Nỗi sợ mang tên “ung thư”
Một ngày đầu tháng 5.2018, chúng tôi đi tìm hiểu thực tế về tình hình bệnh ung thư ở địa bàn này. Ðịa phương nơi bà con hai tổ dân cư số 19 và 20 cư trú có phong cảnh đẹp bình dị như bao làng quê khác. Con đường làng quanh co, uốn lượn. Hai bên đường có cây xanh che mát và những cơn gió đồng nhè nhẹ thổi qua. Thấp thoáng dưới những hàng cây ấy là nhiều căn nhà to, nhỏ khác nhau. Trên đồng, một số nông dân chăm chỉ cấy cày.
Tuy nhiên, cuộc sống của người dân trong ngôi làng này lại không bình yên chút nào, khi vài năm gần đây có nhiều gia đình đã và đang khốn đốn vì căn bệnh quái ác mang tên “ung thư”. Gia đình bà Lâm Thị Lệ là một thí dụ. Gia đình bà Lệ rất ý thức giữ gìn vệ sinh trong việc ăn uống, luôn chú trọng “ăn chín, uống sôi”.
Bà Lệ có người em dâu tên Trần Thị Sa ở chung trong gia đình. Hơn một năm trước, bà Sa luôn cảm thấy ăn uống khó tiêu, sức khoẻ sa sút. Gia đình đưa bà đến Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh khám bệnh. Kết quả bà Sa bị bệnh ung thư gan. Sau 5 tháng điều trị bà Sa qua đời khi mới 53 tuổi.
Bà Lệ cung cấp thông tin, từ trước tới nay, ở hai tổ dân cư 19, 20 có tới 21 người chết vì bệnh ung thư. Bà Lệ lấy danh sách 21 người bị ung thư ra chỉ cho chúng tôi xem. “Thật đáng lo ngại, vì tứ cận nhà tôi đều có người đã chết và đang mắc căn bệnh ác tính này”, bà Lệ nói.
Chúng tôi vòng ra phía sau nhà bà Lệ, ghé vào thăm một bệnh nhân có tên Cao Thị Bạch Cúc, sinh năm 1981. Khi chúng tôi ghé thăm, chị Cúc đi tái khám ở Bệnh viện Ung bướu. Chị Cao Thị Thu Trang- em ruột của chị Cúc- kể, từ xưa đến nay, gia đình cha mẹ, nội, ngoại đều sinh sống ở mảnh đất này.
Lớn lên, chị Cúc lập gia đình và mở xưởng cưa gỗ tại đây. Chị Trang cũng lập gia đình và đến phường IV, TP. Tây Ninh sinh sống. Khoảng đầu năm 2017, bỗng nhiên chị Cúc kêu đau bụng. Gia đình đưa chị đến một số bệnh viện ở tỉnh khám, chữa trị.
Các bệnh viện này đều chẩn đoán chị Cúc bị đau dạ dày và đau dây chằng. Chị phải nhập viện và uống thuốc điều trị, nhưng cả tháng sau, bệnh tình không thuyên giảm. Gia đình đưa chị đến Bệnh viện Ung bướu khám. Kết quả, chị bị bệnh ung thư đại tràng thời kỳ 3.
Chị phải bán hết nhà, đất và xưởng cưa để lấy tiền điều trị. Tính đến nay, chị đã xạ trị được 6 lần và đã cắt bỏ khối ung thư. “Từ một người khoẻ mạnh, chị ấy chỉ còn 32kg, ốm nhom, ốm nhách, đi không nổi, đầu tóc rụng trọc lóc, nhìn muốn không ra. Hiện nay, tình hình sức khoẻ của chị Cúc đã khá hơn. Tóc đã ra trở lại”- chị Trang kể.
Cách nhà chị Cúc không xa là gia đình của chị Nguyễn Thị Ðiệp. Chị cũng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hiền hoà này. Những năm trước đây, gia đình chị sử dụng nước từ cái giếng đào sau nhà. Nước bị nhiễm phèn nặng quá, năm 2005, vợ chồng chị thuê đào một cái giếng phía trước sân nhà với hy vọng tìm được nguồn nước tốt hơn.
Nhưng, bao nhiêu tiền của bỏ ra cũng chẳng thu lại được kết quả sáng sủa gì. Nước bơm lên vẫn một màu vàng rơm và còn có mùi tanh. Ðã vậy, con kênh nhỏ dẫn nước Lòng Hồ về chảy ngang trước nhà chị khi thì có màu đục như nước vo cơm, khi thì có màu đen và mùi hôi khó chịu. Gia đình chị thuộc diện khó khăn. Hằng ngày, chị đi bán vé số dạo. Chồng chị làm nhân viên bảo vệ, lương bổng ba cọc ba đồng, chật vật nuôi hai người con.
Hơn một năm trước, mỗi lần nuốt nước bọt, chị nghe đau trong cổ họng. Ðến lúc nuốt thức ăn, nước uống không trôi, chị mới đến Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh khám bệnh. Kết quả, chị Ðiệp bị bướu ác tuyến giáp.
Từ đó đến nay, mỗi tháng một lần, chị đến Bệnh viện Ung bướu tái khám và mua thuốc uống. Những tháng gần đây, sức khoẻ của chị ngày càng yếu dần, chị không còn đi bán vé số được nữa.
Ngồi nói chuyện với chúng tôi một lúc mà chị mệt đến nỗi thở không ra hơi. Mọi chi phí thuốc thang và sinh hoạt gia đình đè nặng lên đôi vai của người chồng. Lo sợ vì nguồn nước bị ô nhiễm, từ Tết Nguyên đán 2018 đến nay, gia đình chị xin lắp đặt nước máy của Công ty TNHH Cấp thoát nước Tây Ninh để nấu ăn, uống.
Còn nước giếng khoan chỉ dùng để giặt giũ, rửa ráy. “Thấy nhiều người trong xóm bị ung thư, tôi lo lắng quá, không biết nguyên nhân từ đâu. Sợ sau này bệnh càng lan rộng ra và ảnh hưởng đến đời con, cháu”, chị Ðiệp bộc bạch.
Nguyên nhân từ đâu?
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri cụm xã Thanh Ðiền ngày 26.4.2018 vừa qua, bà Lâm Thị Lệ đã lên tiếng phản ánh nhiều vấn đề, trong đó có nội dung không hiểu nguyên nhân vì sao mà có hơn 20 người trong hai tổ dân cư bị bệnh ung thư. Cuối hội nghị, đại diện lãnh đạo huyện và đại biểu đã trả lời hầu hết những thắc mắc của cử tri, nhưng vấn đề gây ung thư ở ấp Thanh Phước chưa nghe đại biểu nào đề cập tới.
Ông Nguyễn Bình Minh, Trưởng Ban quản lý ấp Thanh Phước cho biết, ở hai tổ dân cư số 19 và 20 có 58 hộ gia đình với khoảng 250 nhân khẩu. Từ cả trăm năm nay, ở khu vực này có một nghĩa địa, rộng khoảng 3 ha, trải dài hai bên con đường nhựa, gần khu dân cư.
Năm 2000, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo không cho chôn cất trong nghĩa địa này nữa, nhưng người dân địa phương vẫn còn thói quen đem người thân đến đây chôn cất. Ðến năm 2010, nơi này mới thật sự “đóng cửa”.
Theo nhận xét của ông Minh, nguyên nhân khiến nhiều hộ dân tổ 19 và 20 mắc bệnh ung thư là do ô nhiễm mạch nước ngầm. “Nghĩa địa này nằm trên vùng đất cao, còn hai tổ dân cư nêu trên nằm dưới triền thấp. Nên có thể nước ô nhiễm từ nghĩa địa chảy xuống khu dân cư phía dưới. Gia đình tôi cũng làm ăn, sinh sống gần nghĩa địa từ nhiều năm nay, nhưng vì ở trên vùng đất cao nên đến nay trong nhà không có ai mắc loại bệnh này cả”.
Trước tình hình này, ông Minh đề xuất dẫn nước cấp thuỷ đến nhiều gia đình trong hai tổ dân cư nêu trên; và từ Tết Nguyên đán 2018 đến nay, đã có hàng chục hộ dân ở đây được sử dụng nước máy thay cho nước giếng.
Ðồng thời, ông Minh đã yêu cầu cấp trên và ngành chức năng khảo sát tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh ung thư để có hướng khắc phục. “Năm 2017, đã có đoàn lãnh đạo xã và ngành chức năng đến đây khảo sát, nhưng đến nay tôi chưa biết kết quả ra sao”- Trưởng Ban quản lý ấp cho hay.
Ông Huỳnh Quan Tần- Trưởng phòng Y tế huyện Châu Thành cho biết, năm qua, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện kết hợp với Bí thư và Trưởng Ban quản lý ấp Thanh Phước đến khảo sát tình hình bệnh ung thư ở ấp Thanh Phước.
Kết quả cho thấy, trong khoảng thời gian 15 năm (từ năm 2002-2017), ở hai tổ dân cư số 19 và 20, có 12 trường hợp mắc bệnh ung thư. Trong đó có 10 nữ, mắc các bệnh ung thư gan, phổi, cổ tử cung, vòm họng, vú, tuyến giáp và 2 trường hợp nam, mắc các bệnh ung thư máu, tiền liệt tuyến.
Tính đến thời điểm khảo sát, đã có 7 người chết, 5 người đang điều trị. Ngoài hai tổ dân cư kể trên, đoàn còn khảo sát thêm ở hai tổ dân cư số 17 và 25, cùng địa bàn ấp Thanh Phước. Kết quả, tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư cũng khá cao.
Trong thời gian 8 năm (từ năm 2010-2017), ở hai tổ dân cư này có 6 trường hợp mắc bệnh ung thư. Trong đó, 3 nữ, mắc các bệnh ung thư gan, cổ tử cung, đại tràng và 3 trường hợp nam, mắc bệnh ung thư vòm họng, đại tràng. Tính đến thời điểm khảo sát, đã có 5 người đã chết, chỉ còn 1 người đang điều trị.
Ông Huỳnh Quan Tần thông tin thêm, sau khi khảo sát thực tế tình hình bệnh ung thư ở ấp Thanh Phước, Phòng Y tế huyện Châu Thành đã báo cáo lên lãnh đạo huyện Châu Thành, đến nay chưa đánh giá được nguyên nhân gây bệnh ung thư. Theo ông Tần: “Ðể có thể biết được nguyên nhân gây bệnh ung thư, cần phải xét nghiệm nguồn nước ngầm ở ấp Thanh Phước”.
Vì sao một ấp nông thôn có khí hậu mát mẻ, khung cảnh hiền hoà như Thanh Phước lại bị căn bệnh quái ác hoành hành? Ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm không khí, thực phẩm không an toàn vệ sinh hay có nguyên nhân nào khác? Ðây là những câu hỏi mà người dân địa phương Thanh Phước đang rất mong chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm có câu trả lời: và có giải pháp “cứu” người dân khỏi nỗi ám ảnh ung thư để được yên tâm làm ăn, sinh sống.
Ðại Dương