Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hàng loạt kỷ lục được thiết lập trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ năm 2018
Thứ năm: 19:03 ngày 08/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay của Mỹ được đánh giá là có khá nhiều yếu tố bất ngờ và rất nhiều kỷ lục mới được xác lập trong lịch sử 84 năm.

Theo kết quả bầu cử giữa kỳ 2018, đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Hạ viện, chấm dứt tình trạng 2 năm đảng Cộng hòa chi phối cả Nhà Trắng và lưỡng viện trong Quốc hội. Trong khi đó, đảng Cộng hòa vẫn duy trì được quyền kiểm soát Thượng viện.

Trong 21 cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được tổ chức từ năm 1934, chỉ có hai lần đảng của đương kim tổng thống giành được đủ ghế để kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện: cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Franklin Delano Roosevelt và cuộc bầu cử giữa kỳ của Tổng thống George W. Bush.

Cử tri xếp hàng bỏ phiếu tại Fort Worth, Texas. Ảnh: Getty Images

Theo các câu chuyện lịch sử, đảng của Tổng thống Mỹ đương nhiệm luôn để mất ghế Quốc hội vào tay đảng đối lập sau mỗi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Tuy nhiên, với cuộc bầu cử năm nay, nhiều nhà phân tích đánh giá đây là cuộc bầu cử có nhiều yếu tố bất ngờ với những con số kỷ lục mới.

Tỷ lệ bỏ phiếu sớm

Tỷ lệ bỏ phiếu thông thường khá thấp trong các cuộc bầu cử không phải bầu Tổng thống, song năm nay chứng kiến một con số kỷ lục cử tri đi bỏ phiếu sớm, với 36 triệu công dân Mỹ bỏ phiếu trước khi ngày bầu cử chính thức 6/11 diễn ra.

Theo ông Michael McDonald – Giám đốc Dự án Bỏ phiếu tại bang Florida, tỷ lệ cử tri đi bầu sớm tăng 32% so với 27,2 triệu người bỏ phiếu trong năm 2014.

Các chuyên gia tin rằng cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay có thể đạt kỷ lục về tỷ lệ cử tri bỏ phiếu không bầu tổng thống cao nhất trong ít nhất 52 năm.

“Đây không phải là một cuộc bầu cử bình thường. Chúng ta như thể đang chứng kiến một cuộc bầu cử lai giữa bầu cử hai viện trong Quốc hội với bầu cử Tổng thống, nếu xét về tỷ lệ người đi bỏ phiếu”, ông McDonald trả lời phỏng vấn tờ Politico.

Tổng số cử tri đi bỏ phiếu sớm tại 27 bang lớn hơn toàn bộ số người đi bỏ phiếu năm 2014, đặc biệt là chứng kiến con số tăng vọt tại các bang chiến lược như Florida, Texas, và Georgia. Cuộc bầu cử năm nay cũng chứng kiến số cử tri dưới 30 tuổi đi bỏ phiếu tăng đáng kể.

Gây quỹ

Cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay được đánh giá là cuộc bầu cử Quốc hội có chi phí đắt đỏ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trung tâm phản hồi chính trị dự kiến tổng cộng 5,2 tỷ USD sẽ được quyên góp cho cuộc chạy đua vào Quốc hội Mỹ, vượt xa kỷ lục 4,4 tỷ USD trong cuộc bầu cử năm 2016.

Beto O'Rourke, ứng cử viên Dân chủ thua Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ted Cruz ở bang Texas, đã phá vỡ kỷ lục gây quỹ trong quý 3 năm 2018, thu về 38 triệu USD từ các nhà tài trợ cá nhân.

Các ứng viên khác của Hạ viện và Thượng viện khác như Gil Cisneros ở bang California, Scott Wallace ở bang Pennsylvania, và Rick Scott ở bang Florida đã đổ hàng chục triệu USD vào các chiến dịch vận động.

Ứng viên nữ giới

 

Ứng viên đảng Dân chủ Ilhan Omar tại một điểm bỏ phiếu ở Minneapolis, Minnesota. Ảnh: Reuters

Một số lượng kỷ lục mọi thời đại về các ứng viên nữ chạy đua vào Quốc hội và giành chiến thắng đã xảy ra trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay. Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 đã phá kỷ lục về số lượng nữ nghị sĩ phục sự trong Quốc hội Mỹ.

Trong đêm công bố kết quả bầu cử, đã có 103 người phụ nữ giành chiến thắng trong vị trí hai viện, kết hợp với 10 thượng nghị sĩ nữ không cần phải bầu lại, nâng tổng số nữ nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ lên tới 113 người, đánh bại kỷ lục 107 nữ nghị sĩ trước đó.

Các ứng cử viên nữ cũng thiết lập kỷ lục trước đó tại cấp tiểu bang.

16 phụ nữ là ứng viên thống đốc đảng của họ trong năm nay, phá vỡ kỷ lục trước đó 10 phụ nữ vào năm 1994. Một kỷ lục khác, có 3.379 phụ nữ được đề cử cho các ghế lập pháp tiểu bang.

Nữ ứng viên da màu

Cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay không chỉ chứng kiến số lượng nữ ứng viên đạt kỷ lục mà còn là ứng viên nữ da màu, với sự gia tăng 75% kể từ năm 2012 và một số ứng viên làm nên lịch sử trong mùa thu này.

Ứng viên đảng Dân chủ Ilhan Omar của bang Minnesota và Rashida Tlaib của Michigan được bầu làm nữ nghị sĩ Hồi giáo đầu tiên của Quốc hội. Cô Deb Haaland của bang New Mexico và Sharice Davids bang Kansas trở thành hai nữ nghị sĩ gốc thổ dân đầu tiên, và ứng viên đảng Cộng hòa Young Kim bang California là người phụ nữ Mỹ gốc Hàn Quốc đầu tiên có mặt trong Quốc hội.

Một số học giả so sánh sự gia tăng của ứng viên nữ trong năm nay với hiện tượng “Năm của Nữ giới” vào năm 1992, khi số lượng nữ giới tranh cử và giành được ghế trong Hạ viện và Thượng viện Mỹ đạt kỷ lục sau lời cáo buộc của Anita Hill chống lại Thẩm phán Tòa án Tối cao Clarence Thomas vì hành vi quấy rối tình dục.

"Năm nay chắc chắn có tiềm năng trở thành hiện tượng ‘Năm của Nữ giới’,” Laurel Harbridge-Yong - một nhà khoa học chính trị tại Đại học Northwestern, trả lời báo Business Insider. Bà giải thích có thể do sự không hài lòng với Tổng thống Mỹ Donald Trump và bê bối tình dục của ứng viên Tối cao Pháp viện Brett Kavanaugh là yếu tố khiến một bộ phận nữ cử tri ngoại ô da trắng đi bỏ phiếu.

Ứng viên cộng đồng LGBT

Ứng viên đảng Dân chủ Sharice Davids bang Kansas vừa là nữ nghị sĩ gốc thổ dân đầu tiên vừa là nữ nghị sĩ đồng tính đầu tiên trong Quốc hội. Ảnh: AP

Ít nhất 244 ứng cử viên được xác định là thuộc cộng đồng LGBT (cộng đồng những người đồng tính) chạy đua vào vị trí cáccấp tiểu bang và liên bang trong các cuộc bầu cử sơ bộ và cuộc tổng tuyển cử. Tất cả những ứng viên này đều thuộc đảng Dân chủ.

Một số ứng viên Hạ viện có thể tăng cường đại diện cộng đồng LGBT tại Quốc hội bao gồm Gina-Ortiz Jones bang Texas, Sharice Davids bang Kansas và Chris Pappas bang New Hampshire.

Ở cấp bang, Jared Polis, người vừa giành chiến thắng trong cuộc đua bầu Thống đốc ở Colorado, sẽ là Thống đốc đồng tính đầu tiên của Mỹ.

Nguồn Báo Tin Tức

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục