Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hạnh phúc với nghề
Thứ hai: 15:57 ngày 01/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khởi đầu không từ sự đam mê, nhưng sự nghiêm túc, nỗ lực đã đem đến cho các cô niềm hạnh phúc với nghề giáo.

Cô Nguyễn Thị Thân luôn gần gũi, tận tâm chỉ dạy cho học sinh.

Nỗ lực với nghề

45 tuổi đời, chị Trương Thị Nhật Tâm đã có 27 năm gắn bó với nghề giáo. Dù không phải nghề yêu thích, nhưng năm 17 tuổi, chị Tâm quyết định học một khoá cấp tốc sư phạm rồi về dạy học tại Trường tiểu học Bến Đình, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu đến ngày nay. Tiếp xúc nhiều với sự hồn nhiên của các em, chị yêu nghề giáo lúc nào không hay. “Tuổi học trò là tuổi đẹp nhất, khi công tác trong nghề, hằng ngày đi dạy tôi như được sống trong tuổi thơ tươi đẹp. Qua hình ảnh các em, tôi nhớ lại chính mình ngày xưa nên cảm giác rất vui và thoải mái”- chị Nhật Tâm tâm sự.

Nhiều năm trong nghề, chị luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt công tác chuyên môn và chủ động học tập để bổ sung kiến thức. Năm 2016, chị Nhật Tâm được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Bến Đình.

Từ giáo viên chuyển sang làm công tác quản lý, chị Nhật Tâm cho rằng mình có được lợi thế là hiểu được nguyện vọng của giáo viên, có sự quan tâm, đáp ứng kịp thời nên nhận được sự đồng thuận. Dẫu vậy, chị cũng gặp khó khăn trước một lĩnh vực mới và rộng lớn hơn. Nếu trước đó, chị chỉ cần nắm vững chuyên môn của một khối thì khi làm cán bộ quản lý phải nắm và hiểu chuyên môn của tất cả các khối tiểu học. Nhưng chị thấy mình may mắn khi luôn nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo, đồng nghiệp. Những điều chưa rõ, chưa nắm thì chăm chỉ học thêm để làm tốt nhiệm vụ.

Cô giáo với phương pháp dạy đầy sáng tạo Nguyễn Thị Thân.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chị Tâm còn là Chủ tịch Công đoàn cơ sở nhiệt tình, năng nổ. Theo chị, sự thấu hiểu và sẻ chia chính là chìa khoá quan trọng để gắn kết các đoàn viên Công đoàn với nhau. Với trách nhiệm của mình, chị luôn tạo sự gần gũi, thân thiện, trò chuyện cùng đồng nghiệp, giúp giải quyết gút mắc để mọi người được thoải mái, làm việc tốt hơn.

Không chỉ là một cán bộ gương mẫu, một giáo viên yêu nghề, chị Tâm còn là một “kỳ thủ” xuất sắc, có niềm đam mê lớn với bộ môn cờ vua. Chính chị là người truyền cảm hứng và lan toả bộ môn thể thao trí tuệ này đến các em học sinh. Chị Tâm cho biết, từ khi còn là học sinh đã có đam mê cờ vua. Sau này, chị Tâm tự học thêm kỹ năng thông qua sách, hội nhóm. Tranh thủ những khoảng thời gian rảnh chị lại bày cờ chơi cùng học sinh. Nhờ vậy mà chị đã “góp công” bồi dưỡng nhiều học sinh tham gia các giải cờ vua mang thành tích cấp huyện, tỉnh về cho trường.

Những nỗ lực không ngừng của chị Tâm nhiều năm qua đã được ghi nhận qua các danh hiệu, thành tích chuyên môn, công đoàn, thể thao. Trong đó, đáng kể là 2 bằng khen của UBND tỉnh về thành tích hai năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các năm học từ 2016-2020. Năm 2024, chị được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 2018-2019 đến năm học 2022-2023, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chị Tâm chia sẻ: “Những cố gắng được ghi nhận chính là động lực cho bản thân tôi phấn đấu tiếp tục. Tôi hạnh phúc vì những nỗ lực 27 năm với nghề của mình được công nhận”.

Cô giáo tâm huyết với nghề Trương Thị Nhật Tâm.

Sáng tạo cùng học trò

Có ước mơ được làm người quân nhân trong quân đội, nhưng duyên đưa đẩy cô gái Nguyễn Thị Thân từ quê Nghệ An vào Tây Ninh học sư phạm. Đến nay, cũng đã có hơn 20 năm chị gắn bó với nghề. Qua 3 lần chuyển nơi công tác từ huyện biên giới Tân Biên đến thành phố Tây Ninh, hiện chị đang là giáo viên dạy môn Địa lý tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP. Tây Ninh).

Theo chị Thân, được làm việc tại một ngôi trường có môi trường dạy và học năng động cũng là điều kiện giúp chị phát triển bản thân. Chị Thân chia sẻ, khi mới về, để theo kịp nhịp độ giảng dạy của trường, chị gặp không ít khó khăn. May mắn, chị được Ban Giám hiệu, anh em đồng nghiệp hỗ trợ và tạo điều kiện giúp chị kịp bắt nhịp sau một học kỳ.

Để môn Địa lý hấp dẫn với học sinh, chị Thân luôn tìm tòi sáng tạo trong cách dạy. “Khi lên lớp, tôi tạo môi trường học tập vui vẻ cho các em. Trong quá trình học, giáo viên và học sinh trao đổi như những người bạn để các em có thể phát huy khả năng của mình mà không thấy áp lực khi đứng gần cô hay lên bảng”- cô Thân nói.

Địa lý là môn học gắn liền với hình ảnh, bản đồ. Do đó, cô Thân luôn sáng tạo ra nhiều phương pháp dạy học mới để các em có tiết học sôi động và hứng thú. “Đầu mỗi tiết học, tôi sẽ tổ chức các trò chơi để cô và trò cùng nhau khởi động. Có năng lượng tốt, các em sẽ tiếp thu bài học tốt hơn”. Chị Thân cũng khuyến khích và giao cho học sinh tự chuẩn bị bài, thuyết trình trong các tiết học. Những tiết học Địa lý địa phương, chị sẽ cho các em đi thực tế, tìm hiểu về các danh lam, thắng cảnh ở địa phương; giúp các em thêm hiểu và yêu quê mình. Nhờ vậy, chị đã không ít lần trầm trồ vì sự sáng tạo của học sinh.

Cô Trương Thị Nhật Tâm hướng dẫn học sinh chơi cờ vua

Từ khi vào nghề, chị Thân luôn muốn mang đến năng lượng tích cực khi giảng dạy. Chị không ngừng học tập, trau dồi kiến thức cho bản thân để theo kịp với sự đổi mới giáo dục. Chị nói: “Bản thân mình phải thay đổi, không chỉ để theo kịp đổi mới của ngành, mà còn để theo kịp sự năng động của học sinh. Học sinh năng động thì cô giáo không thể ù lì”.

Không chỉ nâng cao kiến thức chuyên môn, người giáo viên đầy tâm huyết này còn học thêm những kiến thức về tình yêu thương, thấu hiểu nội tâm… “Trước đây, tôi không tự tin lắm, còn có phần nhút nhát. Sau những lớp này, tôi tự tin hơn, thấu hiểu tâm lý học sinh hơn, không còn thấy khó khăn nhiều khi ứng xử với các em cá biệt như trước đây. Khi có sự đồng cảm, thấu hiểu, mình sẽ xử lý tình huống thấu đáo, tế nhị hơn”- chị Thân giải thích thêm.

Truyền cảm hứng sáng tạo cho học sinh, trong năm học 2023-2024, chị Thân hỗ trợ các em thực hiện đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật và đạt giải Nhất cấp tỉnh với mô hình CLB Trò chơi dân gian. CLB được thành lập đã kết hợp với Ban hoạt động trải nghiệm của trường hằng tuần tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: nhảy dây, trồng nụ trồng hoa, ô ăn quan, kéo co… CLB này góp phần tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái cho học sinh khi tham gia, đồng thời giúp các em hiểu và có tinh thần gìn giữ giá trị truyền thống của trò chơi dân gian.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị Thân đã đạt được những thành tích đáng nể: nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt hội giảng cấp thành phố, cấp tỉnh. Cô giáo Nguyễn Thị Thân chia sẻ thêm: “Nhiều năm làm công tác giảng dạy, với tôi, nhận được tình cảm của học sinh, phụ huynh dành cho mình là niềm vui, động lực để tôi tiếp tục phấn đấu với nghề”.

Vi Xuân - Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục