Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hạn chế gian lận thi THPT: Chọn kỹ cán bộ coi thi
Thứ bảy: 10:36 ngày 11/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cán bộ coi thi, chấm thi năm nay được lựa chọn theo tiêu chí là những người có tinh thần trách nhiệm cao và có kinh nghiệm. Họ được cử đi tập huấn coi thi, chấm thi kỹ lưỡng.

Chưa đầy hai tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ diễn ra. Sau bê bối gian lận thi cử chấn động tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình, Bộ GD&ĐT cùng các địa phương, trường đại học (ĐH) đang gấp rút chuẩn bị, hoàn tất mọi khâu để tổ chức kỳ thi một cách công bằng, nghiêm túc.

Chú trọng đạo đức cán bộ coi thi

Năm nay, Bộ GD&ĐT triển khai hàng loạt biện pháp mới để hạn chế tình trạng gian lận. Trong đó, Bộ điều động các trường ĐH, cao đẳng đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.

Ngoài ra, Bộ sẽ thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi, lưu trữ, bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi và hội đồng thi; trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi24/24 giờ.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng...

Đặc biệt, công tác lựa chọn con người rất được chú trọng. Trong đó phẩm chất đạo đức của cán bộ coi thi sẽ được đặt lên hàng đầu.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh rằng kỳ thi THPT quốc gia năm nay, trên cơ sở lựa chọn kỹ cán bộ, tập huấn đầy đủ, các địa phương phải làm công tác tư tưởng cũng như những ràng buộc cụ thể về mặt trách nhiệm theo quy định của pháp luật, hướng tới một đội ngũ làm việc chuyên nghiệp và có tinh thần trách nhiệm.

“Thành bại của kỳ thi THPT quốc gia phụ thuộc vào yếu tố con người. Do đó phải lựa chọn nhân sự là những người có tinh thần trách nhiệm, có kinh nghiệm, ý thức pháp luật cao. Sau khi chọn nhân sự như vậy, chúng tôi phân theo từng nhóm nhân sự cụ thể để tăng cường tập huấn” - ông Trinh nói.

PGS-TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng cho rằng con người là yếu tố quyết định rất lớn tới kỳ thi. Tiêu chí lựa chọn cán bộ coi thi, chấm thi năm nay của trường đầu tiên phải là những người có tinh thần trách nhiệm cao và có kinh nghiệm trong việc coi thi, chấm thi. Cán bộ coi thi phải được cử đi tập huấn để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi năm nay, có như vậy mới hy vọng giải quyết được triệt để gian lận trong các kỳ thi.

Bộ GD&ĐT cùng các địa phương đang gấp rút hoàn tất mọi khâu để tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 một cách công bằng, nghiêm túc. Ảnh: HP

Bố trí camera giám sát mọi hoạt động

Ông Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình, cho biết những ngày qua cơ quan này đã tham mưu với UBND tỉnh để thành lập ban chỉ đạo, hội đồng thi tại địa phương.

Năm 2019, Sở sẽ phối hợp với ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thực hiện việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho hơn 8.000 thí sinh.

Để ngăn chặn được gian lận thi cử xảy ra trong mùa thi THPT quốc gia 2019, ngoài những công tác kỹ thuật, công nghệ, ông Toàn nhấn mạnh khâu lựa chọn nhân sự tốt nhất, có trách nhiệm cao nhất để tham gia kỳ thi sẽ là khâu được tỉnh chú trọng.

“Những người làm nhiệm vụ thi phải là cán bộ có năng lực, trách nhiệm và quan trọng là phải nắm chắc quy trình thi. Đầu tiên chúng tôi chú trọng lọc, chọn nhân sự cho kỳ thi, chủ yếu là hiệu trưởng, hiệu phó có trách nhiệm và kinh nghiệm làm trưởng điểm thi. Giáo viên cũng vậy, người được chọn phải có tâm huyết và đạo đức” - ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang được tỉnh thực hiện gấp rút với tinh thần sẵn sàng, nghiêm túc, chặt chẽ, đúng quy trình.

Năm nay chấm thi THPT quốc gia có điểm mới, chấm trắc nghiệm sẽ do trường ĐH chủ trì dưới sự giám sát của Bộ GD&ĐT.

Đối với công tác chấm tự luận do các Sở GD&ĐT tỉnh thực hiện. Vì vậy, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình sẽ bố trí chấm thi ở cơ sở có đầy đủ camera. Mọi hoạt động của chủ tịch, phó chủ tịch, các thành viên và công an đều được giám sát; phòng, tủ đựng đề thi, bài thi của thí sinh cũng vậy.

Đặc biệt, việc thanh tra chấm bài thi THPT quốc gia được thực hiện nghiêm túc. “Chúng tôi sẽ có biện pháp cách ly cả lãnh đạo trực tiếp làm đề, sao đề và làm phách. Tất cả kỳ thi đều thực hiện khách quan” - ông Toàn nhấn mạnh.

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục