Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sáng 7-10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Phân quyền quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, dự thảo Luật đã bám sát vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 6 nhóm chính sách khi đề nghị xây dựng dự án Luật. Trong đó, quy định quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; xác định rõ nội dung quản lý vốn nhà nước; quy định cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý vốn thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quản lý theo phần vốn tại doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước.
Dự thảo quy định Thủ tướng thực hiện một số quyền của chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư lớn, giữ vị trí, vai trò chủ đạo, then chốt, quan trọng quốc gia của nền kinh tế trong từng thời kỳ; giao cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện các quyền hạn, nghĩa vụ như một nhà đầu tư và bình đẳng như các nhà đầu tư khác, còn lại giao cho doanh nghiệp chịu trách nhiệm; trên cơ sở đó quy định cụ thể thẩm quyền về công tác nhân sự, chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hằng năm và phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, dự án Luật còn nhiều nội dung, chính sách mới cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng dự án Luật.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị rà soát, quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật liên quan.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn, đa số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, phân định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, của người đại diện vốn nhà nước, của doanh nghiệp; cơ chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan, với doanh nghiệp, Hội đồng thành viên, người đại diện vốn; quyền hạn từng tổ chức, cá nhân trong quản lý vốn, tài sản, trong phê duyệt chủ trương đầu tư vốn, tài sản; phê duyệt dự án đầu tư, chủ trương vay vốn, thế chấp tài sản đặc thù; chủ trương tăng/giảm vốn điều lệ công ty “mẹ”, vốn điều lệ tại các công ty “con”, phê duyệt báo cáo tài chính; cơ chế tài chính theo hướng doanh nghiệp tự làm, tự chịu trách nhiệm, Hội đồng thành viên quyết định, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chỉ thực hiện kiểm tra, giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự án Luật còn nhiều nội dung cần hoàn thiện như, tăng quyền chủ động cho quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước; cắt giảm thủ tục hành chính, các cơ chế thủ tục, hạn chế cơ chế xin - cho; cần tách bạch quản lý nhà nước với đại diện sở hữu quyền sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, cần rà soát với Luật các tổ chức tín dụng, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Vì hai ngân hàng này không vì mục tiêu lợi nhuận, có tính chất đặc thù riêng so với doanh nghiệp thông thường. Bên cạnh đó, cần đánh giá kỹ hơn thay đổi phạm vi điều chỉnh. Phạm vi điều chỉnh về giám sát kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bao gồm sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp cần làm rõ; các hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư vốn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, cần rà soát lại toàn bộ dự thảo Luật với quan điểm Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, vốn của doanh nghiệp.
“Vậy, những cái gì doanh nghiệp cũng phải đi xin, đi làm thủ tục thì mất thời cơ, cơ hội kinh doanh. Xin cũng phải mức độ, chứ xin hết theo luật này, đến luật khác thì không làm được gì cả. Tại sao tư nhân làm hiệu quả vì họ tiết kiệm được thời gian, thủ tục, giảm thủ tục xin chỗ nọ, chỗ kia”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, hạn chế cơ chế xin - cho, đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là dự án Luật phức tạp, nhiều vấn đề cần “mổ xẻ” sâu thêm. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần tách bạch phân định rõ chức năng, chủ sở hữu tài sản vốn nhà nước có chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, về chức năng quản trị kinh doanh doanh nghiệp bảo đảm nguyên tắc Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền khi sửa luật.
“Các tập đoàn, tổng công ty trước đây do các bộ chủ quản. Giờ thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để trực tiếp quản lý các tập đoàn, tổng công ty thì chức năng của Bộ như thế nào, lần này cần làm rõ trong Luật”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói và nhấn mạnh, việc sửa đổi xây dựng Luật mới nên tách bạch nội dung thuộc Quốc hội quy định, nội dung nào Chính phủ quy định và nội dung do Bộ quy định.
Nguồn hanoimoi