Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hai mảng đối lập của bức tranh Covid-19 toàn cầu
Thứ năm: 08:39 ngày 22/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Khi Mỹ và nhiều nước châu Âu chạy đua chống đỡ làn sóng Covid-19 mới, cuộc sống ở hầu hết quốc gia châu Á đã dần trở lại bình thường.

Tại châu Á, nơi Covid-19 khởi phát, quán bar, nhà hàng giờ tấp nập khách ghé qua, các chuyến tàu điện chật cứng hành khách, sự kiện thể thao và các buổi hòa nhạc trực tiếp đã được nối lại.

Kể từ tháng 9, số ca nhiễm hàng ngày ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Hong Kong gộp lại chưa tới 1.000. Trong khi đó, riêng Mỹ đã báo cáo trung bình 56.000 ca nhiễm mới tính đến hết ngày 19/10, mức cao nhất kể từ đầu tháng 8.

Tất cả hành khách đều đeo khẩu trang trên chuyến tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg News.

Châu Âu, nơi các biện pháp phong tỏa hồi mùa xuân đã giúp "làm phẳng đường cong dịch" trong đợt bùng phát đầu tiên, giờ chứng kiến làn sóng Covid-19 thứ hai với trung bình 88.000 ca nhiễm mới mỗi ngày tính đến ngày 19/10.

Khoảng 1/3 dân số thế giới sống ở Đông Á và Đông Nam Á, nhưng khu vực đông đúc dân cư này chiếm chưa tới 1/5 trong tổng 1,1 triệu ca tử vong vì Covid-19 của toàn cầu. Trong khi đó, châu Âu và Mỹ chiếm gần một nửa số đó.

"Nếu bạn có thể kiểm soát nCoV, cuộc sống của bạn có thể trở lại bình thường khoảng 95%", Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng, Đại học Brown, nói. "Tại Mỹ và châu Âu, chúng tôi muốn cuộc sống trở lại như trước nên đã hành động như thể virus đã được kiểm soát. Tại châu Á, họ không phủ nhận. Họ hiểu họ có thể lấy lại cuộc sống nếu tuân theo một số biện pháp phòng ngừa".

Thế giới giờ bị chia làm hai mảng đối lập. Các quốc gia châu Á, dù đã sớm kiểm soát được Covid-19, vẫn kiên trì với cuộc chiến chống Covid-19, trong khi tâm lý mệt mỏi, chán nản vì đại dịch ở châu Âu và Mỹ đã khiến nhiều người bỏ qua các quy định giãn cách xã hội, tạo điều kiện cho Covid-19 bùng phát trở lại.

Khi ca nhiễm mới tăng trở lại, các chính quyền phương Tây phải vật lộn với tình trạng thiếu xét nghiệm và truy vết tiếp xúc không hiệu quả. Nhiều người phương Tây giờ đặt hy vọng tìm lại cuộc sống bình thường vào vaccine.

Trong khi đó, châu Á đã phần lớn kiểm soát được đại dịch mà không cần phong tỏa toàn quốc, biện pháp khiến nhiều nền kinh tế phương Tây tê liệt hồi mùa xuân. Các chính phủ châu Á cũng có các chương trình cách ly và truy vết tiếp xúc hiệu quả, đồng thời có quy định nghiêm ngặt về đi lại quốc tế. Khác biệt về văn hóa, thông điệp nhất quán và kinh nghiệm đối phó với các đợt bùng phát dịch SARS và MERS trong quá khứ đã giúp người dân châu Á dễ dàng quen với các quy định như đeo khẩu trang và chấp nhận việc chính phủ can thiệp nhiều hơn.

"Các hành động cá nhân có thể dẫn tới các hậu quả đối với sức khỏe của người khác và điều này được đánh giá cao ở hầu hết xã hội châu Á", Teo Yik-Ying, hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore, cho hay. "Lời khuyên này rất nhất quán. Nó chỉ khác nhau ở cách triển khai và thực thi. Người châu Á luôn làm tốt hơn trong việc đưa ra lời khuyên và triển khai các quy định cần thiết".

Chủ nhà hàng, quán bar biểu tình phản đối đóng cửa hai tuần ở Marseille, Pháp hôm 2/10. Ảnh: AFP.

Xử lý đại dịch hiệu quả cũng giúp các nền kinh tế châu Á ít chịu thiệt hại hơn phương Tây. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 1,9% trong năm nay, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới tăng trưởng dương giữa đại dịch. Ngược lại, nền kinh tế Mỹ dự kiến sụt giảm 4,3%, trong khi khu vực đồng euro ước tính giảm 8,3%.

Theo các cuộc thăm dò gần đây của Đại học Hoàng gia London và YouGov, dù số ca nhiễm hàng ngày ở Đông Á ở mức thấp, người dân vẫn đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên hơn người châu Âu và Mỹ. Người châu Á cũng sợ nhiễm virus hơn, với 80% người Hàn Quốc tháng trước nói rằng họ sợ bị lây nCoV, trong khi con số này ở Mỹ và Tây Ban Nha lần lượt là 58% và 45%.

"Đeo khẩu trang suốt ngày, ngay cả khi ở văn phòng, thật khó chịu và mệt mỏi, nhưng tôi thà chịu như vậy còn hơn thấy số ca nhiễm bùng nổ như ở châu Âu và Mỹ", Kim Ye-joo, nhân viên văn phòng 26 tuổi ở Seoul, cho biết.

Francesco Wu, chủ nhà hàng người Italy gốc Trung Quốc ở Milan, cho biết văn hóa là yếu tố quyết định thái độ chống dịch khác nhau giữa phương Đông và phương Tây.

"Ở đây chúng tôi đã quen với việc có nhiều quyền tự do và điều này rất tuyệt. Nhưng chúng tôi không quen với kỷ luật hay hy sinh lợi ích cá nhân. Nếu bị nhốt trong nhà một tháng, chúng tôi sẽ trở nên bồn chồn và không thể chịu đựng thêm nữa", Wu, 39 tuổi, người lớn lên ở Italy, nói.

Các chính phủ châu Á ngăn chặn dịch lây lan rộng một phần nhờ các biện pháp giám sát được triển khai sớm. Tại Hàn Quốc, các nhà điều tra sàng lọc dữ liệu điện thoại di động, lịch sử thẻ tín dụng và camera an ninh để truy vết tiếp xúc ca nhiễm. Mọi người phải quét mã QR bằng điện thoại khi vào câu lạc bộ đêm, quán bar, karaoke hay rạp chiếu phim, để có thể dễ dàng truy vết nếu ổ dịch xuất hiện. Trong vài tuần gần đây, cơ quan y tế Hàn Quốc đã truy vết được khoảng 80% các chuỗi lây nhiễm.

Dù thành công, các biện pháp như vậy không được đón nhận ở phương Tây vì cho rằng vi phạm quyền riêng tư. Các ứng dụng theo dõi tiếp xúc tự nguyện được giới thiệu ở châu Âu đã không được sử dụng rộng rãi.

Các cụm dịch ở châu Á xuất hiện khi người dân trở lại nơi làm việc hoặc trường học. Nhưng thay vì áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, nhiều nước châu Á siết chặt quy định giãn cách xã hội và tăng cường xét nghiệm khi phát hiện ca nhiễm.

Sau khi 12 ca nhiễm liên quan tới một bệnh viện ở thành phố Thanh Đảo, Trung Quốc được phát hiện, giới chức tuần trước đã bắt đầu xét nghiệm tất cả 9 triệu cư dân thành phố.

Khi một cụm dịch lớn liên quan tới nhà thờ và biểu tình ở Hàn Quốc hồi tháng 8, chính phủ đã cho đóng cửa tất cả sân vận động, cấm tụ tập quá 10 người và buộc các trường học ở Seoul phải quay lại chương trình dạy học trực tuyến.

Các quy tắc cách ly nghiêm ngặt trên khắp châu Á cũng mang đến khác biệt lớn. Thay vì cách ly tại nhà như Mỹ và châu Âu, người nhiễm nCoV được đưa tới các cơ sở cách ly do nhà nước quản lý, ngay cả khi không có hoặc có triệu chứng nhẹ. Tại các quốc gia như Việt Nam, Singapore và thành phố Hong Kong, những người tiếp xúc gần với ca nhiễm cũng phải tới cơ sở cách ly.

Tại các nước phương Tây, việc thực hiện các quy định cách ly còn khá chắp vá. Như ở Anh, người có triệu chứng nhiễm nCoV và người sống cùng với họ chỉ được khuyên ở nhà trong 14 ngày.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại phòng ICU của Bệnh viện Slany ở Slany, Cộng hòa Czech hôm 13/10. Ảnh: Reuters.

Các quốc gia châu Á cũng có quy định hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn phương Tây. Du khách được yêu cầu xét nghiệm nCoV khi nhập cảnh. Các địa điểm khác như Hong Kong, Hàn Quốc và New Zealand yêu cầu cách ly hai tuần tại các cơ sở do chính phủ quản lý.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, 61% các quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn đóng cửa đối với du khách quốc tế, theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới.

Trong khi đó ở châu Âu, khi số ca nhiễm giảm hồi đầu năm nay, các chính phủ châu Âu đã mở cửa lại biên giới giữa các nước trong lục địa và khuyến khích du lịch vào mùa hè. Khách du lịch và người trẻ là hai nhân tố chính khiến các ổ dịch bùng phát, chủ yếu ở quán bar, câu lạc bộ đêm và các điểm nghỉ mát bãi biển.

"Trong suốt mùa hè, châu Âu đã có ý tưởng đặt vấn đề kinh tế trên sức khỏe cộng đồng, nên chúng tôi cần mở cửa nhiều hơn để hỗ trợ du lịch. Châu Á không làm như vậy", Helena Legido-Quigley, giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Singapore và hiện ở Barcelona, cho hay. "Bạn không thể lựa chọn giữa sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế".

Bất chấp số ca nhiễm tăng, nhiều người phương Tây ngày càng mệt mỏi với các hạn chế trong cuộc sống thường ngày và nói rằng họ thà đối mặt rủi ro nhiễm nCoV còn hơn không gặp gia đình và bạn bè.

"Tôi hoàn toàn không sợ virus", Antonio, cư dân 80 tuổi tại một viện dưỡng lão ở ngoại ô Barcelona, cho biết gần đây đã gặp và đi dạo với các thành viên trong gia đình. "Tôi rất nhớ con trai mình".

Nguồn VNE (Theo WSJ)

Tin cùng chuyên mục