Hiện trường có hai mẫu đầu lọc thuốc lá có dấu vân tay và kiểm gen của một nam, một nữ nhưng CQĐT chưa làm rõ có phải là của hai người đã bán xe cho bị cáo như lời khai của Hiền hay không. Trên thân cây cao su cách hiện trường khoảng 1m có vết bị chém, có vết máu thuộc nhóm A (nạn nhân cũng thuộc nhóm máu A) nhưng chưa được CQĐT làm rõ có phải là vết máu của nạn nhân hay không và vì sao có những dấu vết này.

Vụ án cho thấy có sự mâu thuẫn rất lớn giữa hiện trường vụ án và lời khai nhận tội của bị cáo; vết hoen ố tử thi nơi vùng mặt nạn nhân, trong khi tại hiện trường, xác nạn nhân ngồi quay về hướng mặt trời, theo khoa học, vết hoen ố tử thi sẽ xuất hiện ở vùng lưng chứ không thể ở vùng mặt.

ĐỨC TIẾN

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục