Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
'Hàng loạt cán bộ nghỉ việc vì lương thấp, áp lực lớn'
Thứ năm: 09:58 ngày 27/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại khi báo cáo của Chính phủ cho thấy tình trạng nghỉ việc của cán bộ có xu hướng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Sáng 27/10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

Để làm rõ những vấn đề đại biểu nêu, một số thành viên Chính phủ có trách nhiệm liên quan được yêu cầu giải trình.

"Thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử"

Mở đầu phiên, bảng điện tử hiển thị 142 đại biểu đăng ký phát biểu. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Định) nêu lại bối cảnh thời điểm này một năm trước, Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch năm 2022.

“Khi đó dịch bệnh phức tạp, tạo ra nhiều thách thức, nhiều đại biểu lo ngại mục tiêu tăng trưởng 6-6,5%. Nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm đạt kết quả quan trọng, ước cả năm đạt 14/15 chỉ tiêu đề ra”, ông Thông nói.

Đánh giá giữa sự phát triển kinh tế với các vấn đề xã hội, ông Thông cho rằng chưa tương xứng, nhiều người dân chưa thoát nghèo, giá xăng dầu tăng cao, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cơ cấu tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả. Sau khi cơ quan chức năng xử lý một vài doanh nghiệp trong các lĩnh vực thì nhiều người bất an; xuất hiện tình trạng cán bộ công chức viên chức nghỉ việc, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, còn cán bộ vi phạm phải xử lý.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông. Ảnh: Phạm Thắng.

Nhấn mạnh yếu tố con người, ông Thông cho rằng để phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Quốc hội cần giải quyết tâm lý bất an, sợ sai của cán bộ công chức. “Có cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, ông Thông nói.

Cùng nói về nhân tố con người, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nhấn mạnh cần phát huy trên tinh thần nâng cao ý thức chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đại biểu Tô Văn Tám: "Nhiều cán bộ công chức viên chức xin nghỉ việc không chỉ vì lương thấp mà vì áp lực công việc quá lớn". Ảnh: Phạm Thắng.

Dù vậy, đại biểu lo ngại khi báo cáo của Chính phủ cho thấy tình trạng nghỉ việc của cán bộ có xu hướng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

“Đây là vấn đề đặt ra cho việc quản trị của Chính phủ”, ông Tám nói. Theo ông, đây là xu hướng không chỉ nước ta mà nhiều nước châu Á cũng có sự chuyển dịch nhân lực ra khỏi khu vực công. Nguyên nhân là tiền lương và thu nhập ở khu vực công thấp hơn nhiều so với bên ngoài, phản ứng chậm với yêu cầu tăng thu nhập do bị ràng buộc bởi các văn bản pháp lý.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ công chức viên chức xin nghỉ việc không chỉ vì lương thấp mà vì áp lực công việc quá lớn.

Để giải quyết câu chuyện này, ông Tám đề nghị Chính phủ thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc, xử lý hợp lý vấn đề tổ chức bộ máy và biên chế, tạo cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch. Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ chế tuyển chọn cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; quan tâm hơn đến thu nhập của cán bộ công chức và viên chức, cụ thể hóa quyết định của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

"Cán bộ ở dưới làm cầm chừng vì sợ"

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ trao đổi lại với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Thông. Ông Hạ cho rằng nói vướng mắc bởi chính sách pháp luật là chưa đủ, mà cái chính là do yếu tố con người và công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai.


Đại biểu Tạ Văn Hạ. Ảnh: Phạm Thắng.

Theo ông Hạ, qua tiếp xúc cử tri, đúng là có ghi nhận ý kiến về tình trạng cán bộ sợ không dám làm, cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế, có hiện tượng nghe ngóng, né tránh. Như vấn đề về sửa Luật Đất đai 2013, dù vướng mắc từ lâu, có người nói thẳng thắng rằng bây giờ không muốn làm, không dám làm, sợ phát sinh vấn đề nên làm cầm chừng, hạn chế.

“Chính phủ cần quyết liệt, Thủ tướng họp ngày họp đêm trong khi ở dưới còn tư tưởng này thì cần chấn chỉnh càng sớm càng tốt để không làm ảnh hưởng thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhân dân”, ông Hạ nói.

Đề nghị sớm di dời trụ sở các cơ quan ra khỏi nội thành Hà Nội

Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) đề cập việc thực hiện tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Ông chỉ ra nhiều điểm bất cập khi thực hiện chủ trương này. Để đẩy mạnh tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập cần, vị đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân bất cập và hoàn thiện giải pháp đẩy mạnh tự chủ.

Về thực hiện chỉ tiêu tăng năng suất lao động, ông Lượng cho biết dự kiến chỉ đạt 4,7-5,2%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra. “Điều này rất đáng lo vì đây là yếu tố quan trọng nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững của đất nước”, theo ông Lượng.

Ông nêu thực tế nhiều lĩnh vực ngành nghề thiếu nhân lực cao, việc làm chủ công nghệ chưa đạt kết quả khả quan… Từ đó, ông cho rằng cần nỗ lực lớn hơn trong tăng năng suất lao động để phát triển nhanh, bền vững KTXH đất nước.

Nam đại biểu ghi nhận năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt, xử lý bất cập như triển khai thu phí không dừng, xây dựng cao tốc Bắc - Nam, song ông nhấn mạnh cử tri mong Chính phủ giải quyết những tồn tại kéo dài như di dời trụ sở khỏi nội thành Hà Nội, xử lý các dự án treo…

4 năm lương giữ nguyên, giá tiêu dùng tăng liên tục
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) thẳng thắn cho rằng việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, nhiều quy định, thủ tục còn rườm rà. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn dù Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Đời sống người lao động, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.

“Từ 1/7/2019 đến nay, tiền lương cơ bản chưa được điều chỉnh, trong khi đó hàng năm chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng khoảng 4% làm cho tiền lương thực tế và chất lượng cuộc sống giảm xuống. Điều này tạo sự chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư”, theo ông Phương.


Đại biểu Huỳnh Thanh Phương. Ảnh: Phạm Thắng.

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho biết nhiều cử tri bức xúc trước tình trạng thổi giá đất, chậm đấu thầu thuốc và trang thiết bị vật tư y tế… Ông đề nghị trong năm 2023 cần tiếp tục tập trung phòng chống dịch, bình ổn giá cả và thị trường; theo dõi sát biến động của nền kinh tế thế giới để giữ kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát. Vị đại biểu đề nghị không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý vì đây là yếu tố có thể khiến lạm phát gia tăng.

Thách thức ổn định kinh tế vĩ mô

Trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Quốc hội hôm 20/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% - vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Thu ngân sách 9 tháng đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3% - tăng 2,9% so với năm 2021.

Dù vậy, Thủ tướng đánh giá ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh.

Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; việc cơ cấu lại một số tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Nợ xấu, nợ thuế có xu hướng tăng.

Nhận định tình hình thế giới năm 2023 có thể diễn biến nhanh, khó lường, Chính phủ dự báo tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5-6%...

Về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2023, Chính phủ dự tính chi thêm khoảng 60.000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong năm 2023 sẽ chưa thực hiện cải cách tiền lương. Thay vào đó, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%).

Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo cũng khoảng 12,5%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và tăng chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Thời điểm tăng lương từ 1/7/2023.

Thể hiện chính kiến về việc này trước phiên thảo luận chung về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị tăng lương cơ sở sớm từ 1/1/2023 thay vì thời điểm 1/7/2023 như dự kiến.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục