Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hàng chục nông dân phải trông chờ sự đồng thuận của hai hộ
Thứ bảy: 06:11 ngày 29/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn, vẫn còn 2 hộ chưa đồng ý giao đất, với lý do được đưa ra là đào kênh tiêu như vậy vẫn không thoát nước triệt để cho toàn khu vực, lại phải tốn thêm chi phí đền bù và mất đất của nhiều hộ dân.

Nông dân đục lỗ đặt ống thông vào kênh bê tông N10.

Vừa qua, Báo Tây Ninh có đăng bài phản ánh tình trạng ngập úng nhiều năm qua ở  cánh đồng Bàu Thâm Vô (thuộc địa bàn ấp 2, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu).

Sau đó, Báo tiếp tục đưa tin về dự án đào kênh tiêu thoát nước tại cánh đồng này. Tuy nhiên, hàng chục bà con trong khu vực có đất bị ảnh hưởng chưa kịp vui mừng đã phải thất vọng vì có hai hộ dân không đồng thuận.

TẤT CẢ ĐÃ SẴN SÀNG

Từ khoảng 3 năm nay, cánh đồng sản xuất nông nghiệp với diện tích khá lớn từ Bàu Thâm Vô đổ dài xuống kênh N10-2, cặp theo kênh N10 đến khu vực Ba Bàu giáp tỉnh lộ 784 luôn trong tình trạng ngập úng, khó thoát nước.

Nguyên nhân chủ yếu được nhiều nông dân xác định là do đường thoát nước tiêu luồn qua tỉnh lộ 784 bị bồi lắng, cỏ dại mọc tràn lan gây ách tắc dòng chảy. Hơn nữa, có một hộ dân tên Võ Thị Dung (cùng ngụ ấp 2, xã Bàu Đồn) cố tình lập “chướng ngại vật” cản trở lối thoát nước trọng yếu này.

Bà Dung cho rằng, do kênh đào đi ngang qua đất của bà nhưng chưa được đền bù. Vấn đề này đã được đề cập khá chi tiết trong bài báo “Những tấc vàng đang bị bỏ không” đăng vào ngày 22.2.2017.

Trong nhiều nguyên nhân gây ngập úng, có nguyên nhân bà con canh tác nông nghiệp chưa có sự thống nhất trong việc điều tiết nước cho cả khu vực, mạnh ai nấy đắp bờ cao - thấp theo cách làm chủ quan.

Cũng có ý kiến cho rằng, khi kênh N10 được bê tông hoá, nhưng không thiết kế cống tiêu luồn ngang kênh, nên bà con không thể khai nước thoát ngang qua kênh đất như trước kia.

Mới đây, cơ quan chức năng đã đưa ra bàn luận, khảo sát và tìm giải pháp để cứu lấy cánh đồng. Theo đó, Dự án thoát nước cho cánh đồng Bàu Thâm Vô được đề ra thuộc vùng tưới kênh N10, tứ cận giáp kênh Đông, kênh tiêu T4B-4, đường 784 và kênh tiêu T4B-2. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gò Dầu.

Các hộ dân trong khu vực ngập úng đều nhất trí tán thành đào mới kênh tiêu để thoát nước. Thống nhất theo phương án đặt cống tiêu luồn qua kênh N10, dẫn vào kênh tiêu đào mới cặp bên tả kênh N10-3, với chiều dài 1.062m, đất đào đổ lên bên trái, kết hợp đắp tạo bờ kênh rộng 1m, đổ cặp bờ bên phải kênh tưới N10-3 san tạo bờ rộng thêm 1m. Đất còn thừa làm nguồn đất dự trữ để xây dựng các công trình công ích do UBND xã Bàu Đồn quản lý.

Theo phương án này, dự kiến nước sẽ thoát về hướng kênh tiêu T4B-2, sau đó đổ ra suối Bàu Đồn. Căn cứ vào quy mô dự án và khối lượng công trình, ước tính tổng mức đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đền bù cho những hộ dân có đất đi qua dự án (5.841m2) hơn 640 triệu đồng.

Dự án được đưa ra, các hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi tình trạng khó thoát nước đều vui mừng và ủng hộ. Ông Lâm Kim Sơn, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gò Dầu cho biết, dự án đã được thông qua, cấp có thẩm quyền đồng ý cho thực hiện đầu tư, kinh phí đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng chỉ còn vướng mắc ở khâu vận động người dân giao đất để đào kênh.

CHỈ VÌ HAI HỘ DÂN ?

Đào mới kênh tiêu thoát nước với chiều dài 1.062m đi qua đất của 11 hộ dân, các hộ này sẽ được nhận đền bù nếu giao đất cho dự án. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tiến hành vận động được 9 hộ dân đồng ý ký tên vào biên bản giao đất.

Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn, vẫn còn 2 hộ chưa đồng ý giao đất, với lý do được đưa ra là đào kênh tiêu như vậy vẫn không thoát nước triệt để cho toàn khu vực, lại phải tốn thêm chi phí đền bù và mất đất của nhiều hộ dân.

Về việc này, ông Hồ Văn Thành (SN 1964, ngụ ấp 1, xã Bàu Đồn), một trong hai hộ dân phản đối việc đào kênh tiêu qua đất của mình, cho biết: “Chúng tôi không đề cập đến vấn đề giá cả đền bù, chỉ muốn làm rõ việc vì sao chỉ vì một cá nhân là bà Võ Thị Dung mà lại chọn hướng đào kênh qua đất của 11 hộ dân khác? Hơn nữa, tôi làm ruộng ở đây đã mấy chục năm nên biết rõ nước thoát theo hướng nào là hiệu quả.

Dự án đề ra không khả thi và phát sinh thêm nhiều chi phí đền bù tốn kém. Bởi vì, vùng trũng nhất nằm ở khu vực Ba Bàu giáp với tỉnh lộ 784, làm sao có chuyện nước chảy ngược lên vùng cao hơn phía trên cánh đồng Bàu Thâm Vô để thoát theo kênh tiêu như dự án vạch ra.

Nhà nước cứ đào kênh theo hướng cũ (tiêu luồn qua tỉnh lộ 784), nếu thực sự vẫn không thoát được nước, lúc đó chúng tôi sẵn sàng giao đất cho dự án mà không cần nhận tiền đền bù”.

Ông Thành còn giải thích thêm, làm theo dự án chỉ giải quyết được vấn đề thoát nước cho khu vực Bàu Thâm Vô mà không xử lý triệt để vùng trũng Ba Bàu, trong khi từ trước đến giờ, đường thoát nước cũ đi ngang qua đất của bà Dung đều giải quyết được vấn đề cho cả hai nơi, chỉ là những năm gần đây, do hệ thống hố vật liệu thoát nước cặp kênh N10 xuống cấp, lại bị bà Dung cản trở nên không nạo vét được mới xảy ra ngập úng như vậy.

Mặt khác, nếu chọn đường thoát nước theo hướng cũ, có thể sẽ tiết kiệm được chi phí đền bù đất cho 11 hộ dân, cũng như tránh làm mất đất sản xuất nông nghiệp của bà con.

Đối với ý kiến của ông Hồ Văn Thành, bà Nguyễn Thị Kim Nhung- Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Gò Dầu khẳng định: “Thực ra đó chỉ là cách nhìn nhận một phía từ hộ dân này. Qua khảo sát thực tế, đường thoát nước theo hướng cũ là không triệt để, cơ quan chức năng đã nhiều lần khảo sát địa bàn và nghiên cứu rất kỹ về tính hiệu quả trước khi đưa ra dự án, tuyệt đối không vì “né” hộ bà Dung mà phải chọn hướng khác”.

Xét thấy, nếu hai hộ dân phản đối dự án không phải vì giá cả đền bù, mà vì lợi ích chung, nên sẽ không thừa nếu đưa ý kiến của họ ra xem xét và cân nhắc.

Có điều, một khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành khảo sát địa bàn, đo đạc, lập thiết kế chi tiết dự án, chắc chắn phải áp dụng chuyên môn và kỹ thuật để tính toán rất kỹ về tính hiệu quả, khả thi của dự án.

Nên vấn đề hai hộ dân lo lắng, đang rất cần được chính quyền địa phương vận động, giải thích một cách thuyết phục hơn. Hiện tại, gần đến đỉnh điểm mùa mưa lũ trong năm, tình hình ngập úng khu vực Bàu Thâm Vô đang rất căng thẳng.

Cụ thể, mới đây, một số hộ nông dân đã đục lỗ đặt ống thông vào kênh bê tông N10 để giải quyết thoát nước tạm thời nhằm cho máy vào ruộng cắt lúa, nhờ vậy mà nhiều hộ đã thu hoạch được vụ mùa.

“Biết làm như vậy là vi phạm công trình thuỷ lợi của Nhà nước, nhưng tình hình quá cấp bách nên chúng tôi mới “làm liều”.

Khi thu hoạch lúa xong, hoặc dự án đào kênh tiêu thoát nước được tiến hành, chúng tôi sẽ khắc phục trả lại hiện trạng cho kênh N10”, nông dân Phạm Minh Triết có đất bị ngập úng giãi bày.

Ông Triết còn nhận định, có thể ông Thành chưa đánh giá hết tổng thể toàn khu vực từ kênh Đông đến tỉnh lộ 784 nên mới lo lắng như vậy, nếu đào kênh tiêu theo hướng cũ qua đất của bà Dung, một số nơi giáp với Bàu Thâm Vô vẫn không thoát được nước.

Thực ra, đoàn khảo sát trước khi lập dự án đã có nhiều ngày đi thực tế, dùng máy đo đạc thật kỹ mới đưa ra phương án có lợi nhất.

Mặt khác, khi kênh tiêu thoát nước mới được đào, lợi ích mang lại không chỉ riêng đối với bà con thuộc khu vực Bàu Thâm Vô, mà còn có cả 11 hộ dân phía dưới cánh đồng và hơn thế nữa. Bởi trong nhiều năm qua, vấn đề ngập úng là nỗi lo chung cho nông dân toàn khu vực.

Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn cho biết thêm: “Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động hai hộ dân nói trên, nếu vẫn không thành sẽ kiến nghị gửi lên UBND huyện Gò Dầu để giải quyết, vì sự việc này vượt khỏi thẩm quyền của cấp xã”. Thiết nghĩ, vì lợi ích chung, hai hộ nông dân chưa chịu giao đất nên chấp hành theo chủ trương để dự án đào mới kênh tiêu thoát nước sớm được tiến hành.

Đây là vấn đề cấp thiết nhằm giải cứu nhiều diện tích đất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu canh tác của hàng chục hộ dân đang mong mỏi từng ngày.

Quốc Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục