Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hầm bí mật nuôi giấu cán bộ ở Truông Mít
Thứ tư: 10:45 ngày 29/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong quá trình sửa chữa lại căn nhà cũ, bất đắc dĩ ông Đào Văn Hối (79 tuổi, ngụ ấp Thuận Bình, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) mới chịu cho mọi người biết trong nhà mình có căn hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng mà 42 năm qua ông quyết giữ kín.

Ông Hối bên những bằng chứng nhận huân, huy chương của người thân trong gia đình và miệng hầm trong nhà ông Hối (ảnh nhỏ).

Đến thăm gia đình ông Hối vào chiều ngày 23.3.2017, chúng tôi thấy các thợ sửa chữa đang sơn phết, lát gạch cho căn nhà mới của ông. Nhìn bề ngoài, căn nhà này dường như được xây mới, nhưng bước vào bên trong mới biết chủ nhà vẫn giữ lại nguyên giàn cột, kèo, rui, mè bằng gỗ và mái ngói rêu phong của căn nhà cũ. Lão cán bộ cách mạng này cho biết: “Căn nhà cũ lợp ngói, nền lát gạch tàu, vách tấp (vách ván), đến nay vách bị mục hết nên tôi thuê người xây lại tường, lát lại nền gạch cho sạch sẽ, nhưng vẫn giữ lại phần trên căn nhà cũ để làm kỷ niệm”.

Ông Hối kể, ông là con thứ bảy trong gia đình có tám anh chị em. Hơn 60 năm trước, khi giặc Pháp đánh chiếm Tây Ninh, lúc đó ông mới là cậu bé 12- 13 tuổi, nhưng lanh lợi nên được làm giao liên cho Hội Nông dân. Những năm sau đó, chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ liên tiếp diễn ra.

Theo hồ sơ còn lưu lại, năm 1959 gia đình ông có nuôi giấu một số cán bộ cách mạng như các ông Tư Nhằm, Tư Nghĩa (Bát Giới), Sáu Sơn. Năm 1960, gia đình ông nuôi giấu thêm nhiều cán bộ và du kích trong nhà, như các ông Ba Quốc, Tư Ngon, Năm Banh, Bảy Bèo, Tám Mển.

Khoảng 1963- 1964, gia đình ông đào hai hầm bí mật trong nhà và một hầm bí mật ngoài hàng tre sau vườn để nuôi giấu hai tổ du kích do ông Tư Cao và ông Chính Thắng chỉ huy. Năm 1971, khi giặc Mỹ dồn dân lập ấp chiến lược, ông Hối đi vận động người dân đấu tranh, đào đường gây cản trở giao thông nên bị lộ. Từ đó, ông thoát ly gia đình, vào vùng cách mạng Suối Nhánh (hiện nay thuộc ấp Thuận Tân, xã Truông Mít) để hoạt động. “Tôi làm Bí thư Chi đoàn ở đó suốt mười năm”- ông Hối nhớ lại.

Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Hối trở về gia đình làm ăn sinh sống. Qua mấy mươi năm chiến tranh, nhiều người thân trong gia đình ông đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong đó, cha của ông là Đào Châu Ba cũng đã hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Một người anh và một người em ruột của ông cũng đã ngã xuống trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ của ông là bà Nguyễn Thị Gấm được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Huân chương Độc lập hạng Ba. Vợ của ông là bà Phạm Thị Ngàn được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, theo diện nhân dân có công với cách mạng. Bản thân ông Hối cũng được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những cán bộ, chiến sĩ cách mạng đã từng được nuôi giấu trong gia đình ông cũng lần lượt hy sinh. Chỉ còn một người hiện nay còn sống là Năm Banh- nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Tân Thành (huyện Tân Châu). Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Ghi- Bí thư Đảng uỷ xã Tân Thành cho biết: “Hiện nay, sức khoẻ của ông Năm Banh đang rất yếu. Tai bị lảng nặng, đi đứng, nói năng rất khó, trí nhớ bị giảm sút nhiều. Mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào người thân giúp đỡ”.

Sau ngày đất nước thống nhất đến nay, đã 42 năm trôi qua, những căn hầm lần lượt bị sụp lún và mất gần hết dấu vết. Căn hầm bí mật sau vườn và sau hàng tre hiện nay cũng đã bị sạt lở, bồi lấp gần như bằng phẳng, cây hoang, cỏ dại mọc um tùm. Căn hầm bí mật trong nhà cũng bị nước mưa chảy vào làm sụp lún gần hết. Hơn hai tuần nay, ông cho thợ hồ khiêng đất vào lấp luôn căn hầm này để làm lại nền nhà cho bằng phẳng. Hiện tại, trong buồng (phòng) của gia đình ông chỉ còn một miệng ngách- nơi dẫn xuống hầm bí mật ở sau nhà- là còn khá nguyên vẹn. Ông Hối bảo người con trai dùng gạch ống xây quanh miệng ngách để bảo quản, đừng cho sạt lở.

Theo ông Hối vào buồng, chúng tôi thấy dưới lớp đất là một miếng ván nhỏ, phía dưới là một địa đạo tròn, khoảng 40 cm. Địa đạo này dẫn ra hầm bí mật phía sau nhà. “Hơn 40 năm qua tôi luôn giữ kín chuyện này. Bây giờ tôi muốn lưu giữ lại dấu tích để làm kỷ niệm”.

Trao đổi với chúng tôi về chuyện hầm bí mật của gia đình ông Hối, Chủ tịch UBND xã Truông Mít Trần Huỳnh Thanh cho biết: “Đúng là gia đình ông Hối có những căn hầm bí mật trước đây đã từng nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng. Tôi đã bàn bạc với ông Hối giữ lại miệng ngách, làm nắp đậy lại. Xã dự kiến sẽ vận động kinh phí phục chế lại căn hầm bí mật phía sau nhà ông Hối và xây một bia tưởng niệm. Sau này, trong những tiết dạy lịch sử, giáo viên các trường có thể dẫn học sinh vào tham quan thực tế, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”.

Đại Dương- Thái Hoà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục